Bằng ý chí quyết tâm của những người lính đảo cùng với sự hỗ trợ thường xuyên từ đất liền, hầu hết các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa đều được phủ kín màu xanh của hàng trăm loại cây trồng khác nhau.
>>>Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ I): Những khúc tưởng niệm nơi đầu sóng, ngọn gió
>>>Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ II): Trường Sa vững vàng giữa biển Đông
Ngồi trên tàu trở về đất liền, dường như ai trong đoàn cũng chạm vào những ký ức, những kỷ niệm khi đến với những đảo chìm, đảo nổi và Nhà giàn DK1 nơi mà mình đã đi qua. Đó là hình ảnh những người chiến sĩ Hải quân hiên ngang, mạnh mẽ, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững vàng tay súng ngày đêm canh giữ biển trời. Đó là một màu xanh căng tràn sức sống trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/9 Ba Kè. Không chỉ xanh từ những cây tra, cây bàng vuông, mà còn là màu xanh của những vườn rau đang góp phần tăng thêm sức sống cũng như cải thiện bữa ăn cho các cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Sức sống Trường Sa
Nhớ lại những ngày đầu đến với Trường Sa, đặc biệt khi đặt chân đến đảo Sinh Tồn Đông, chúng tôi hoàn toàn ngỡ ngàng trước khung cảnh nên thơ, đầy sức sống của cây cối và hoa lá ở đây. Đặc biệt là vườn rau tăng gia sản xuất với đa dạng các loại rau phục vụ đời sống cho quân và dân trên đảo.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh đảo, Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp - Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông vừa chia sẻ, môi trường biển đảo đầy nắng và gió, hết sức khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm qua, cán bộ và chiến sĩ trên đảo đã đẩy mạnh thực hiện chương trình "Xanh hóa Trường Sa"; giúp cho cây xanh được phủ kín trên toàn đảo. Không chỉ dừng lại ở đó, cán bộ và chiến sĩ trên đảo còn ươm các loại cây xanh như bàng vuông, mù u, phi lao... để chuyển đến các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa, cùng chia sẻ và ươm mầm xanh trên toàn quần đảo.
Hiện nay, trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, thổ nhưỡng chủ yếu là cát, san hô và đất (mang từ đất liền ra), khả năng giữ nước rất hạn chế, việc trồng cây xanh trên các đảo vì vậy cũng gặp rất nhiều khó khăn. Những ngày sóng to, gió lớn, hơi nước mặn tràn qua đảo, phủ khắp bề mặt đất, trên lá và thân cây, làm thổ nhưỡng ngày một cằn cỗi, cây chậm phát triển.
Để có màu xanh bền vững cũng như thực hiện hiệu quả Chương trình “Xanh hoá Trường Sa”, các đảo có thế mạnh đã xây dựng vườn ươm với diện tích trung bình khoảng 200m2, ươm các loại cây giống như: Dừa, cây bàng vuông, mù u, tra và bó bầu… Mỗi cán bộ, đoàn viên thanh niên khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại đảo vào đất liền đều trồng tặng đơn vị từ 1-2 cây xanh…
Bà Hà Thị Mỹ Phương – Cán bộ Quỹ học bổng Vừ A Dính chia sẻ: “Khi được khi ngồi dưới tán cây xanh ở Trường Sa, tôi cảm thấy rất bình yên và không còn cảm giác mình đang ở ngoài đảo. Tôi đặc biệt ấn tượng với đảo An Bang khi xung quanh đảo là nhà nhưng ở chính giữa khuôn viên lại có rất nhiều cây xanh”.
Chúng tôi đến đảo Trường Sa vào buổi chiều ngày thứ 5 của chuyến hải trình. Sóng yên, biển lặng, nhưng trời mùa hè nắng to đến nỗi chỉ đứng bên ngoài vài phút cũng khiến mọi người đổ mồ hôi ướt áo. Việc đầu tiên chúng tôi làm là tìm những tán cây đang tỏa bóng râm mát để tránh nóng.
