Sự phát triển của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đóng góp quan trọng, trong sự phát triển kinh tế chung của tỉnh Hưng Yên.
Còn nhiều hạn chế cần khắc phục
Theo ông Nguyễn Hùng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, một số chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp có năng lực còn hạn chế, yếu kém nên tiến độ triển khai còn chậm. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và doanh nghiệp đầu tư thứ cấp đăng ký bổ sung nhiều ngành nghề kinh doanh thể hiện sự thiếu định hướng, thiếu phối hợp dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao. Bên cạnh đó là hạ tầng kỹ thuật một số cụm công nghiệp còn hạn chế. Cảnh quan môi trường một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa thực sự bảo đảm. Trình độ công nghệ của một số dự án đầu tư trong các khu công nghiệp chưa cao…
Nói về nguyên nhân của những tồn tại trên, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng, là do giải phóng mặt bằng chậm, nhiều dự án chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Thủ tục, quy trình đầu tư còn phức tạp. Một bộ phận người dân chưa đồng tình ủng hộ xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan hành chính nhà nước có lúc, có nơi chưa tích cực đồng hành, hỗ trợ chủ đầu tư. Một số chủ đầu tư chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong triển khai và phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ…
Hưng Yên được quy hoạch phát triển 35 khu công nghiệp, với diện tích trên 12.000ha. Trong đó, giai đoạn đến năm 2030 phát triển 30 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 9,6 nghìn ha. Giai đoạn sau năm 2030 phát triển mới 5 khu công nghiệp.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 10 khu công nghiệp đã được thành lập, đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư thứ cấp. 2 khu công nghiệp đã được thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động. 7 khu công nghiệp đang được lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng. Tỉ lệ lấp đầy trên phần diện tích của các khu công nghiệp đã được thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư là 57,4%. Các khu công nghiệp đi vào hoạt động hiện nay có 636 dự án đầu tư còn hiệu lực. Tỉ suất vốn đầu tư trung bình đạt 6,8 triệu USD/ha.
Hưng Yên cũng được quy hoạch phát triển 50 cụm công nghiệp đến năm 2030. Đến nay, UBND tỉnh đã quyết định thành lập 24 cụm công nghiệp, với tổng diện tích trên 1.148 ha. Có 7/24 cụm công nghiệp được UBND tỉnh lựa chọn làm dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. 16 cụm công nghiệp đang thực hiện giải phóng mặt bằng, với tổng diện tích trên 898 ha. Hiện đã có 5 cụm công nghiệp tiếp nhận các dự án đầu tư thứ cấp, với 38 dự án đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Cần bắt tay ngay vào tháo gỡ khó khăn
Để thúc đẩy phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên yêu cầu, các sở, ngành, địa phương bắt tay ngay vào khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đồng hành, hỗ trợ chủ đầu tư nhằm phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước các cấp nâng cao nhận thức, ý thức, coi phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp là sách lược thu hút đầu tư nhằm mục tiêu xây dựng tỉnh Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới người dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển khu công nghiệp nhằm tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng.
Giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của chính quyền địa phương nên các địa phương phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thực hiện theo phương châm, giải phóng mặt bằng đến đâu bàn giao đất đến đấy, bàn giao đất đến đâu đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến đấy, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến đâu thu hút đầu tư đến đấy – Bí thư tỉnh uỷ Hưng Yên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa còn yêu cầu, các cấp, ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, tháo gỡ cũng như quyết liệt xử lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp không triển khai, chậm tiến độ, vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh cải cách hành chính. Xây dựng tác phong, lề lối làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả. Phòng ngừa, đấu tranh với các biểu hiện phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực.
Về phía chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên yêu cầu, cam kết rõ ràng từng mục, từng việc theo thời gian cụ thể cho tới khi khu công nghiệp, cụm công nghiệp được lấp đầy. Trong quá tình hoạt động có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo và phối hợp xử lý, tháo gỡ. Các chủ đầu tư chủ động, tích cực xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư có chọn lọc theo định hướng, tính chất phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đăng ký với tỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch HĐQT DTJ Group (đơn vị tư vấn đầu tư vào các khu công nghiệp tại Hưng Yên) cho biết, với vị trí thuận lợi cùng quỹ đất rộng lớn, Hưng Yên chắc chắn sẽ là vị trí trọng yếu thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Bởi, từ Hưng Yên có thể dễ dàng kết nối đến các trung tâm công nghiệp khác như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương. Hệ thống đường giao thông đồng bộ rất hữu ích cho vận chuyển hàng hóa.
Cùng với đó, môi trường đầu tư tại tỉnh Hưng Yên cũng rất cởi mở với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 14/63 tỉnh thành trên cả nước cùng quỹ đất thuê rộng lớn, giá rẻ, nguồn nhân công dồi dào và có kỹ thuật cao.