Với sự quan tâm của cả thế giới tại Hội nghị Thưởng đỉnh Mỹ - Triều, TTCK Việt Nam phải làm gì để thu hút dòng vốn ngoại mạnh mẽ từ nước ngoài?
Tuần lễ trước và 2 ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, trên nhiều kênh truyền hình lớn của thế giới như CNN, Fox News, Ariang, KBS, CCTV..., hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được nhắc đến với mật độ cao nhất từ trước đến nay.
Với sự quan tâm của cả thế giới, TTCK Việt Nam phải làm gì để thu hút dòng vốn ngoại mạnh mẽ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... và kỳ vọng thêm những dòng vốn mới từ Mỹ, châu Âu? Câu hỏi đặt ra sau sự kiện, nhưng không phải không có ý nghĩa nếu nghĩ đến các lần sau.
Xây niềm tin phải bằng giải pháp cụ thể
Việt Nam đã có cơ hội lịch sử trở thành nước chủ nhà và đã làm rất tốt các công việc liên quan công tác tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội. Dù kỳ vọng vào một tuyên bố chung và hiệp định hòa bình ký kết tại Hà Nội không thành hiện thực, nhưng ấn tượng tốt đẹp của nước chủ nhà Việt Nam là rất đáng kể.
Liên quan đến TTCK, Chính phủ, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) hướng tới việc đưa thị trường chứng khoán Việt Nam gia nhập nhóm thị trường mới nổi, thu hút thêm những quỹ đầu tư quy mô lớn.
Mong muốn là vậy, cơ hội đã có, nhưng cần phải làm gì để thực sự thu hút được dòng vốn lớn và dài hạn giúp thị trường phát triển bền vững vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.
Có thể bạn quan tâm
08:57, 06/03/2019
00:00, 06/03/2019
04:30, 04/03/2019
09:52, 03/03/2019
00:33, 03/03/2019
05:25, 01/03/2019
17:00, 28/02/2019
Thứ nhất, cần minh bạch hóa thông tin, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Thông tin minh bạch có nghĩa là mọi nhà đầu tư cần được tiếp cận cùng một thời điểm, cùng một thông tin. Tại không ít doanh nghiệp, chưa kết thúc quý nhưng một bộ phận nhân sự, nhà đầu tư nội bộ đã biết chính xác công ty đạt được bao nhiêu doanh thu, bao nhiêu lợi nhuận.
Trong khi nhà đầu tư thông thường chỉ biết khi đã muộn. Điều này làm mất niềm tin với nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại, khi họ cảm giác bị phân biệt đối xử và không công bằng. Khi một doanh nghiệp không minh bạch thì không có gì đảm bảo kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng ổn định và bền vững.
Bên cạnh đó, các công ty niêm yết muốn nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận được thông tin đúng và đầy đủ cần thực hiện thêm việc công bố thông tin bằng một ngôn ngữ bắt buộc là tiếng Anh.
Chưa kể, nếu muốn thu hút các dòng vốn ngoại đặc thù khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, doanh nghiệp nên chủ động thêm kênh thông tin bằng tiếng nước đó. Doanh nghiệp nào làm được điều này sẽ có lợi thế rất lớn trong trung và dài hạn để tiếp cận các dòng vốn từ bên ngoài, giúp công ty có vốn dài hạn phát triển.
Đặc biệt, các kênh thông tin của UBCK, các sở giao dịch cũng nên được cập nhật bằng nhiều thứ tiếng, trở thành nguồn tin thường xuyên và đáng tin cậy giúp các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu về cơ hội đầu tư, cũng như tự tin đưa ra các quyết định đầu tư trong tương lai.
Thứ hai, vấn đề sở hữu của khối ngoại (room) khi đầu tư vào một công ty niêm yết. Hiện tại, đối với nhóm ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tối đa 30%, một nhà đầu tư không được sở hữu tối đa 20% vốn tại các tổ chức tín dụng.
Nhóm ngân hàng có rất nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán, tạo ra hiệu ứng đáng kể đối với diễn biến thị trường.
Không khó để nhận ra, các nhà băng nội địa đang rất khát vốn để đáp ứng đủ nhu cầu vốn theo chuẩn Basel II, nhưng giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài vừa làm khó cho các ngân hàng muốn tăng vốn, vừa làm khó cho các quỹ muốn đầu tư mạnh mẽ vào nhóm này.
Nếu ngành ngân hàng được nới room, thanh khoản của nhóm nói riêng và của thị trường nói chung sẽ được cải thiện đáng kể, càng giúp cho mục tiêu nâng vốn của ngân hàng sớm hoàn thành, đáp ứng được nhu cầu của khối ngoại và câu chuyện nâng hạng của thị trường càng gần hơn khi thanh khoản của nhóm ngân hàng tăng cũng đồng nghĩa với thanh khoản toàn thị trường tăng cao.
Khoảng trống công cụ đầu tư
Vừa qua, nhiều nhà đầu tư rất quan tâm đến câu chuyện bất cập về tỷ lệ sở hữu thể hiện trong thương vụ thoái vốn Tổng công ty Vinaconex (VCG) của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Đến thời điểm thoái vốn, khối ngoại đang sở hữu 11% VCG, trong khi quy định khối ngoại được sở hữu tối đa 49% với công ty niêm yết. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 2a Nghị định 60/2015/NĐ-CP và khoản 2 Điều 11 Thông tư 123/2015TT-CP tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại một doanh nghiệp đa ngành nghề như VCG là 0%.