Ở đảo Trường Sa, ngay từ cầu cảng vào đảo có hai hàng cây bàng vuông cao che phủ bóng cả đường đi. Các loài cây: tra, phi lao, mù u, phong ba… mọc khắp nơi, toả bóng mát, tạo cảm giác đảo Trường Sa như một “công viên xanh” giữa biển khơi. Men theo con đường từ cột mốc chủ quyền thiêng liêng, hiện tra trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà kiên cố, xinh xắn treo cờ Tổ quốc nằm ẩn mình dưới những tán cây xanh mướt. Cây xanh ở đây không những tạo cảnh quan tươi đẹp, điều hòa khí hậu, tạo bóng mát cho quân và dân mà còn làm tốt vai trò che chắn gió, bão với ý chí, quyết tâm xây dựng huyện đảo Trường Sa, bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo và cuộc sống môi trường nơi đây.
Theo chân chiến sĩ Kiều Văn Pháp đi thăm vườn ươm cây của Liên chi đoàn đảo Trường Sa, anh say sưa giới thiệu cho chúng tôi biết về từng loại cây và cách thức chăm sóc sao cho phù hợp.
“Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi sẽ đến vườn ươm để tưới nước cho cây. Buổi chiều cũng vậy, sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ, tôi lại đến đây. Việc chăm sóc này được thực hiện hàng ngày để đảm bảo cho cây phát triển được tốt”, chiến sĩ Kiều Văn Pháp chia sẻ.
Những vườn rau trên sóng
Cùng với hoạt động trồng, chăm sóc cây xanh, việc tăng gia sản xuất cũng giúp gia tăng màu xanh, bảo đảm môi trường sống và nâng cao đời sống cho quân dân Trường Sa, Nhà giàn DK1 theo hướng chính quy, bền vững, phấn đấu bảo đảm lương thực, thực phẩm tươi xanh. Ở các đảo chìm như: Len Đao, Đá Đông C, Đá Tây B... hay trên Nhà giàn DK1, các chiến sĩ đã chắt chiu từng nắm đất màu từ đất liền chở ra, tận dụng cả xô, chậu để ươm trồng rau xanh.
Theo lời chia sẻ của các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Nhà giàn DK1/9, việc chăm sóc, bắt sâu, tưới rau luôn được các anh duy trì hàng ngày. Chính vì vậy, rau ở nhà giàn luôn xanh tốt với nhiều loại phong phú, nhiều lứa rau khác nhau như: mùng tơi, cải xanh, rau muống, lá lốt... Vì nguồn nước hạn chế nên các anh thường sử dụng doa để tưới nước cho rau và tưới để đủ cho rau duy trì sự sống.
Giữa biển khơi, những luống rau vẫn vươn lên xanh tốt, bất chấp thời tiết nắng gió. Sức sống mãnh liệt ấy như biểu tượng cho sức mạnh, ý chí của người lính nhà giàn đang thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Bà Nguyễn Lê Tố Loan – Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro) chia sẻ: “Giữa bao la nắng gió, sự hiện diện của những hàng cây xanh rợp bóng, những vườn rau xanh tốt trên các đảo và nhà giàn khiến không gian trở nên tươi mát, bình yên. Giữa những khắc nghiệt của thời tiết, thổ nhưỡng, màu xanh trên đảo là minh chứng cho sự hiện diện và những nỗ lực của chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Đồng thời, vừa mang lại cho tôi cảm nhận sâu sắc về sức sống của biển, đảo và vừa cảm nhận thấy niềm tin về sự phát triển, vươn lên của đảo xa”.
Còn theo bà Hoàng Thị Hồng Phấn – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh: “Đến với quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/9, tôi thấy những ánh mắt sáng ngời lên “chất thép”, những luống rau xanh mơn mởn được gieo trồng, những nụ hồng chúm chím được tạo nên từ những con ốc biển... Tất cả như được thổi hồn, được kết tinh từ bàn tay khéo léo mang đậm “chất lính Đảo” và được chứa đựng bởi tình yêu của người chiến sĩ, đẹp như chính tâm hồn của người lính - anh Bộ đội Cụ Hồ!”.
