Tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I; đến năm 2037 đáp ứng tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương.
Những năm gần đây, việc triển khai thực hiện các dự án đô thị trong tỉnh ngày càng phù hợp với định hướng quy hoạch, cơ bản đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đặt ra, hình thành, phát triển các không gian đô thị lớn. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, đến nay, tốc độ đô thị hóa của tỉnh cơ bản bảo đảm theo kế hoạch đề ra.
Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hưng Yên cho biết, trong những năm gần đây, tỉnh Hưng Yên đã chứng kiến tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, gắn liền với các mục tiêu chiến lược theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quá trình này không chỉ góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội mà còn mở ra các cơ hội lớn để Hưng Yên trở thành một trung tâm đô thị hiện đại và phát triển bền vững.
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên định hướng đến năm 2030, tỉnh phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước. Đây là yếu tố then chốt để Hưng Yên đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị; phát triển mạnh chuỗi các đô thị có sự kết nối giữa các đô thị trung tâm, đô thị chức năng; đồng thời phát triển các khu đô thị lớn, sinh thái, thông minh và hiện đại...
Theo quy hoạch, đến năm 2030, hệ thống đô thị tỉnh Hưng Yên gồm 18 đô thị, gồm: thành phố Hưng Yên là đô thị loại 1; thành phố Mỹ Hào và thành phố Văn Giang là đô thị loại 2. Thành phố Văn Lâm và thành phố Yên Mỹ là đô thị loại 3. Thị xã Khoái Châu, thị xã Kim Động, đô thị Ân Thi là đô thị loại 4 và 10 đô thị loại 5.
Tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I. Đến năm 2037 (dấu mốc kỷ niệm 40 năm tái lập tỉnh), tỉnh cơ bản đáp ứng tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo ông Bùi Anh Tuấn, thời gian qua, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định phân công, phân cấp trong quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Hưng Yên cơ bản đã phủ kín quy hoạch xây dựng huyện, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng cho các khu vực chức năng.
Qua đó đã hình thành, phát triển các không gian đô thị lớn, phát triển các khu công nghiệp tập trung, thành phố Hưng Yên cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II; thị xã Mỹ Hào và đô thị Văn Giang cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III; khu vực trung tâm huyện Văn Lâm đạt tiêu chí đô thị loại III; các khu vực huyện Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động đang được tập trung đầu tư xây dựng, đáp ứng tiêu chí đô thị loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh trong giai đoạn 2020 đến nay có xu hướng gia tăng rõ rệt, năm 2020 đạt 42,1%, đến hết năm 2024 đạt 46%.
Cơ hội “hút” các nhà đầu tư
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hưng Yên nhận định: Các đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt là cơ sở để tỉnh thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp và các khu đô thị lớn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai các đô thị, có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như Khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang – Ecopark, Khu đô thị sinh thái Dream City, Khu đô thị Đại An – Tập đoàn Vingroup, Khu đô thị nhà vườn sinh thái trên địa bàn huyện Văn Giang – Xuân Cầu, Khu đô thị phía Đông huyện Văn Giang – Bách Giang, Công viên trung tâm và khu đô thị mới phía Đông Khoái Châu - Sơn Hà.
Theo Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên quy hoạch mới 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.788,1ha và mở rộng 04 khu công nghiệp với tổng diện tích 405,1ha. Các khu công nghiệp được quy hoạch nhằm tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, tiêu tốn ít tài nguyên, thân thiện môi trường, có khả năng tạo ra giá trị kinh tế cao.
Từ đó, làm cơ sở để thu hút các nhà đầu tư có năng lực, có uy tín trong đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, tạo tiền đề hình thành và phát triển các khu công nghiệp sạch, sinh thái, khu công nghiệp thông minh, phát triển khu công nghiệp gắn với đô thị, dịch vụ.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Phạm Thị Nhật, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Phúc Thành cho biết: Hưng Yên - với vị trí chiến lược của mình đang tăng tốc quá trình đô thị hóa để trở thành một trung tâm phát triển kinh tế năng động. Quá trình này đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Theo bà Phạm Thị Nhật, khi Hưng Yên đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến cao tốc và đường vành đai, doanh nghiệp sẽ dễ dàng kết nối với các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Khi hạ tầng giao thông kết nối tốt hơn, việc di chuyển trở nên thuận tiện, người dân sẽ có xu hướng chọn sinh sống ở các khu vực ngoại thành và vùng ven đô thay vì tập trung vào các khu trung tâm chật chội. Sự phát triển đô thị cũng kéo theo nhu cầu về trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, góp phần hình thành các khu đô thị hiện đại và đồng bộ hơn. Điều này tạo ra cơ hội đầu tư lớn trong lĩnh vực bất động sản.
Với năng lực, kinh nghiệm và uy tín, Phúc Thành đã làm chủ đầu tư và liên kết, hợp tác thực hiện nhiều dự án có vốn đầu tư và quy mô lớn trên địa bàn thị xã Mỹ Hào và tỉnh Hưng Yên như: khu nhà ở Phúc Thành 1, 2; khu nhà ở liền kề Phúc Thành 3, khu đô thị Lạc Hồng Phúc, chung cư Lạc Hồng Phúc, khu nhà liền kề Mỹ Văn,…
Ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc công ty TNHH Đức Thắng (TP Hưng Yên) nhận định: tốc độ đô thị hóa cao tại tỉnh Hưng Yên đang tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các dự án bất động sản, từ đó mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng.
Theo ông Thắng, quá trình đô thị hóa nhanh chóng tại Hưng Yên không chỉ thúc đẩy nhu cầu về hạ tầng đô thị, nhà ở và các công trình thương mại mà còn kéo theo sự gia tăng đáng kể nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng. Các dự án bất động sản, từ khu đô thị mới, khu công nghiệp đến hạ tầng giao thông, đều cần lượng lớn vật liệu xây dựng chất lượng cao. Đây chính là cơ hội vàng để các doanh nghiệp trong ngành phát triển và mở rộng thị phần.
Đồng thời, ông Thắng nhấn mạnh, để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cần đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa chi phí để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường. Việc phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường cũng là xu hướng quan trọng, phù hợp với định hướng phát triển bền vững mà tỉnh Hưng Yên đang hướng tới.
Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, ông tin tưởng rằng ngành vật liệu xây dựng sẽ có cơ hội phát triển song hành cùng sự bùng nổ của các dự án bất động sản tại Hưng Yên trong thời gian tới.