Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Tự nhiên và Chất lượng thực phẩm Hà Lan Sonnema, tạo cơ chế thu hút đồng thời phát triển hệ thống nền tảng, cơ sở giúp thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp.
Trao đổi với DĐDN, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Tự nhiên và Chất lượng thực phẩm Hà Lan Sonnema khẳng định: Thu hút đầu tư tư nhân và ứng dụng công nghệ cao là yếu tố tạo thành công cho nông nghiệp Hà Lan.
- Thưa Thứ trưởng, Việt Nam và Hà Lan đã có thời gian dài hợp tác hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp với nhiều mặt hàng cụ thể, vậy đâu là lĩnh vực mới hai bên sẽ phát triển thời gian tới?
Hà Lan và Việt Nam đều là quốc gia có truyền thống nông nghiệp và chia sẻ nhiều điểm chung như có những vùng đồng bằng rộng lớn và màu mỡ. Là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực Nông nghiệp tuần hoàn, Hà Lan hướng đến tôn trọng thiên nhiên, sản xuất hiệu quả hơn và giảm thiểu chất thải cũng như sử dụng hóa chất.
Thời gian qua Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam trong phát triển nhiều sản phẩm nông sản chất lượng như tôm, khoai tây, các sản phẩm sữa... Hai bên đã có sự hợp tác chặt chẽ. Đặc biệt, cả vấn đề an toàn thực phẩm, chúng tôi đã chia sẻ hỗ trợ với những phòng tham chiếu giúp sản xuất đảm bảo an toàn, với người tiêu dùng không chỉ của Việt Nam mà cả trên thế giới, thực phẩm an toàn là vấn đề quan trọng đầu tiên.
Cùng với đó, Hà Lan cũng hỗ trợ Việt Nam trong công tác tích tụ đất, xây dựng các hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả.
Đặc biệt, lĩnh vực mới mà chúng tôi sẽ tiến hành tới đây là kế hoạch chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL. Theo đó tập trung vào sản xuất tôm và quả thanh long. Đặc biệt những cây trồng có thể phát triển tại vùng đất nhiễm mặn. Đây là những chủ đề lớn tới đây sẽ được triển khai.
- Cụ thể, phía Hà Lan sẽ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam theo phương thức nào? 70 doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu của Hà Lan tới Việt Nam lần này kỳ vọng hợp tác như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Nhằm giải quyết những thách thức của Việt Nam trong vấn đề tối ưu hóa việc sử dụng đất đai nông nghiệp, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển giao công nghệ và chia sẻ kiến thức trong nông nghiệp trong việc hợp tác hai bên.
Đội ngũ chuyên gia của Hà Lan đã tư vấn cho Việt Nam về việc xây dựng Kế hoạch Châu thổ sông Cửu Long (MDP) vì sự phát triển bền vững của khu vực này. Cùng với đó, các doanh nghiệp tư nhân của Hà Lan tới thăm Việt Nam lần này cùng đại diện các tổ chức nghiên cứu giàu kinh nghiệm của Hà Lan cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ và hợp tác.
- Là một quốc gia có quỹ đất hẹp và “nước đất trũng”, vậy Hà Lan có chiến lược thế nào để phát triển nông nghiệp mạnh mẽ, đặc biệt là nông nghiệp sạch bền vững như vậy, thưa Thứ trưởng?
Được mệnh danh là “nước đất trũng” với hơn 1/4 diện tích lãnh thổ thấp hơn mực nước biển, 1/3 diện tích lãnh thổ chịu sự uy hiếp thường nhật của nước mặn xâm nhập và nước sông gây ngập úng. Vì thiếu đất canh tác, chúng tôi thực thi chiến lược “đầu tư cao-sản xuất nhiều” trong phát triền nông nghiệp với 5 nội dung. Thứ nhất, xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ thuật.
Thứ hai, ứng dụng công nghệ cao. Do quỹ đất ít, Hà Lan đã áp dụng công nghệ “dùng vốn thay đất”. Để tạo ra hiệu suất cao của đất, Hà Lan đã hình thành hệ thống nhà kính với công nghệ hiện đại nhất thế giới.
Thứ ba, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện nguồn lực tự nhiên.
Thứ tư, tập trung phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực có sức cạnh tranh xuất khẩu. Hàng nông sản xuất khẩu quan trọng nhất của Hà Lan gồm sản phẩm hoa - rau - cây cảnh, thịt, sữa và trứng.
