Chuyện chưa kể về huyền thoại kinh doanh Khóa Liên Phương

Diendandoanhnghiep.vn Điệp khúc trắng tay - tỷ phú - trắng tay ... vận vào cuộc đời bà Khóa ứng nghiệm đến mức nhiều người coi đó như là một huyền thoại kỳ lạ...

Chưa đến 10 tuổi bà Khóa đã đi buôn, ngoài 20 tuổi trở thành nữ thương nhân nổi tiếng khắp miền Bắc trong ngành rau quả, gạo, muối, bánh kẹo. Bà từng mua công trái kháng chiến lên đến 1 triệu đồng và cung cấp nhu yếu phẩm cho căn cứ kháng chiến chống Pháp.

Chưa đến 30 tuổi, bà lại sạt nghiệp do chiến tranh, rồi lại trở thành tỷ phú, rồi lại sáp nhập doanh nghiệp vào hợp tác xã và về hưu ở tuổi 50 để dựng lại nghiệp kinh doanh với hai bàn tay trắng... Điệp khúc trắng tay - tỷ phú - trắng tay ... vận vào cuộc đời bà ứng nghiệm đến mức nhiều người coi đó như là một huyền thoại kỳ lạ!

Từ một gánh hàng rau...

Quê gốc của bà Phan Thị Khóa ở làng Nủa, Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Tây. 

Bà Khóa Liên Phương

Bà Khóa Liên Phương

Nhà nghèo, bà Khóa phải đi ở đợ từ năm 8 tuổi. Đi ở đợ cực khổ, làm được 2 năm không bỏ được bà phải tìm cách làm chủ đánh đập để thoát khỏi kiếp tôi đòi. Trong một lần bị đánh đau do làm ngã con gái bà chủ bà Khoá đã bị đuổi ra khỏi nhà. May mắn bà được gia đình bà Thông Đoan thương và quý, cho một đồng xu. Cầm đồng tiền trong tay cô bé 8 tuổi nghĩ “phải từ đồng xu này làm ra nhiều đồng xu khác nữa. Nhưng làm thế nào để tiền “đẻ” được ra tiền”.

Câu hỏi luôn làm đau đầu cô bé lên 10. Cô bé đã đi bộ 10 cây số lên làng Hỷ La - Tuyên Quang mua vài củ gắm về rang lên mang đến cổng trường bán cho học sinh. Lần đầu tiên bà Khoá mới thấy thế nào là tiền “đẻ” ra tiền. Bà Thông Đoan thương cho thêm vài xu nữa, bà Khoá đã nhặt nhạnh mua thêm bưởi, mía, sắn... thành một mẹt quà vặt bán. Dần dần bà đã thu được những xâu tiền xu nặng. Lúc này bà mới dám trở về nhà thầy, bầm (bố, mẹ) và dần hướng anh chị, em mình vào công việc buôn bán quà vặt kiếm sống. Gia đình mỗi ngày một tiến bộ, anh chị em Khoá có việc làm, có tiền của, gia đình bà đổi thay nhờ cô bé nhỏ, có ý chí cao. 

Buôn bán quà vặt không thể nào giàu lên được, cô bé chuyển sang buôn rau: rau lang, rau bí, rau muống, mùng tơi, bí, mướp...Cứ 3 giờ sáng, bà thức dậy, đi hàng chục cây số mua rau tận ruộng, đưa về chợ thị xã Tuyên Quang để bán.

“Tôi lấy công làm lãi luôn đảm bảo rau phải tươi hơn, ngon hơn và rẻ hơn các hàng rau khác. Nhiều gia đình tin tưởng đặt tiền rau cả tháng. Cứ đến trước bữa cơm tôi nhặt sạch sẽ đưa đến tận nhà”. Có tiền Khóa thuê hẳn một cửa hàng ở chợ Tam Cờ, không chỉ bán rau cho khách hàng màu bắt đầu cung cấp cho các tiệm ăn. Ngay từ thời điểm đó, Khóa đã đặt tiền trước cho người trồng rau để ổn định nguồn hàng.

Bán rau được vài tháng, có vốn, Khóa mở thêm cửa hàng bán cá lấy nguồn ban đầu từ sông Lô sau đó lan xuống tận Việt Trì, Phú Thọ, Vĩnh Yên... để lấy cá. “Đối với tôi, để làm ăn được như vậy thì tôi luôn coi uy tín quý hơn vàng”, bà Khóa nói. Lấy cá, trả tiền sòng phẳng, đúng hẹn, các mối buôn cá từ các vùng lân cận đều cung cấp tới tận cửa hàng. Không chỉ có vậỵ mà cả những người chuyên cho vay nợ cũng luôn sẵn sàng ứng tiền cho Khóa để mua hàng mà không cần phải thế chấp hay làm giấy vay nợ.

Tích cóp được một lượng tiền khá lớn. Khóa mở thêm cửa hàng bán gạo. Gạo từ dưới xuôi lên bằng ôtô cũng có khi ngược sông Hồng, sông Lô bằng tàu của nhà buôn Bạch Thái Bưởi mỗi lần hàng giao cũng tới cả chục tấn gạo.

Gia đình khá dần lên, đã mua được nhà riêng, các em bà đã được đi học. Năm 1942, lúc 23 tuổi bà chuyển dần sang buôn bánh kẹo sau một lần phải xếp hàng mua kẹo tết. Bà quyết tâm mua đứt hiệu bánh kẹo Liên Phương và mời các thợ làm bánh kẹo nổi tiếng từ Hà Nội lên cộng tác, dần chiếm lĩnh thị trường, thương hiệu bánh kẹo Liên Phương nức tiếng, bà Khoá trở thành thương gia nổi tiếng nhất phía Bắc.