Chung tay vì một Trường Sa xanh
Theo những người lính hải quân, "Xanh hóa Trường Sa" vừa là yêu cầu khách quan, vừa là nhiệm vụ và cũng là mong mỏi của quân dân trên các đảo. Đó còn là trăn trở, là tấm lòng của người dân cả nước, của các địa phương đối với Trường Sa thân yêu. Do kiến tạo địa chất của nền cát mặn, thềm san hô và khí hậu khắc nghiệt nên mỗi một cây xanh sinh trưởng được trên đảo đều thấm đẫm công sức, mồ hôi của quân dân nơi đây.
Góp phần vào chương trình "Xanh hóa Trường Sa", bên cạnh cố gắng của cán bộ, quân dân trên đảo, không thể không nói đến sự chung sức, đồng lòng của người dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Trong chuyến công tác lần này, đoàn công tác số 16 của Quân chủng Hải quân cũng đã hỗ trợ Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” số tiền hơn 250 triệu đồng và 4.000 cây dừa; hỗ trợ 5 vườn rau xanh…
Đại tá Phạm Văn Thọ - Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân chia sẻ, tính riêng trong 5 năm trở lại đây, đất liền đã ủng hộ quân dân Trường Sa hơn 40.000 cây xanh các loại. Cùng với đó là hàng trăm tấn đất, hàng chục tấn phân bón, hàng chục vườn ươm nhằm giúp quân dân Trường Sa trồng và chăm sóc cây xanh tốt hơn. Bên cạnh số cây xanh nguồn gốc tự nhiên trên đảo như phong ba, mù u, bàng vuông, hiện nay các đảo đều được quy hoạch trồng mới các loại cây xanh như dừa Bến Tre, Bình Định, phi lao…
Cũng theo Đại tá Phạm Văn Thọ, sự tham gia của các doanh nghiệp đối với chương trình “Xanh hoá Trường Sa” rất tích cực, đặc biệt là ủng hộ cây dừa, cây phi lao. Đây là 2 loại cây xanh rất thích hợp với thổ nhưỡng của các đảo. Sau nhiều năm phát triển, không chỉ mang lại bóng mát mà còn có thể khai thác để phục vụ đời sống, sinh hoạt, huấn luyện của quân dân trên đảo.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nhận thức sâu sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là việc trồng, chăm sóc cây xanh. Đây là nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như vinh dự, tự hào để đóng góp một phần công sức của mình tạo màu xanh cho đảo quê hương. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức đánh giá kết quả trong quá trình tổ chức thực hiện, đề ra các bài học kinh nghiệm trong từng nhiệm vụ. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, ở các đảo có mô hình hay, làm hiệu quả thì chúng tôi nhân rộng ra các đảo khác để cùng học tập, vận dụng vào thực tế của từng đảo”, Đại tá Phạm Văn Thọ chia sẻ thêm.
Từ sự bền bỉ, kiên trì của người lính đảo, giờ đây ở bất kỳ đâu trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 đều có bóng cây xanh. Những hàng cây tiếp tục mọc lên sẽ càng làm dày thêm tấm khiên bảo vệ, che chở cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Đặc biệt, trước sự khắc nghiệt của điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, việc trồng và chăm sóc cây xanh là nỗ lực của biết bao con người từ đất liền cho tới hải đảo. Tất cả vì một Trường Sa xanh.
(Còn tiếp)
Có thể bạn quan tâm
Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ I): Những khúc tưởng niệm nơi đầu sóng, ngọn gió
03:58, 19/05/2024
Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ II): Trường Sa vững vàng giữa biển Đông
05:00, 20/05/2024
Hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc (Kỳ III): Nhà giàn DK1 – Cột mốc chủ quyền giữa biển khơi
05:00, 21/05/2024