Thứ năm, chú trọng giáo dục - đào tạo để nâng cao trình độ của lao động nông nghiệp.
Có thể thấy rằng chiến lược phát triển nông nghiệp của Chính phủ Hà Lan chính là cung cấp hệ thống nền tảng, cơ sở, tạo cơ chế phát triển qua đó thu hút tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, đó là yếu tố chính.
Hà Lan là nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới. Phần lớn diện tích của Hà Lan là đất lấn biển và nằm dưới mực nước biển, nhưng quốc gia này hiện đặt mục tiêu cung cấp lương thực cho thế giới thông qua các đổi mới trong sản xuất nông nghiệp và chế biến công nghệ thực phẩm.
- Vậy giải pháp để thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp của Chính phủ Hà Lan là gì, thưa Thứ trưởng? Bởi thực tế đây cũng là “điểm nghẽn” của nông nghiệp Việt với chỉ hơn 1% doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp?
Khi tiếp tục phát triển đất nước nói chung và nông nghiệp nói riêng, đặc biệt là nông nghiệp sạch thì nguồn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân là quan trọng nhất, đó cũng là cách thức để các quốc gia châu Âu phát triển.
Chính phủ Hà Lan đã tham gia nghị trình phát triển nông nghiệp nhưng không đầu tư phát triển nhiều mà chủ yếu hỗ trợ hệ thống kiến thức và đầu vào cho người nông dân, tạo cơ chế pháp lý thu hút doanh nghiệp đầu tư. Quan điểm của chúng tôi là đầu tư phải đến từ khu vực kinh tế tư nhân.
Theo đó, Chính phủ xây dựng hệ thống để người nông dân cùng doanh nghiệp ngành sản xuất nông nghiêp có điều kiện thuận lợi. Có thể hỗ trợ các khoản vay cho các bạn trẻ và cho nông dân đầu tư mới, những công cụ, công nghệ mới để người nông dân, doanh nghiệp thực hiện đầu tư quan trọng đảm bảo sự phát triển.
Trong các chương trình hợp tác hỗ trợ, Hà lan cũng có nhiều sự chia sẻ công nghệ cung cấp cho Việt Nam thông qua các doanh nghiệp, thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp để họ chia sẻ kiến thực và công nghệ phảt triển bền vững. Đương nhiên sẽ mất nhiều thời gian.
Có thể bạn quan tâm
14:26, 09/04/2019
17:20, 09/04/2019
00:00, 08/04/2019
- Vậy còn việc phát triển công nghệ được tiến hành như thế nào? Đâu là giải pháp cốt lõi để đưa công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, thưa Thứ trưởng?
Do quỹ đất ít, Hà Lan đã áp dụng công nghệ “dùng vốn thay đất”. Tập trung áp dụng các biện pháp thâm canh cao, nâng cao năng suất trên một đơn vị diện tích, tạo ra năng suất cao gấp nhiều lần năng suất bình quân thế giới.
Hà Lan cũng áp dụng công nghệ tăng năng suất chăn nuôi. Chúng tôi có giống bò sữa HF nổi tiếng thế giới, nhưng vẫn xây dựng các trung tâm tin học ở Mỹ, Pháp để thu thập thông tin, hội tụ các nguồn gien tốt nhất thế giới, nâng cao tiến bộ di truyền của bò Hà Lan. Hà Lan không những coi trọng “công nghệ cứng”, mà còn quan tâm “công nghệ mềm” về quản lý và tổ chức, nhằm nâng cao hiệu quả của công nghệ cứng, đặc biệt là công nghệ tin học được áp dụng rộng răi trong sản xuất chăn nuôi, trồng hoa.
Chúng tôi có “tam giác vàng” là nền tảng tạo sự thành công, tam giác giữa Chính phủ- người nông dân/doanh nghiệp- nhà nghiên cứu. Chúng tôi có hệ thống nghiên cứu tốt, sự trao đổi hai chiều với người nông dân và doanh nghiệp. Người nông dân và doanh nghiệp có thể trao đổi trực tiếp các vấn đề gặp phải để các nhà nghiên cứu xem xét cách thức giải quyết, các kiến thức sẽ được cung cấp theo hình thức đa chiều...
Xin cảm ơn Thứ trưởng!