Hiệu suất giàn khoan tự nâng chỉ đạt khoảng 60%, đơn giá cho thuê giàn khoan thấp, giảm lợi nhuận từ các liên doanh… khiến Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) bị hụt hẫng...
>> Chiến sự Nga - Ukraine: Ngành dầu khí Việt Nam hưởng lợi thế nào?
Khó khăn nói trên của PVD chưa dừng lại khi tình trạng cung vượt cầu giàn khoan vẫn ở mức cao, đơn giá cho thuê giàn và các dịch vụ khác ở mức thấp.
PVD vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với doanh thu đạt 1.146 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ giá vốn, PVD lãi gộp gần 70 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 35%, nhưng chi phí hoạt động tăng thêm 30%. Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, PVD chịu lỗ sau thuế 75 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 110 tỷ đồng.
Sở dĩ PVD lỗ ròng trong quý 1 do một loạt khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm việc không có giàn khoan cho thuê so với mức trung bình 2,37 giàn của cùng kỳ năm 2020. Đối với 4 giàn khoan tự nâng đang hoạt động tại Malaysia, hiệu suất sử dụng giảm mạnh xuống 52%, từ mức 100% của cùng kỳ năm ngoái, đơn giá cho thuê giảm 9%. Doanh thu và lợi nhuận của các dịch vụ liên quan đến khoan cũng sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
>> Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): "Đánh thức" đầu tư vào dầu khí phải có cách nhìn mới
Theo BSC, điểm sáng nhất trong bức tranh tài chính của PVD là đến nay, doanh nghiệp này đã thu hồi gần 90% khoản nợ xấu của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) và hoàn nhập 76% khoản dự phòng tương ứng.
75 tỷ đồng là khoản lỗ sau thuế của PVD trong quý 1/2022, trong khi cùng kỳ 2021 lỗ gần 110 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Tổng Giám đốc PVD, cho biết trong quý 1/2022 có 2,5 giàn khoan không có việc làm. Nếu không duy trì đủ giàn khoan hoạt động sẽ dẫn tới dòng tiền kinh doanh thiếu hụt và công nhân không có việc làm.
SSI Research đã tăng giả định giá dầu Brent trung bình năm 2022 lên 95 USD/thùng, tăng 34% so với cùng kỳ. Mức giá này tạo thuận lợi cho việc tái khởi động các dự án dầu khí. Năm 2022 có thể là thời điểm để gia tăng hoạt động giàn khoan bất chấp xung đột địa chính trị, khiến các dự đoán về giá có khả năng biến động lớn.
Theo ước tính của SSI, giá thuê ngày sẽ ở mức 68.000 USD/ngày năm 2022, 80.000 USD/ngày năm 2023 và 86.000 USD/ngày năm 2024 (với giả định giá dầu Brent trung bình 95 USD/thùng năm 2022 và 80 USD/thùng năm 2023-2024).
SSI Research dự báo doanh thu của PVD năm 2022 sẽ tăng trưởng 60% so với cùng kỳ do khối lượng công việc và giá thuê ngày cao hơn. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của PVD ước tính tăng so với cùng kỳ từ mức thấp năm 2021.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo PVD lại không lạc quan với dự báo của các chuyên gia nói chung và SSI nói riêng. Do vâỵ, khi lập kế hoạch kinh doanh năm 2022, PVD rất thận trọng khi dự kiến doanh thu hợp nhất 4.700 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện 2021 và không thua lỗ (hợp nhất). Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ dự kiến 45 tỷ đồng.
Kế hoạch được xây dựng dựa trên dự báo thị trường dầu khí, đặc biệt là thị trường khoan dầu mỏ còn khó khăn, ước tính các chương trình khoan trong nước không nhiều, tình trạng cung vượt cầu giàn khoan vẫn ở mức cao, đơn giá cho thuê giàn và các dịch vụ khác ở mức thấp.
Có thể bạn quan tâm