Buôn bán, nhưng cô Khóa vẫn không quên nghĩa vụ của một người dân Việt Nam đang bị áp bức, phải vùng lên giành độc lập. Tết Nguyên đán năm Ất Dậu (1945), từng đoàn người tứ xứ đói giơ xương lũ lượt kéo nhau về Tuyên Quang. Khóa phá kho gạo chia cho hàng ngàn người.

Rồi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Cờ đỏ sao vàng bay rợp trời Tuyên Quang... gia đình Khóa cũng đứng vào hàng ngũ đi khởi nghĩa, giành chính quyền nhưng cửa hàng Liên Phương thì bị quân Tưởng cướp phá sạch khi tràn qua thị xã Tuyên Quang, Khóa phải đưa cả nhà về làng Nủa lánh nạn. Trở lại Tuyên Quang ngay sau đó, Khóa mở lại hiệu Liên Phương. Lại làm bánh kẹo, tiếp tục buôn bán rau gạo cá rồi muối rồi thuốc kháng sinh, thuốc chữa bệnh...

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, năm 1947, hưởng ứng lời kêu gọi “tiêu thổ kháng chiến”, một lần nữa Khóa lại đập bỏ toàn bộ 6 ngôi nhà của mình, mở kho phân phát đường, bột, gạo cho người dân trước khi lên đường tản cư...

Pháp rút khỏi Tuyên Quang, Bánh kẹo Liên Phương lại sáng đèn nhưng cô Khóa bây giờ lại mở thêm trại nuôi bò sữa sau khi gom được hơn ba chục con bò ở những đồn điền khác. Sữa tươi được đóng vào chai để bán. Váng sữa được chế biến thành bơ, pho mát, những mặt hàng thật độc đáo thời bấy giờ. Hàng làm ra không đủ bán.

Có tiền Khóa tiếp tục mở rộng đầu tư. Khóa mua 2 chiếc xe ca đặt tên là Kiến Thiết, mở tuyến xe khách Tuyên Quang - Hà Nội, đóng ca nô Đại Đồng chở hàng tuyến đường thủy. Năm 1951, ngoài những đóng góp cho các phong trào: “Hũ gạo kháng chiến”, “Đảm phụ quốc phong”, “Mùa đông binh sĩ”... bà Khoá đã làm một việc công ích lớn mua công trái kháng chiến bằng một nửa gia tài hiện có (hơn 1 triệu đồng).

Một ngày cuối năm 1952, Cô Khoá vinh dự được gặp Bác Hồ. Bác bảo: “Cô Khoá phải mang thật nhiều đường làm bánh cho cả Liên khu ăn, và mua bán thật nhiều thuốc tốt vì mỗi viên thuốc thêm sức khoẻ cho một chiến sĩ, coi như thêm một chiến sĩ, mỗi hạt muối giống như mạch máu của chiến khu...”.

Cuộc hành trình không mệt mỏi

Năm 1954, 35 tuổi bà Khoá xây dựng gia đình với ông Nguyễn Khắc Tháo, là một cán bộ cách mạng. Bà theo chồng về Hà Nội  xây dựng hiệu bánh kẹo Liên Phương, sau nhiều bước thăng trầm sát nhập vào kinh tế nhà nước làm công ăn lương, bà trở thành một xã viên ăn lương 18 đồng/ 1 tháng. Về sau do sản xuất đình trệ, cuộc sống khó khăn bà xin nghỉ chế độ về nhà làm thêm: làm bánh quy, bánh chả, bánh mì, bánh bao cho con đi bán dạo, bà còn nhận thêm quần,áo sơ mi về may...

Cuộc sống khá lên từ đấy. Ba người con của bà Khóa là Hà, Thành, Công đều được học hành đầy đủ, nay đã thành đạt trên con đường sự nghiệp, công danh.

Điều bà Khóa tự hào nhất là các con bà đã làm sống lại cái tên đã gắn bó với cuộc đời thăng trầm của bà thuở nào bằng việc lập công ty TNHH mang tên Liên Phương.

Bà Khóa Liên Phương cùng cháu gái

Bà Khóa Liên Phương cùng cháu gái

Khi không còn phải lăn lộn trên thương trường, bà Khóa lại có mối lưu tâm khác, đó là chăm sóc cho thế hệ trẻ. Nhiều năm nay bà vẫn tài trợ 3,6 triệu tiền học bổng/năm cho các học sinh giỏi Tuyên Quang. Ngoài ra, Bà còn lập quỹ học bổng Tài năng trẻ trị giá 500 triệu đồng cho trường Đại học Quốc gia Hà nội.

Bà nói: “Tôi là người sinh ra và lớn lên trong nghèo khổ, bao năm lên thác xuống ghềnh. Nhà tôi còn nghèo, quê hương tôi cũng nghèo, nhưng tôi biết cần phải đầu tư vào tri thức. Tôi đã để cho con cháu rồi nhưng không phải tiền mà là sự học hành và yêu lao động. Tôi mang số tiền này khuyến khích các cháu học thành tài mới có thể đưa nước nhà sánh vai năm châu”.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chuyện chưa kể về huyền thoại kinh doanh Khóa Liên Phương tại chuyên mục Doanh nhân của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713513686 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713513686 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10