Giữa biển, trời Trường Sa, những vòng hoa tưởng niệm, cành hoa cúc, hàng trăm chim hạc giấy trắng được thả xuống để tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và viết nên câu chuyện huyền thoại bất tử.
>>>Những món quà ý nghĩa đến quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1
>>>Mang hơi ấm từ đất liền đến quân dân huyện đảo Trường Sa
Mang trong mình niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương mãnh liệt, hơn 200 đại biểu trong đoàn công tác số 16 của Quân chủng Hải quân là đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp… đã đến thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/9 vào những ngày tháng 5 lịch sử. Đa số các thành viên trong đoàn đều lần đầu được ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1/9. Chúng tôi, ai cũng háo hức mong sớm được gặp gỡ, thăm hỏi, giao lưu cùng các chiến sĩ cũng như nhân dân sống trên huyện đảo Trường Sa và nhà giàn.
Tượng đài bất tử
Ngày 6/5, trước giờ khởi hành, đoàn công tác chúng tôi đã tới dâng hoa, dâng hương các Anh hùng liệt sĩ tại tượng đài Anh hùng liệt sĩ Đoàn tàu không số tại Lữ đoàn 125, vùng 2 Hải Quân, phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Sau lễ dâng hương, tàu KN 290 thuộc Chi đội Kiểm ngư số 2 khởi hành đưa đoàn công tác đi thăm hỏi, động viên, trao quà quân dân trên đảo Len Đao, Sinh Tồn Đông, đảo An Bang, đảo Đá Đông C, đảo Đá Tây B, thị trấn Trường Sa và Nhà giàn DK1/9 (Ba Kè).
Ngày thứ 3 trong chuyến hải trình, sau 2 ngày rời cảng Lữ đoàn 125, tàu KN 290 chở đoàn công tác số 16 rẽ sóng vươn nhanh về khu vực biển đảo Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma - nơi có những con người ưu tú của đất nước đã mãi mãi nằm lại, rồi neo đậu gần đảo Len Đao - điểm đầu tiên trong chuyến hải trình.
Đúng 5 giờ sáng, sau hiệu lệnh “Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu” vang lên, các thành viên của đoàn công tác quần áo chỉnh tề, tập trung tại bãi đáp sân bay trên tầng 4 của tàu KN 290 để chuẩn bị làm Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Ba hồi tàu rền vang, tất cả đoàn công tác nghiêng mình tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc tại đảo Gạc Ma năm 1988.
Ngày 14/3/1988, Trung Quốc bất ngờ sử dụng vũ khí có uy lực mạnh, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Với ý chí quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, dù biết rằng có thể sẽ hy sinh nhưng cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trong cuộc chiến đấu anh dũng đó đã xuất hiện những tấm gương tiêu biêu, ngời sáng của cán bộ, chiến sĩ các Tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125, Vùng 2; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146, Vùng 4; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân.
Trước sự tấn công của kẻ thù, Anh hùng liệt sỹ Trung tá Trần Đức Thông – Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng Tàu HQ 604; Anh hùng liệt sỹ Thiếu úy Trần Văn Phương – Phó chỉ huy trưởng Đảo Gạc Ma vẫn bình tĩnh chỉ huy bội đội bảo vệ tàu, bảo vệ đảo, giữ vững lá cờ Tổ quốc tung bay. Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và dõng dạc tuyên bố: “Không được lùi bước. Phải để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân”; Anh hùng, thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc, mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm...
Giữa biển, trời Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, Đại tá Phạm Bá Bằng – Chính uỷ Nhà máy X52, Cục Kỹ thuật Hải quân không khỏi xúc động: “Kể sao cho hết những tấm gương hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trong sự kiện 14/3/1988. Các anh đã ngời sáng lên niềm tin, khí phách quyết thắng, tô thắm thêm phẩm chất cao quý “Bộ đội cụ Hồ” – Người chiến sĩ Hải quân. Sự hy sinh của các anh đã kết thành “vòng tròn bất tử”, thành bài học vô giá cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.
Mãi mãi ghi ơn
Tại cụm đảo thiêng liêng Len Đao – Cô Lin – Gạc Ma, trong không khí linh thiêng và xúc động, chúng tôi, từ những người mái tóc đã điểm bạc đến những người tóc vẫn còn xanh, từ những người lăn lộn với biển đảo đến những người lần đầu tiên được đặt chân đến quần đảo này đều không cầm được nước mắt.
“Đảo là nhà, biển cả là quê hương. 36 năm trôi qua, tên tuổi, sự hiên ngang, kiêu hãnh của các Anh hùng liệt sĩ mãi ở lại trong niềm tự hào, tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng bào, đồng chí. Đứng giữa biển, giữa trời Trường Sa, chúng tôi mong hương hồn 64 Anh hùng liệt sĩ yên nghỉ ngàn thu giữa lòng đại dương – Trường Sa của đất mẹ Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Bằng – Phó Bí thư Thường trực thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh xúc động chia sẻ.
Cùng chung tâm trạng với ông Bằng, bà Phạm Thị Hồng Điệp – Giảng viên cao cấp, Phó Trương khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) không giấu nổi cảm xúc cho biết: “Khi được đến với Trường Sa, đặc biệt là được dự lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hi sinh, tôi vô cùng xúc động. Tôi cũng được biết thêm, hiểu thêm, cảm nhận thêm về những người chiến sĩ đã và đang chiến đấu, bảo vệ, giữ gìn vùng biển, đảo của Tổ quốc. Khi đứng ở đây, giữa biển, trời của Tổ quốc, tôi thấy được sứ mệnh thiêng liêng của mình là truyền tiếp cảm hứng, lòng yêu quê hương đất nước, biển đảo tới những sinh viên, trí thức trẻ nói riêng và mọi người dân Việt Nam nói chung”.
Trong suốt lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển, đảo luôn có vị trí chiến lược, là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Theo suốt chiều dài lịch sử ấy, không biết bao nhiêu thế hệ đã ngã xuống nơi miền biên ải, đổi bằng máu xương, công sức, mồ hôi và nước mắt để xác lập, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và 64 cán bộ, chiến sĩ hi sinh năm 1988 đã viết nên câu chuyện huyền thoại bất tử, trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước và tô thắm cho ngọn cờ Tổ quốc.
Giữa biển, trời mênh mông, những vòng hoa tưởng niệm, cành hoa cúc và hàng trăm chim hạc giấy trắng đã được chúng tôi thả xuống biển xanh, gửi đến những người đã mãi mãi nằm xuống nơi đây, vì bình yên của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Huỳnh Thy Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Vũ chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến với Trường Sa, cảm giác của tôi rất xúc động, tự hào và hạnh phúc. Đến với Trường Sa, tôi thấy được sự anh dũng, kiên cường của các chiến sĩ Hải quân, quân đội Việt Nam ta. Tôi nghĩ đây là một bài học thực tế và thiết thực nhất để cho chúng tôi cũng như mọi người dân Việt Nam hiểu về chủ quyền biển, đảo của chúng ta”.
Sau khi làm lễ tưởng niệm tại khu vực biển đảo Len Đao, đài chỉ huy thông báo các thuyền nhỏ lần lượt trung chuyển quà và thành viên đoàn công tác tiếp tục hải trình thăm quân dân trên các đảo ở Trường Sa và Nhà giàn. Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác này, đoàn công tác chúng tôi đã đến dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài Liệt sĩ và Nhà Tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Trường Sa.
(Còn tiếp)
Có thể bạn quan tâm