Với định hướng tập trung phá triển kinh tế nông nghiệp bền vững, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đang vươn lên trở thành địa phương năng động trong phát triển kinh tế.
Tháng 8 năm 2023, xã Si Pa Phìn huyện Nậm Pồ chính thức đặt bút ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất nhập khẩu Ðồng Giao Doveco - Sơn La để triển khai Dự án phát triển chanh leo. Dự án được thực hiện trồng trên diện tích 47ha.
Phát huy lợi thế
Trước đó, Công ty TNHH CME BIOMASS HOLDINGS cũng đã khảo sát và làm việc với lãnh đạo địa phương về đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và các nhà máy điện sinh khối, nhà máy chế biến các sản phẩm lâm nghiệp khác trên địa bàn.
Theo khảo sát, Nậm Pồ có địa hình đồi núi, nhiều thung lũng, sông suối, thềm bãi bồi dồi dào. Tổng diện tích đất trống hơn 49.900ha, trong đó diện tích vùng nguyên liệu dự kiến là hơn 26.900ha. Có 3 vị trí đáp ứng các tiêu chí để làm nhà máy điện sinh khối tại 2 xã: Chà Cang, Chà Nưa, với diện tích hơn 50ha. Ðây là cơ hội tốt để Nậm Pồ phát triển kinh tế từ rừng theo đúng định hướng, quy hoạch; đồng thời tạo việc làm, nguồn sinh kế đảm bảo cho số lượng lớn lao động địa phương.
Với tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế nông nghiệp, những năm gần đây huyện Nậm Pồ đã triển khai nhiều hoạt động khai thác thế mạnh của địa phương. Huyện mạnh dạn đầu tư, xây dựng những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao, tăng thu nhập ổn định cho người dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, tập trung phát triển những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; thành lập các hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển cây rau mầu; ăn quả, cây dược liệu theo hướng hàng hóa. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được hàng trăm mô hình trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nậm Pồ đã triển khai Dự án Liên kết sản xuất và tiêu thụ dứa hữu cơ tại xã Nậm Chua đã bước đầu đem lại hiệu quả. Tham gia dự án có 20 gia đình ở bản Nậm Chua 4, Huổi Cơ Mông trồng giống dứa Queen (hay còn gọi là dứa hoàng hậu) đã đem lại hiệu quả kinh tế khác biệt so với các loại cây trồng truyền thống tại địa phương.
Năm 2024, huyện đã tổ chức làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) về Dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Pồ nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội huyện Nậm Pồ; tổ chức ký kết hợp tác, liên kết đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây quế; ký kết tiêu thụ sản phẩm chanh leo. Huyện cũng đã hoàn thành 16 dự án hỗ trợ trồng cây quế. Trong đó, sử dụng nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia trồng 223,28 ha, Nhân dân tự trồng 403,51 ha, nâng tổng diện tích cây quế trên địa bàn huyện lên 1.436,43 ha; 01 dự án hỗ trợ cộng đồng trồng cây chanh leo với diện tích 3,9 ha, nâng diện tích chanh leo lên 53,78 ha; trồng mới 05 ha cây sa nhân dưới tán rừng, nâng tổng diện tích sa nhân trên địa bàn huyện lên 168,65 ha.
Bên cạnh đó, huyện tập trung triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm; phát triển mở rộng quy mô sản phẩm OCOP trên địa bàn gồm: mật ong xã Chà Nưa, cam Nậm Tin, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện “Mô hình thí điểm phát triển sản phẩm OCOP về du lịch tại bản Nà Sự, xã Chà Nưa; rà soát thêm các sản phẩm mới, tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2024…
Sử dụng hiệu quả nguồn lực
Chính vì vậy, năm 2024, kinh tế Nậm Pồ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra như: Tổng giá trị sản xuất ước đạt 1.629,3 tỷ đồng, đạt 105,01%, tăng 123,72 tỷ đồng so với năm 2023; tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 24.129,06 tấn, đạt 100,38%...
Theo ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện uỷ Nậm Pồ: Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, đồng thời là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025), huyện đặt mục tiêu tổng giá trị sản xuất theo giá thực tế 1.738,85 tỷ đồng, trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản 708,30 tỷ đồng, chiếm 40,73%.
Để đạt được mục tiêu trên, huyện Nậm Pồ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; chú trọng thu hút đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, triển khai và nhân rộng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng, các mô hình, hợp tác xã sản xuất hiệu quả gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Triển khai, sử dụng hiệu quả, đúng quy định nguồn vốn sự nghiệp các Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tập trung một số loại cây như: quế, sa nhân, gừng, khoai tây... triển khai phát động hiệu quả Phong trào “Trồng mới 10 triệu cây quế”, phấn đấu hình thành vùng nguyên liệu quế bền vững, có khả năng thu hút các nhà đầu tư và đơn vị thu mua sản phẩm. Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, sai phạm.
“Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển hạ tầng, bảo vệ, phát triển rừng, khai thác các tiềm năng, lợi thế nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ người dân từ nguồn vốn sự nghiệp để hình thành mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.” - ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ nhấn mạnh.