Hướng tới nền nông nghiệp 1 tỷ đồng/ha

Theo nongnghiep 16/02/2018 04:38

Đầu xuân Mậu Tuất, ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chia sẻ về chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp của một tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu vực công nghiệp - dịch vụ và thương mại.

Nhờ “cởi trói” đất lúa kém hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỉnh Hưng Yên đang phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, giá trị cao mang đặc trưng đô thị.

Ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, ngành nông nghiệp Hưng Yên đang chuyển đổi đúng hướng, có hiệu quả

Ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, ngành nông nghiệp Hưng Yên đang chuyển đổi đúng hướng, có hiệu quả

Hưng Yên là tỉnh có lợi thế đất đai, có truyền thống làm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao (hoa cây cảnh, cây ăn trái, bò sữa, chuối, cá lồng…). Vậy trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, đâu là chủ trương đột phá của tỉnh?

Trong ngành nông nghiệp hiện nay, bốn từ khóa được cả hệ thống chính trị quan tâm đặc biệt, gồm: “chuyển đổi đất lúa”; “tích tụ đất đai”; "liên kết chuỗi” và “nông nghiệp công nghệ cao”. Ở Hưng Yên, câu nói đất quý như vàng không còn xa lạ. Thực tế ở nhiều địa phương, mỗi mét vuông đất canh tác nông nghiệp có giá chuyển nhượng hàng triệu đồng. Chiến lược của tỉnh là xây dựng một nền nông nghiệp mang đặc trưng đô thị; lấy công nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, từ đó tạo ra đột phá mạnh mẽ.

Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, cây lúa nước đã có sứ mệnh cao cả, đó là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Nhưng ngày nay, nếu cứ ôm khư khư đất lúa, thì chắc chắn đời sống nông thôn sẽ ngày càng tụt hậu.

Năm 2015, UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định số 438/QĐ-UBND, phê duyệt Kế hoạch khung chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa đến năm 2020. Văn bản này đã tháo được “vòng kim cô” bủa vây đất lúa, giúp nông dân quay trở lại với đồng ruộng, làm giàu ngay trên vùng đất khó canh tác.

- Chuyển đổi đất lúa sang các đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu là chủ trương rất đúng. Nhưng, đây không phải là việc dễ làm, nếu không tính toán kỹ, tài nguyên đất đai sẽ bị phá huỷ. Vậy nguyên tắc nào để chuyển đổi thành công, thưa ông?

Theo quy định, bất cứ mô hình chuyển đổi nào cũng phải phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa địa phương. Người dân, chủ doanh nghiệp không được chuyển đổi ngoài kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, phải đảm bảo phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại trồng lúa; không gây ô nhiễm, thoái hoá đất. Không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc.

Việc chuyển đổi sản xuất phải theo vùng, theo cánh đồng (trong quy hoạch của từng thôn, xóm) để hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Không được chuyển đổi cơ cấu cây trồng tràn lan, tự phát, theo phong trào. Đồng thời, các mô hình chuyển đổi phải gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới, đảm bảo cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định, bền vững; từng bước hình thành và lan tỏa các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, với các mô hình chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản, phải đánh giá kỹ chất lượng ruộng nuôi. Cơ chế của tỉnh là cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thuỷ sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120cm, nhưng phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa. Việc chuyển đổi phải gắn liền với đưa tiến bộ khoa học công nghệ mới vào, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao.

- Ông có thể cho biết sơ bộ kết quả chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên thời gian qua?

Nếu nói về những con số ấn tượng trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 3 năm qua, xin liệt kê như sau: Diện tích chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang mô hình sản xuất nông nghiệp giá trị cao khoảng 3.000 ha. Nhiều diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả hàng năm, hoa, cây cảnh, cây dược liệu bước đầu cho thu nhập từ 300 – 350 triệu đồng/ha (cao hơn trồng lúa từ 7 - 10 lần). Thậm chí có những mô hình cho thu nhập từ 600 - 700 triệu đồng/ha/năm như mô hình trồng nghệ ở Khoái Châu. Mô hình trồng hoa, cây cảnh ở huyện Văn Giang có thể cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Thực tiễn cho thấy, nếu có cách làm bài bản, có cơ chế thúc đẩy, hỗ trợ phù hợp, những mô hình thu lợi nhuận 1 tỷ đồng/ha sẽ không còn xa vời.