Bởi Vinaconex có đến 5 ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà khối ngoại không được phép sở hữu là: Xuất khẩu lao động; xây dựng và vận hành nhà máy điện lớn; kinh doanh điện thương phẩm; mua bán rượu bia thuốc lá và kinh doanh xăng dầu.
Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ cổ phiếu VCG trong một thời gian rất dài, nhưng đến khi nhà nước rà soát để thực hiện thoái vốn mới thông báo đưa tỷ lệ sở hữu về 0%, vậy không biết các doanh nghiệp nhà nước khác đang niêm yết có xảy ra tình trạng như vậy hay không? Do đó, cần có bộ phận rà soát lại và công bố thông tin rõ ràng minh bạch cho toàn thị trường được biết và tra cứu.
Chính phủ đang đẩy mạnh thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, nhưng đôi khi tỷ lệ chào bán không quá 20% vốn điều lệ. Đây cũng là yếu tố khiến một số quỹ hay nhà đầu tư chiến lược còn e ngại.
Vì họ không đủ số lượng cổ phiếu để đề xuất thành viên tham gia hội đồng quản trị và có thể tham gia vào điều hành, định hướng phát triển doanh nghiệp. Nhà đầu tư ngoại nói riêng và nhà đầu tư trên thị trường nói chung rất mong nhà nước xem xét nới sở hữu nhóm ngân hàng lên 40 hoặc 49% từ mức 30% như hiện tại.
Để giải quyết vấn đề sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta có thể xem xét mô hình chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết ( NVDR- None voting depository Receipt) giống như Thái Lan đang áp dụng.
Ưu điểm của NVDR là sẽ giải quyết được câu chuyện của các công ty niêm yết đã hết room khối ngoại, khi nhà đầu tư vẫn có thể sở hữu cổ phiếu thông qua NVDR (thường do một công ty con của Sở giao dịch phát hành).
Với việc sở hữu NVDR, nhà đầu tư có đầy đủ quyền hưởng cổ tức tiền mặt, chia thưởng cổ phiếu nhưng không có quyền biểu quyết. Nhà đầu tư ngoại cũng có thể chuyển từ NVDR sang cổ phiếu thông thường trong trường hợp công ty niêm yết còn room sở hữu nước ngoài.
Nhược điểm của NVDR là tăng chi phí quản lý và vận hành đối với cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, nếu nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tỷ lệ NVDR quá lớn có thể dẫn đến việc tổ chức đại hội cổ đông không thành công vì không đủ tỷ lệ biểu quyết.
Bất cứ công cụ nào cũng có hai mặt ưu và nhược điểm, nhưng cơ quan quản lý có thể sớm nghiên cứu để đưa công cụ này vào thử nghiệm nhằm giải quyết bài toán sở hữu nước ngoài đối với một số doanh nghiệp đặc thù.
Cùng với đó, nhà đầu tư ngoại rất khó tiếp cận và hiểu DN Việt Nam khi mà các DN chưa áp dụng chuẩn mực lập và trình bày kế báo cáo tài chính quốc tế IFRS (International Financial Report Standards).
Hiện tại, chỉ một số ít doanh nghiệp niêm yết áp dụng chuẩn mực kế toán IFRS, trong khi đa số áp dụng chuẩn mực kế toán VAS (chuẩn mực kế toán Việt Nam từ 2001-2005).
Chuẩn mực kế toán VAS đã 10 năm chưa cập nhật mới và có một số khác biệt cơ bản như tính EPS (lãi trên 1 cổ phiếu) bao gồm cả lợi nhuận của cổ đông thiểu số, trong khi chuẩn mực IFRS thì không bao gồm, vì có thể có sự chênh lệch không nhỏ từ hai chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính này, đôi khi là 10 - 15%, cá biệt khác biệt lên tới 30%.
Trên thế giới chỉ còn 12 quốc gia chưa áp dụng chuẩn mực kế toán IFRS, trong đó có Việt Nam. Đây là một rào cản dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài muốn tiếp cận thông tin báo cáo tài chính để định giá và tìm hiểu về doanh nghiệp trước khi có quyết định đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Việc áp dụng một biện pháp, chuẩn mực mới cần thời gian, công sức và chi phí tăng cao, nhưng về lâu dài sẽ nâng cao tính minh bạch, giúp thu hút dòng vốn lớn và bền vững từ bên ngoài. Đây là điều trước sau chúng ta sẽ phải làm.
Cần truyền thông mạnh hơn về cơ hội
Điều nhà đầu tư ngoại cần nhất là cơ hội rót vốn, tuy nhiên, sau những thông điệp về tiến trình thoái vốn tại các tổng công ty, tập đoàn nhà nước và đưa các doanh nghiệp lớn lên sàn thì mức độ thực thi trên thực tế còn nhiều hạn chế.
Theo đó, để thu hút và giữ niềm tin của nhà đầu tư, Chính phủ, các bộ, ngành cần đẩy nhanh công tác cổ phần hóa tại Mobifone, bán vốn tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ( PLX), Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS)…
Cần có chế tài xử lý đủ mạnh các công ty cổ phần đã trở thành công ty đại chúng mà không chịu lên sàn. Bên cạnh đó, tích cực truyền thông hơn nữa để giúp các doanh nghiệp nhận ra rằng, lên sàn mới trở nên lớn mạnh. Cái giá của minh bạch là trở thành công ty trưởng thành hơn, lớn hơn về quy mô và được tiếp cận thị trường vốn dài hạn.
Cơ hội từ việc tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều đã qua đi nhưng để lại những bài học kinh nghiệm cho cả DN và nhà quản lý, làm cách gì để tận dụng cơ hội, khơi thông dòng vốn ngoại vào Việt Nam.