Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên mong muốn chính quyền tỉnh tiếp tục quan tâm, có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững.
ÔNG NGUYỄN CHÍ HIỂU, CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP HUYỆN VĂN GIANG
Hỗ trợ tiếp cận vốn, ưu đãi thuế và mặt bằng kinh doanh
Cộng đồng doanh nghiệp huyện Văn Giang mong muốn chính quyền tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Giang tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Một trong những yêu cầu quan trọng là cải cách chính sách thuế, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, từ đó tăng cường khả năng đầu tư và mở rộng sản xuất.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh cũng rất cần thiết để các doanh nghiệp có thể ổn định và phát triển. Đồng thời, chính quyền cần có các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, như hỗ trợ vốn vay, chuyển giao công nghệ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn và có giá trị gia tăng cao.
ÔNG NGUYỄN VĂN ÁNH, CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP HUYỆN TIÊN LỮ
Đẩy nhanh tiến độ các cụm công nghiệp
Cộng đồng doanh nghiệp tại huyện Tiên Lữ với đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững và cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ phía chính quyền trọng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các rào cản pháp lý. Bên cạnh đó, cần có các chính sách cụ thể tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc liên quan đến các lĩnh vực đất đai, vốn, PCCC, xúc tiến thương mại...
Ngoài ra, Tiên Lữ cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng kinh doanh với giá ưu đãi, phù hợp với tài chính doanh nghiệp nhỏ.
ÔNG NGÔ VĂN TUẤN, CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP THỊ XÃ MỸ HÀO
Linh hoạt về thời gian ân hạn vốn cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động, việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, thời gian vay vốn và ân hạn hiện nay thường bị giới hạn trong khoảng 6 tháng, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, ngân hàng thương mại cần linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh thời gian vay vốn và thời gian ân hạn, phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề và loại hình doanh nghiệp. Đồng thời, cần triển khai các gói tín dụng riêng biệt với lãi suất ưu đãi và cơ cấu trả nợ hợp lý, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian ổn định sản xuất và tạo dòng tiền để hoàn trả vốn vay.
ÔNG ĐỖ CHÍ HÓA, CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP HUYỆN KHOÁI CHÂU
Đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp
Hội Doanh nghiệp huyện Khoái Châu đang từng bước khẳng định vị thế trên thương trường; không ngừng sáng tạo và đổi mới; từng bước lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, với tổng số 120 hội viên tham gia Hội Doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Vai trò của Hội Doanh nghiệp Khoái Châu ngày càng được khẳng định, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của tỉnh.
Chúng tôi mong muốn thời gian tới, lãnh đạo tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm tới các Doanh nghiệp/hội viên hơn nữa, triển khai chuyển đổi số tại doanh nghiệp để nâng cao hiệu suất lao động, giảm chi phí cho Doanh nghiệp. Đặc biệt là các Doanh nghiệp lĩnh vực may mặc, xuất nhập hàng hoá… Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển vươn mình trong kỷ nguyên dân tộc.
ÔNG TRẦN VĂN LONG, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ TMD VIỆT NAM
Cần chính sách hỗ trợ ngành cơ khí chính xác
Ngành cơ khí chính xác đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền công nghiệp hiện đại của đát nước, đặc biệt khi nhu cầu về các sản phẩm cơ khí chất lượng cao trong các lĩnh vực như ô tô, điện tử, hàng không ngày càng tăng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành này đang đối mặt với nhiều thách thức do chi phí đầu tư lớn vào công nghệ tiên tiến, hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao và khó khăn trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để nâng tầm ngành cơ khí chính xác, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực như ưu đãi thuế, cung cấp vốn vay ưu đãi cho đầu tư máy móc hiện đại và phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ nhân lực trong nước.
BÀ PHẠM THỊ NHẬT, CHỦ TỊCH HĐQT CTCP TẬP ĐOÀN ĐÔ THỊ PHÚC THÀNH
Tận dụng đất hoang để xây dựng nhà ở xã hội
Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, việc tận dụng các khu đất bỏ không, chưa được khai thác hiệu quả để xây dựng nhà ở xã hội là một giải pháp thiết thực, góp phần giải quyết vấn đề an cư cho người lao động có thu nhập thấp và trung bình.
Hiện nay, nhiều khu đất tại thị xã Mỹ Hào vẫn đang bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Chính quyền địa phương có thể kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở xã hội, vừa tạo cơ hội tiếp cận nhà ở cho người dân, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từ đó giúp cải thiện cảnh quan đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và công bằng xã hội.
ÔNG ĐÀO VĂN ĐÔNG, CHỦ TỊCH HĐQT CÔNG TY CP GẠCH CẦU ĐUỐNG
Cân nhắc việc sử dụng gạch không nung
Việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BXD ngày 27/8/2024 quy định sử dụng vật liệu không nung trong các dự án đầu tư công khiến các doanh nghiệp gạch nung gặp rất nhiều khó khăn.
Sử dụng gạch không nung tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn do việc khai thác nguyên liệu thô như đá, cát để sản xuất gạch thường phải sử dụng mìn phá đá, gây ra các vấn đề nghiêm trọng như bụi mịn, tiếng ồn lớn và rung chấn, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên cũng như đời sống của người dân xung quanh.
Ngoài ra, hoạt động khai thác thiếu kiểm soát còn làm suy giảm tài nguyên thiên nhiên và phá vỡ cân bằng sinh thái. Do đó, cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ việc khai thác nguyên liệu nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình sản xuất gạch không nung.
ÔNG VŨ VĂN THẮNG, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH ĐỨC THẮNG
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận mặt bằng
Hiện nay, một trong những khó khăn lớn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt là vấn đề tiếp cận mặt bằng sản xuất, đặc biệt tại các cụm công nghiệp. Mặc dù các cụm công nghiệp được quy hoạch với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhưng giá thuê mặt bằng tại đây thường ở mức khá cao, vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp nhỏ.
Việc giảm giá thuê, hỗ trợ tài chính hoặc đưa ra các chính sách ưu đãi đặc thù sẽ là những giải pháp cần thiết để giúp các doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng sản xuất một cách dễ dàng hơn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp địa phương.
ÔNG BÙI VĂN HƯNG, GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP 6G HƯNG YÊN
Liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp Hội viên
Liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp hội viên trong Hội doanh nghiệp là yếu tố vô cùng cần thiết để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp giúp tận dụng hiệu quả nguồn lực, từ nhân sự, vốn, đến công nghệ và thị trường, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.
Ngoài ra, sự liên kết còn giúp hình thành các chuỗi giá trị địa phương, tạo nền tảng cho sự phát triển ngành nghề đặc thù và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hội doanh nghiệp khi đó trở thành cầu nối quan trọng, giúp các doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ, đối thoại với cơ quan quản lý và phát triển quan hệ đối tác chiến lược.
ÔNG QUÁCH HẢI HẬU, PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC CTCP TẬP ĐOÀN GỖ MINH LONG
Hội Doanh nghiệp là “người bạn đồng hành” của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp đánh giá cao vai trò của hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hội doanh nghiệp không chỉ là cầu nối quan trọng giữa các doanh nghiệp với chính quyền mà còn là nơi tập hợp, chia sẻ kinh nghiệm và giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng doanh nghiệp.
Một trong những vai trò nổi bật của hội doanh nghiệp là hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật và các xu hướng thị trường. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể nhanh chóng thích ứng với môi trường kinh doanh đang thay đổi. Ngoài ra, Hội đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hội viên, đặc biệt trong việc tham gia đối thoại chính sách và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế, thủ tục hành chính hay tiếp cận nguồn vốn.
BÀ NGUYỄN THỊ HẰNG, PHÓ GĐ XUẤT NHẬP KHẨU CÔNG TY TNHH DỆT NHUỘM JASAN
Hiệu quả từ hợp tác Hải quan – Doanh nghiệp
Việc ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển trong môi trường nhiều biến động. Đây là một bước đi quan trọng nhằm củng cố mối quan hệ hợp tác công - tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức.
