Cơ sở hạ tầng được đầu tư, hệ thống giao thông kết nối là điều kiện cho Phù Cừ tạo sức bật mới cho công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển.
Ông Doãn Quốc Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ cho biết, theo định hướng quy hoạch vùng đã được xây dựng và phê chuẩn giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030, tầm nhìn 2050, huyện Phù Cừ sẽ đẩy mạnh công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Phù Cừ đang vươn mình hội nhập
Năm 2024, Phù Cừ tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng trưởng 13,3%; Thu ngân sách ước đạt trên 1.851 tỷ đồng, bằng 153,2% dự toán UBND tỉnh giao. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 92,9 triệu đồng; Huyện có thêm 1 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 10 khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Ông Doãn Quốc Hoàn cho biết thêm, Phù Cừ có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư. Được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh Hưng Yên trong đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố là sự quyết tâm cao, nỗ lực bứt phá của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện để tạo nên diện mạo Phù Cừ khởi sắc hôm nay.
Theo quy hoạch, trên địa bàn Phù Cừ có 3 cụm công nghiệp (CCN) gồm: (1) CCN Quán Đỏ, diện tích 66,5ha; (2) CCN Đình Cao (trên 60ha) và nổi bật là CCN Trần Cao - Quang Hưng (50,2ha) với tổng vốn đầu tư 582,685 tỷ đồng do Công ty cổ phần phát triển Fuji Hưng Yên làm chủ đầu tư; thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) chỉ trong vòng 2 tháng, tất cả các thủ tục đều thuận lợi, nhanh chóng. Đồng thời sẽ có 2 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 700ha. Phù Cừ được tỉnh và các nhà đầu tư đánh giá là một trong những địa phương thực hiện công tác GPMB nhanh và triển khai các công trình hạ tầng tốt của tỉnh. Đây sẽ là động lực để huyện thực hiện thành công mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp.
Ngoài ra, thêm một lợi thế của Phù Cừ là có mỏ nước khoáng, nước nóng ở khu vực xã Tống Trân với trữ lượng lớn, khai thác được thương mại. Vừa qua, đã có 2 nhà đầu tư tiềm năng (Tập đoàn Flamingo và Tập đoàn Ecopark) về khảo sát và đưa ra hướng đầu tư xây dựng nơi đây thành khu đô thị - thương mại - nghỉ dưỡng khoáng nóng (diện tích quy hoạch khoảng 400 ha). Trên địa bàn huyện còn có các cụm di tích lịch sử nổi tiếng sẽ là điều kiện để Phù Cừ phát triển du lịch tâm linh. Với những lợi thế đó, Phù Cừ tập trung triển khai phát triển đa dạng các lĩnh vực tạo nên bức tranh kinh tế đa sắc màu.
Nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
Huyện Phù Cừ là “thủ phủ” trồng vải của tỉnh với tổng diện tích khoảng 1,2 nghìn héc-ta; trong đó, vải lai chín sớm Phù Cừ 850 héc-ta, còn lại là diện tích trồng vải trứng Hưng Yên. Năm nay, sản lượng vải toàn huyện ước đạt trên 14,2 nghìn tấn.
Những năm qua, huyện có những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất tập trung. Đến nay, 4 vùng trồng vải của huyện đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Sản phẩm vải lai chín sớm Phù Cừ được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Vải trứng Hưng Yên được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chứng nhận năm 2020; được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 4. Cam Hưng Yên, cam đường canh, cam lòng vàng được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao.
Huyện hỗ trợ nông dân tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các Hội chợ kết nối, triển lãm hàng nông sản được tổ chức tại Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn La… Các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện Phù Cừ thường xuyên được duy trì, cập nhật đầy đủ thông tin về sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp trên các sàn giao dịch điện tử: Alibaba, Amazon, Tiki, Shopee...; trên các trang mạng xã hội: Zalo, Facebook, YouTube; thông qua các kênh xúc tiến thương mại.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ khẳng định, huyện Phù Cừ tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, trọng tâm là sản xuất quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã kiểu mới; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, mời gọi doanh nghiệp, tổ chức đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản trên địa bàn huyện; cải thiện môi trường đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp... Góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Phù Cừ ngày càng giàu đẹp, văn minh.