Tín dụng - Ngân hàng

Hướng mở rộng tín dụng xanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Lê Mỹ 18/10/2024 13:44

Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tương đối cao, nhưng chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng. Làm sao để mở rộng?

TS. Trần Du Lịch, Ủy viên ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 tại TP HCM cho biết, bản thân ông đã tham gia nhiều hội thảo về tín dụng xanh nên hiểu rõ định định hướng phát triển xanh của TPHCM như thế nào. Đối với kinh tế TPHCM, đã có định hướng khá rõ, số và xanh. Nếu như chuyển đối số trụ cột là hạ tầng số thì trụ cột chuyển đổi xanh hạ là năng lượng xanh, năng lượng xanh.

TS Trần Du Lịch nhận định: Đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tương đối cao, nhưng chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng
TS Trần Du Lịch nhận định: Đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tương đối cao, nhưng chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng

“Đầu tiên là chuyển đổi công nghiệp, chuyển đổi chức năng một số khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động 30 năm qua. Chúng ta không bỏ công nghiệp truyền thống mà nâng cấp công nghiệp truyền thống lên một tầm cao mới, áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0, lấy tôn chỉ giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng là mục tiêu quan trọng”, TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo “Tài chính xanh: Chia sẻ lợi ích - rủi ro giữa các doanh nghiệp và ngân hàng” do báo SGGP - Đầu tư Tài chính phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) vừa diễn ra.

Theo ông, từ năm 2015, Việt Nam đã bắt đầu quy trình sử dụng tín dụng xanh. Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước và IMF đã ban hành sổ tay hướng dẫn cho 15 ngành về ứng dụng phát triển tín dụng xanh. Đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tương đối cao, nhưng chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng.

"Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao mở rộng tín dụng xanh với các doanh nghiệp nhỏ và vừa?”, TS Trần Du lịch đặt câu hỏi. Ông cho rằng trong bối cảnh đặt ra xu hướng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, như điện sinh khối, giảm khí thải… , thì đòi hỏi lượng tín dụng rất lớn cho doanh nghiệp. Để giải quyết được bài toán này, theo TS, về mặt khung pháp lý đã có một số quy định nhưng để các doanh nghiệp có thể tiếp dụng tín dụng, phải làm rõ tiêu chí “xanh”, thước đo môi trường như thế nào. Về nguồn vốn, hiện nay không chỉ có ngân hàng thương mại mà phải tận dụng nguồn vốn quốc tế, các quỹ đầu tư… ưu tiên cho kinh tế xanh.

Về phía các tổ chức tín dụng (TCTD), TS Trần Du Lịch cho rằng phải xây dựng đội ngũ chuyên viên chuyên nghiệp về tín dụng xanh để tiếp cận với doanh nghiệp để tư vấn, giảm rủi ro cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các TCTD cũng phải đa dạng hóa sản phẩm, tín dụng xanh không chỉ tài trợ cho điện gió, điện mặt trời, mà tín dụng phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm trong hệ sinh thái kinh tế xanh.

Nếu không quản lý rủi ro, có thể tăng nợ xấu. Vì vậy, cần phải giảm rủi ro nợ xấu, có những giải pháp liên quan đến việc tư vấn tín dụng xanh. Về phía doanh nghiệp, nếu chậm bước trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì chúng ta sẽ lạc hậu, đi sau, TS Trần Du Lịch cảnh báo.

Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Britol, Vương quốc Anh, vấn đề biến đổi khí hậu đang mang đến những tác động lớn. Chính vì vậy, chúng ta phải đưa khái niệm này vào quản trị tài chính chính, đó là “Tài chính bền vững”.

Ở góc độ ngân hàng, TS Hồ Quốc Tuấn cho biết Liên minh châu Âu (EU) tới đây yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu. Qua đó tác động đến bảng cân đối tài sản của các ngân hàng. Thực tế ngân hàng không cho vay tài chính xanh vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Sài Gòn Giải Phóng nhận định, đối với nguồn vốn cho tín dụng xanh, dù đã nỗ lực huy động các nguồn vốn từ thị trường phi tín dụng, nhưng nhìn chung tín dụng xanh từ ngân hàng (NH) vẫn là công cụ huy động vốn chủ yếu cho các dự án xanh. Còn thị trường trái phiếu xanh khá mới mẻ, quy mô chỉ chiếm khoảng 1% thị trường trái phiếu.

Tính đến 30/6, đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 650.300 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2023, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (chiếm gần 30%), số liệu thống kê theo dữ liệu NHNN.

“Tuy nhiên, kết quả tín dụng xanh vẫn còn hạn chế bởi các giải pháp của ngành ngân hàng còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, Việt Nam chưa có quy định chung về Danh mục phân loại xanh phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế, để các tổ chức tín dụng có cơ sở đánh giá cụ thể đối với từng dự án trong quá trình thẩm định cho vay, tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý tài trợ cho các dự án thuộc Danh mục phân loại xanh”, ông Nguyễn Nhật nói. Hay nói như cách của TS Trần Du Lịch là Nhà nước vẫn còn “nợ” doanh nghiệp một Danh mục phân loại xanh. Đây sẽ là một trong những công cụ quan trọng để tín dụng xanh được thúc đẩy, mở rộng.

Theo ông Tôn Thất Hạc Minh, Tư vấn trưởng, Công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường Thông minh, nếu nói về khả năng tiếp cận tài chính xanh, thị trường carbon, thì chúng ta hiểu là đến từ năng lực xanh, tức năng lực con người, năng lực về hạ tầng. Tức là năng lực về ESG, năng lực tài chính. “Khi tiếp xúc với các cộng đồng doanh nghiệp, đa phần gặp thách thức về ESG. Lâu nay, các doanh nghiệp hay nói ESG thuộc về công ty lớn trong khi tôi đang phải vật lộn tồn tại hằng ngày. Do vậy, chúng ta phải bình dân hóa ESG, một doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể làm được”, ông Tôn Thất Hạc Minh nói.

Ông cũng khuyến nghị cách thức để các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hạn chế tài chính có thể làm báo cáo phát triển bền vững, thông qua tiếp cận các tiêu chuẩn hết sức rõ ràng của các tổ chức quốc tế.

Ô
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kiến nghị cần có chương trình cho vay xanh trung và dài hạn

Từ phía doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết các thị trường lớn của dệt may Việt Nam như EU, Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc cũng bắt đầu đưa ra hàng loạt đòi hỏi về chứng chỉ xanh của ngành dệt may. Tiêu chuẩn xanh là khâu đầu tiên trong chuỗi dệt may và có đến 86 chỉ tiêu đánh giá để có được một đơn hàng. Phần lớn các doanh nghiệp dệt may đã đầu tư từ 7 năm trước và mạnh nhất trong 5 năm gần đây để đạt được 86 chỉ tiêu đánh giá này.

Kiến nghị về mối quan hệ ngân hàng và doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang cho rằng ngân hàng nên chủ động hợp tác với tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ cho doanh nghiệp, để từ đó ngân hàng an tâm cho vay. Ngân hàng cũng phải suy nghĩ cho vay xanh trung và dài hạn, trong đó phải có gói cho vay để đầu tư hạ tầng xanh, bao gồm cả gói chi phí đánh giá, vì phí đánh giá hiện nay rất cao. Thực tế, hiện có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xanh nhưng chưa mời đánh giá, hoặc có chứng chỉ đánh giá nhưng ngại truyền thông để thấy được sự phát triển xanh, ông Giang cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hướng mở rộng tín dụng xanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO