Năm 2023 có thể mở ra bước ngoặt đối với kết quả kinh doanh của PVD, khi nhờ nhu cầu khoan tăng tốc trên toàn cầu, doanh nghiệp hưởng mức giá thuê giàn JU cao hơn.
>>>Hiệu suất hoạt động giàn khoan và sức hút cổ phiếu PVD
Kết thúc quý II/2023, doanh thu thuần của Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí - PV Drilling (HoSE: PVD) giảm 6,7% so với cùng kỳ, xuống 1.413 tỷ đồng chủ yếu do không ghi nhận doanh thu từ giàn khoan thuê ngoài và doanh thu dịch vụ giếng khoan giảm, giảm 23% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, lợi nhuận gộp trong quý II/2023 tăng mạnh 187% so với cùng kỳ, lên 359 tỷ đồng do biên lợi nhuận gộp mảng khoan tăng 26,9 điểm % so với cùng kỳ, lên 23% nhờ giá thuê giàn JU cao hơn 30% so với cùng kỳ. Đây là mức biên lợi nhuận gộp theo quý cao nhất kể từ năm 2016 của PVD.
Trong quý này, chi phí tài chính ròng của PVD tăng gần 51% so với cùng kỳ, lên 75 tỷ đồng, chủ yếu là do chi phí lãi vay tăng 63% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, PVD ghi nhận khoản bồi thường 70 tỷ đồng do việc chấm dứt hợp đồng khoan của khách hàng (Valeura Thailand).
Kết quả, PVD ghi nhận lợi nhuận ròng quý II đạt hơn 161 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ ròng 60 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Đây là mức lãi cao nhất 18 quý trở lại đây của doanh nghiệp này.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, trong quý II, đơn giá cho thuê và hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng tăng. Công ty cũng ghi nhận một khoản thu nhập từ thoả thuận chấm dứt hợp đồng với khách hàng, cùng với tăng lãi liên doanh giúp lợi nhuận quý Il/2023 tăng.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, PVD ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.637 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng lãi ròng lên tới 207 tỷ đồng, so với mức lỗ hơn 148 tỷ đồng của nửa đầu năm 2022. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành hơn 48% mục tiêu doanh thu và vượt 107% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này đang nhận được nhiều thuận lợi khi thị trường khoan dầu khí khu vực Đông Nam Á lẫn trong nước đang ngày càng sôi động và giá thuê giàn khoan đang ở mức cao kỷ lục nhiều năm trở lại đây.
Dẫn số liệu từ Hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit, Chứng khoán VNDirect cho biết, nhu cầu giàn JU tại Trung Đông dự kiến sẽ tăng từ 125 gian vào năm 2022 lên lần lượt là 169 giàn và 183 giàn vào năm 2023 – 2024, lần lượt tăng 35,2% và 8,3% so với cùng kỳ, và trở thành động lực chính thúc đẩy thị trường khoan toàn cầu.
Điều này kéo theo làn sóng dịch chuyển giàn JU ồ ạt vào khu vực này trong thời gian gần đây. Động lực từ khu vực Trung Đông sẽ nâng hiệu suất sử dụng trung bình giàn JU trên toàn cầu từ 80% vào năm 2022 lên 86%/93% vào năm 2023 - 2024.
Đối với thị trường Đông Nam Á, IHS dự báo, nhu cầu trung bình giàn JU cũng sẽ tăng từ 32,4 giàn vào năm 2022 lên 36,4/40,8 giàn vào năm 2023 - 2024 với động lực chính tới từ Indonesia và Malaysia. Ngược lại, theo thống kê có khoảng 28 giàn JU đã rời khỏi khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đến Trung Đông trong năm 2022 - 2023. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung giàn JU từ quý III/2023 khi Chính phủ các nước Đông Nam Á đẩy mạnh các chiến dịch Thăm dò & Khai thác (E&P) dầu khí.
Theo sau sự thắt chặt của thị trường khoan toàn cầu, hiệu suất sử dụng trung bình giàn JU tại Đông Nam Á đã tăng vọt lên 90% từ nửa cuối năm 2022 do đội giàn JU bị thu hẹp khi nhiều giàn khoan di chuyển đến Trung Đông. Điều này đã giúp giá thuê giàn JU tham chiếu (loại 301- 400 IC) tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2015 đến cuối năm 2022, dao động từ 105.000 USD đến 131.000 USD.
“Chúng tôi cho rằng giá thuê trung bình giàn JU tại ĐNÁ sẽ duy trì trên mức 120.000 USD trong thời gian tới nhờ nhu cầu tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh nguồn cung giàn bị thu hẹp và nguồn cung bổ sung từ giàn khoan mới khó có thể xảy ra trong ngắn hạn, tạo ra điều kiện kinh doanh rất thuận lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ khoan như PVD”, VNDirect nhận định.
Theo đánh giá của VNDirect, thị trường khoan trong nước sẽ sôi động hơn kể từ năm 2024 trở đi, qua đó đảm bảo cho triển vọng kinh doanh của PVD trong nhiều năm tới. Theo công ty chứng khoán này, nhiều dự án phát triển mỏ dầu khí quy mô vừa và nhỏ đã được bật đèn xanh và có những chuyển động đáng kể trong vài tháng qua, đơn cử như dự án Đại Hùng Giai đoạn 3, Kình Ngư Trắng hay Lạc Đà Vàng. Ngoài ra, VNDirect cũng kỳ vọng dự án phát triển mỏ khí trị giá nhiều tỷ USD Lô B – Ô Môn sẽ có FID vào cuối năm 2023, tạo tiền đề để dự án khởi công vào đầu năm 2024.
Sau giai đoạn khó khăn do thị trường khoan ảm đạm, VNDirect cho rằng, năm 2023 sẽ là bước ngoặt đối với kết quả kinh doanh của PVD. Nhờ nhu cầu khoan tăng tốc trên toàn cầu, PVD sẽ được hưởng mức giá thuê giàn JU cao hơn đáng kể từ năm 2023 trở đi.
“Chúng tôi kỳ vọng giá ngày giàn JU trung bình trong năm 2023 sẽ tăng 26,2% so với cùng kỳ, lên 77.000 USD, sau đó tiếp tục tăng 16,9%/5,0% so với cùng kỳ trong năm 2024 - 2025 sau khi một số hợp đồng giá thấp hết hạn từ cuối năm 2023”, VNDirect nhận định.
VNDirect cũng dự báo, hiệu suất sử dụng giàn JU của PVD sẽ duy trì ở mức cao là 95% trong giai đoạn 2023 - 2025. Quá đó, kỳ vọng kết quả kinh doanh của PVD sẽ chuyển biến tích cực từ năm 2023 với lợi nhuận ròng đạt 506 tỷ đồng, sau đó tiếp tục tăng trưởng 88,3%/28,7% trong năm 2024 - 2025 nhờ giá thuê giàn JU cao hơn.
Có thể bạn quan tâm