Ngoài ra, quan hệ đối tác này còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia đối thoại, đóng góp ý kiến vào việc cải tiến các chính sách và quy trình hải quan. Qua đó, hải quan có thể hiểu rõ hơn những khó khăn thực tế mà doanh nghiệp gặp phải, từ đó điều chỉnh các biện pháp hỗ trợ phù hợp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
BÀ NGUYỄN THỊ THANH HẰNG, GIÁM ĐỐC QUẢN LÝ SẢN XUẤT CÔNG TY MAY HỒ GƯƠM HƯNG YÊN
Chính quyền hỗ trợ tích cực
Doanh nghiệp đánh giá cao vai trò hỗ trợ thiết thực của chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc thu gom rác thải đồng bộ và hiệu quả, giúp doanh nghiệp duy trì môi trường làm việc sạch sẽ, an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. An ninh trật tự đảm bảo giúp doanh nghiệp yên tâm tập trung sản xuất. Hơn nữa, công tác PCCC được triển khai bài bản với các chương trình tập huấn và kiểm tra định kỳ, giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và sẵn sàng ứng phó với rủi ro, giảm thiểu thiệt hại trong hoạt động.
Ngoài ra, chính quyền địa phương còn hỗ trợ tích cực trong việc tuyển dụng lao động giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực, nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng cao.
BÀ KIỀU THỊ HƯƠNG, GIÁM ĐỐC SẢN XUẤT CÔNG TY TNHH MAY MINH ANH
Thủ tục thông quan có nhiều chuyển biến
Doanh nghiệp đánh giá cao thủ tục thông quan nhanh chóng, vì đây là yếu tố quan trọng giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Với đặc thù của ngành may, thời gian là yếu tố quyết định, đặc biệt khi các đơn hàng thường yêu cầu giao hàng đúng hạn để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Những cải cách như áp dụng Hải quan điện tử, cơ chế một cửa đã rút ngắn đáng kể thời gian xử lý, giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nguyên vật liệu và sản phẩm thuận tiện. Việc giảm thiểu các thủ tục phức tạp về hải quan và tăng cường ứng dụng công nghệ trong thông quan giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí kho bãi, lưu container và củng cố uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
ÔNG NGUYỄN QUỐC CHỮ - GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH THÀNH YÊN
Phát huy thế mạnh nông sản địa phương
Hưng Yên được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thế mạnh này vẫn chưa được khai thác hiệu quả để thúc đẩy thương mại, nâng tầm giá trị nông sản.
Doanh nghiệp mong muốn chính quyền quan tâm, có những biện pháp thiết thực nhằm phát huy thế mạnh của nông sản địa phương trên thị trường, bởi đây là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế, xây dựng thương hiệu đặc trưng cho tỉnh.
Chính quyền cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quy hoạch vùng trồng tập trung, quy mô lớn, cải thiện chất lượng và giá trị cho nông sản thông qua đầu tư vào công nghệ chế biến, bảo quản và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGab. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản thông qua các hội chợ, triển lãm hoặc xúc tiến thương mại, tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới.
BÀ TRẦN THỊ TUYÊN, CỬA HÀNG TRƯỞNG CHI NHÁNH PNJ HƯNG YÊN
Kiểm soát tốt thị trường vàng
Ngành kinh doanh vàng, bạc, đá quý luôn đối mặt với những thách thức đặc thù, như tình trạng kinh doanh vàng kém chất lượng, gian lận tuổi vàng, hàng giả, hay việc không tuân thủ các quy định pháp luật về niêm yết giá và hóa đơn. Trong bối cảnh đó, sự đồng hành và hỗ trợ của Cục Quản lý thị trường đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh.
Việc Cục Quản lý thị trường triển khai các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở kinh doanh vàng, tập trung vào việc kiểm tra tuổi vàng, nhãn mác, niêm yết giá và các giấy tờ chứng nhận liên quan không chỉ giúp loại bỏ những hành vi kinh doanh thiếu minh bạch mà còn bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tránh bị cạnh tranh không lành mạnh từ các cơ sở vi phạm.
ÔNG PHẠM VĂN PHƯỢNG, GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH KIÊM TRƯỞNG PHÒNG KINH DOANH CTCP Ô TÔ, XE MÁY, XE ĐIỆN VICTORIA
Cần chính sách ưu đãi ngành xe máy điện
Các doanh nghiệp ngành xe máy điện cần nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy sự phát triển bền vững, giảm thiểu rủi ro và chi phí đầu tư. Một trong số đó là giảm thuế nhập khẩu đối với các linh kiện, phụ tùng xe máy điện. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, Nhà nước cần áp dụng các ưu đãi về thuế VAT hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe máy điện, giúp giảm giá bán lẻ, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ trong nước. Chính quyền địa phương có thể hỗ trợ hạ tầng sản xuất, có chính sách khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng xe máy điện thay vì xe máy xăng để bảo vệ môi trường.