Ở Hưng Yên đã hình thành những vựa cam; vựa chuối; vựa cây dược liệu; vựa cây cảnh; vựa cây ăn quả rất lớn, tập trung lên tới hàng ngàn héc ta.

Bên cạnh đó, diện tích chuyển sang cây trồng kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản mỗi héc ta cho thu hoạch khoảng 10 tấn quả (đu đủ, chuối…); từ 4,2 - 4,5 tấn cá các loại và 0,5 - 1 tấn gia cầm, thủy cầm (vịt, gà…), ước tính cho thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm. Đó là con số mơ ước mà cách đây 5 - 10 năm, đại bộ phận nông dân Hưng Yên chưa bao giờ mơ thấy.

- Thực tế, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có hiện tượng lợi dụng chủ trương chuyển đổi đất lúa để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, chiếm đất, thậm chí xây dựng công trình nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp. Quan điểm xử lý, chỉ đạo của tỉnh là như thế nào?

"Theo kế hoạch, UBND tỉnh Hưng Yên giao kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đến năm 2020 cho các huyện, thành phố là 6.914ha. Trong đó năm 2018 chuyển đổi 2.500 ha; năm 2019 chuyển đổi 2.600ha; năm 2020 chuyển đổi 1.800ha", ông Bùi Thế Cử.

Tôi khẳng định là có hiện tượng như nhà báo nêu. Qua rà soát trên địa bàn toàn tỉnh Hưng Yên, các địa phương thống kê được tổng cộng 5.571 trường hợp chuyển đổi sai quy định, vi phạm xây dựng công trình nhà ở trên đất nông nghiệp với diện tích 62,18ha. Quan điểm của tỉnh là xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước mắt, chính quyền địa phương, chính quyền cơ sở sẽ vận động người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm. Nếu các hộ không chấp hành, chúng tôi tổ chức cưỡng chế để tạo sức răn đe, không thể để thổ canh biến thành thổ cư; đồng ruộng biến thành làng mạc. Nếu phát hiện cán bộ bao che cho sai phạm, sẽ xử lý trách nhiệm một cách nghiêm minh.

Với quyết tâm đó, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã xử lý được hơn 4.000 trường hợp vi phạm xây dựng công trình, nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp, giải phóng cho đất canh tác.

Là tỉnh đang phát triển mạnh công nghiệp, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp, dịch vụ… thời gian tới, Hưng Yên xác định vị trí nông nghiệp ở đâu?

Muốn GDP của khu vực nông nghiệp không ngừng tăng trưởng, trong khi quỹ đất canh tác ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các khu công nghiệp; khu thương mại dịch vụ là một bài toán khó.

Cánh đồng sản xuất nghệ đỏ cho thu nhập 600 - 700 triệu đồng/ha/năm

Cánh đồng sản xuất nghệ đỏ cho thu nhập 600 - 700 triệu đồng/ha/năm

Cần phải tìm mọi cách để phát triển nền nông nghiệp quy mô hàng hoá, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích.

Chúng tôi coi tích tụ ruộng đất là khâu đột phá trong tổ chức sản xuất nông nghiệp thời gian tới. UBND tỉnh đang xây dựng bộ thủ tục và quy trình hành chính đơn giản, nhanh gọn phục vụ việc chuyển nhượng, hợp đồng thuê, góp đất liên kết… của các đối tượng, trong đó cần đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở, giảm tối đa các phiền hà trong giao dịch hành chính.

Tuy nhiên, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sử dụng đất theo quy định của nhà nước, bảo vệ đất canh tác bằng mọi giá.

- Xin cảm ơn ông!

"Nhiều nông dân Hưng Yên được hun đúc khát vọng làm giàu, phấn đấu trở thành những “vua chuối”, “vua gà Đông Tảo” ở đất Bắc… Thậm chí, một nông dân tại Hưng Yên trồng lúa theo công nghệ hiện đại, tự động hóa trên diện tích 120 héc ta đã xuất khẩu gạo thẳng sang thị trường Nhật Bản", ông Bùi Thế Cử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hướng tới nền nông nghiệp 1 tỷ đồng/ha
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO