Doanh nghiệp

Doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng xanh

Thy Hằng 29/08/2024 15:07

Khi chuyển đổi xanh, doanh nghiệp lĩnh vực GTVT cần nguồn vốn lớn nhưng việc tiếp cận tín dụng xanh hỗ trợ từ Chính phủ, các quỹ chuyển đổi xanh cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Chia sẻ của nhiều doanh nghiệp cho thấy, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp lĩnh vực GTVT trong quá trình chuyển đổi xanh hiện là vấn đề nguồn vốn. Bởi theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó ban chỉ đạo cảng xanh, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, một số dự án khi chuyển đổi xanh, dùng trang thiết bị tự động hóa chạy điện, chi phí đội lên gấp ba lần so với ban đầu, từ 11.000 – 12.000 tỷ lên khoảng 30.000 tỷ đồng.

TCIT Overview
Cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) là Cảng xanh của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Đơn cử, một chiếc xe tải dùng động cơ đốt trong do Mỹ hoặc châu Âu sản xuất giá 1-2 tỷ đồng, thì xe tải điện Trung Quốc sản xuất giá lên tới 5 tỷ đồng, chiếm một nửa trong đó là tiền pin.

Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ, các quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh của quốc tế hiện cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Khi tiếp cận được thì đã muộn hoặc không đủ điều kiện thực hiện.

Trên thực tế, ghi nhận của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cũng cho thấy tại các nước trong khu vực, ví dụ như Thái Lan, ADB đã thực hiện từ 2-3 giao dịch tín dụng xanh, tuy nhiên đến hiện tại ở Việt Nam, mới có một giao dịch với VinFast có thể thực hiện được và đã ký cách đây hai năm.

Do đó, các doanh nghiệp trong nhóm ngành quản lý, khai thác cảng đề xuất Chính phủ cần xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, luật hóa việc chuyển đổi xanh trong các dự án mới, dự án đầu tư trang thiết bị để chuyển đổi hạ tầng giao thông. “Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có những ưu đãi thực chất, kịp thời về miễn, giảm thuế và các hỗ trợ tài chính khác cho doanh nghiệp để chuyển đổi xanh”, ông Tuấn đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông công cộng Hà Nội nêu kiến nghị: "Chúng tôi mong đại diện các ngân hàng, các định chế tài chính lớn như ADB, World Bank cung cấp nguồn tài chính hấp dẫn, lãi suất khoảng 3,5 - 4%/năm cho các dự án chuyển đổi phương tiện xanh, ít nhất là hướng dẫn để làm sao chúng tôi tiếp cận nguồn tài chính này".

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tài chính xanh cho các dự án giao thông xanh không chỉ là nguồn vốn giá rẻ, lãi suất thấp, mà việc thấp hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và việc thực hiện các cam kết.

1335_1.jpg
VinFast là dự án duy nhất được Ngân hàng ADB cấp vốn tín dụng xanh tại Việt Nam.

"Tài chính xanh là nguồn tiền các nhà tài trợ, các định chế tài chính hoặc ngân hàng cam kết đầu tư chuyển đổi xanh, cam kết dành một phần nguồn lực vào đó và họ phải đạt được mục tiêu như cam kết. Tuy nhiên, rất khó để nói làm thế nào để được vay từ nguồn tài chính xanh. Chúng tôi phải nhìn vào dự án cụ thể. Chúng tôi cho vay không có bảo lãnh gì từ chính phủ cả. Nguyên tắc chúng tôi cho vay tài trợ thì là nguyên tắc thị trường, dự án rủi ro thì lãi suất càng cao”, ông Đỗ Lê Ninh, chuyên gia Khối doanh nghiệp tư nhân, ADB chia sẻ.

Bên cạnh góc độ của các ngân hàng, để tiếp cận nguồn tài chính xanh, chuyên gia khuyến nghị một tài liệu hết sức quan trọng là hồ sơ đánh giá tác động môi trường được tư vấn và phê duyệt bởi tổ chức có thẩm quyền. Đây là tài liệu mấu chốt trong hồ sơ xét cấp tín dụng xanh.

“Tài chính xanh là gói tín dụng cấp cho các dự án chuyển đổi xanh được tư vấn và thẩm định chặt chẽ, kèm theo cam kết rất cụ thể”, chuyên gia chia sẻ.

Bên cạnh nỗ lực hỗ trợ của các ngân hàng,ông Vũ Đức Công, Quản lý cơ sở hạ tầng và cố vấn chính sách cấp cao, Đại sứ quán Úc đề xuất nên nghiên cứu trái phiếu xanh.

“Trái phiếu xanh của Chính phủ là hướng gợi mở rất hay. Chính phủ đứng ra thiết lập thị trường, dẫn dẵn, thu hút các nhà đầu tư thiết lập nguồn tài chính đó. Nếu có thể tiếp cận, đưa ra khung pháp lý, sẽ không thiếu nhà đầu tư tham gia”, ông Vũ Đức Công đề xuất.

Đồng thời cho rằng thị trường tài chính xanh hiện khoảng 1,9 tỷ USD nhưng đến 2040 có thể lên tới 5.900 tỷ USD. Khả năng huy động nguồn lực hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế công bằng để các nhà tài trợ yên tâm bỏ vốn.

Đồng quan điểm, ông Kanza Nakai, Giám đốc giao thông ADB cho biết, bên cạnh các khoản cho vay, chính phủ cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc tạo ra môi trường, hệ sinh thái để phát triển PTGT xanh.

Ví dụ như ở cấp độ chính sách, chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong sản xuất và các hoạt động tương tự. Đơn cử Ấn Độ, chính phủ nước này đã ban hành chính sách chuyển sang xe buýt điện trên quy mô toàn quốc, lúc này các doanh nghiệp tư nhân sẽ tham gia đấu thầu để cung cấp phương tiện. Ở Việt Nam cũng có thể áp dụng như vậy.

Cùng đó, chính phủ có thể hỗ trợ theo từng giai đoạn, từng bước. Ví dụ như đầu tư xây dựng hạ tầng cho xe điện, hay đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO