Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Hải Dương đang trong những ngày khốn khó nhưng ở đó vẫn đang có một khu công nghiệp an bình và “không bao giờ đóng cổng”.
Có lẽ không mấy ai biết rằng sự ra đời và phát triển của Đại An gắn với nhiều năm đời người và vượt qua nhiều khó khăn của nữ doanh nhân Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại An.
Bà Phương nhớ lại, năm 2000, Luật Doanh nghiệp ra đời với việc đầu tiên quyền kinh doanh được nhắc tới, lần đầu tiên doanh nghiệp tư nhân được ghi nhận.
“Tôi đã nhìn thấy những khoảng không gian cho những đam mê, quan trọng là những cơ hội được tự quyết định bởi chính cái đầu của mình chứ không phải là của người khác. Tôi nói điều này với ông Dương Văn Thắng - một người bạn đồng nghiệp, là kiến trúc sư Sài Gòn, thì đúng là được lời như cởi tấm lòng, chúng tôi tìm thấy nhiều điểm chung, chúng tôi quyết định trở thành những người bạn đồng hành, cùng chí hướng. Và từ đó tôi trở về Bắc để kinh doanh mà như cách nói bây giờ là... khởi nghiệp".
- Vậy tại sao bà lại chọn Hải Dương để trở về “khởi nghiệp”?
Năm 2002, sau các thành công về bất động sản du lịch, tôi muốn thực hiện các dự án lớn lao hơn, có lợi cho đất nước nhiều hơn, cụ thể mang tính chất phát triển kinh tế - xã hội và giáo dục đào tạo. Đất nước ta còn nghèo, nếu không thực hiện phát triển kinh tế vùng địa phương và đào tạo giáo dục nhân lực cho tương lai thì “có rừng vàng biển bạc” cũng không thể nuôi chúng ta đến ngàn đời, ngàn thế hệ.
Hơn nữa, dựa theo sự định hướng phân vùng kinh tế (phía Nam tập trung nông nghiệp thủy hải sản - du lịch – dịch vụ; phía Bắc tập trung phát triển công nghiệp sản xuất) và chủ trương kêu gọi đầu tư của Nhà Nước đến các doanh nghiệp có thực lực và tâm huyết để thực hiện đầu tư – phát triển – xây dựng các dự án khu công nghiệp (chuyển đổi các vùng nông nghiệp canh tác thấp không hiệu quả thành các khu công nghiệp sản xuất tập trung, việc này không những giải quyết đời sống an sinh xã hội và kinh tế địa phương mà còn giúp giáo dục đào tạo đối tượng nguồn công nhân chất lượng).
Vì thế tôi đã đi khảo sát các tỉnh phía Bắc, và cũng do duyên số sắp đặt mà Hải Dương đã chọn tôi.
- Nhắc đến Đại An, như bà đã nói "khu công nghiệp trong làng- làng trong khu công nghiệp", bà cân đối giữa một nơi chuyên nghiệp, ngăn nắp và khô cứng với một nơi mang đậm phong cách truyền thống, bản sắc nhưng cũng còn nhiều rào cản tư duy cách nào?
Việt Nam có nền văn hóa lúa nước, văn hóa ăn sâu – mọc rễ trong tư tưởng “cứ làm nông là no ấm”. Thời kỳ đầu là thời kỳ khó khăn và thiếu thốn về mọi mặt. Tôi vừa phải chọn lựa, kêu gọi và lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có uy tín để thực hiện xây dựng nhà máy sản xuất bài bản, vừa phải thực hiện công tác dân vận, khuyến khích từng làng/ thôn/ xã / huyện đi ứng tuyển lao động. Sau khi tuyển được công nhân là quá trình đào tạo các kỹ năng trong gia công sản xuất lắp ráp, văn hóa công nghiệp, văn hóa an ninh an toàn trong lao động trong xã hội…. Việc chuyển hóa nông nghiệp sang công nghiệp đòi hỏi nhiều bộ môn, nhiều chuyên gia cùng tham gia, và phải có thời gian thích nghi ít nhất là 10 năm.
Một trong những khâu then chốt của quá trình công nghiệp hoá đất nước là xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Khu công nghiệp Đại An chính là một trong những điểm đột phá.
Chúng tôi không những đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào mà còn ứng vốn đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào để kết nối đồng bộ giữa thành phố Hải Dương và huyện Cẩm Giàng, vừa có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các Nhà đầu tư thứ cấp trong việc triển khai nhanh Dự án sản xuất kinh doanh, vừa góp phần cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng cho các xã nông thôn nằm trong Khu công nghiệp, phục vụ tích cực chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm dịch vụ phục vụ cho khu công nghiệp.
Sự tiến bộ của người nông dân địa phương trong việc phấn đấu hoàn hiện thành người công nhân kiểu mẫu là do chính người dân địa phương đã tự nhận thức và tự nỗ lực cố gắng; đương nhiên là không thể thiếu yếu tố quan trọng là các chủ nhà máy rất có tâm (Tôi tập trung kêu gọi và chọn lựa các nhà đầu tư nước ngoài uy tín với mục đích mình được hội nhập với thế giới ngay trong đất nước của mình), họ đã đầu tư không nhỏ vào chương trình giáo dục – đào tạo nâng cấp cho các em khi mới được nhận vào làm.
Đến nay, cả nước có gần 400 khu công nghiệp nhưng bà Phương vẫn là một trong 3 doanh nhân nữ có mặt trong lĩnh vực tưởng như chỉ dành cho những người đàn ông. Có lẽ vậy mà Khu công nghiệp Đại An có những điểm khác. Đây là khu công nghiệp đầu tiên người dân được đi chung hệ thống giao thông - hay như cách bà Phương gọi, đó là khu công nghiệp không bao giờ đóng cổng. Nhiều người cho rằng, đây là một bất lợi, vì việc lẫn làng trong khu công nghiệp thường gây ra những khó khăn trong kiểm soát và quản lý hoạt động của khu. Bà Phương phân tích, mô hình bà áp dụng cho Khu công nghiệp Đại An là đô thị - dịch vụ - công nghiệp, thay vì thứ tự trong đầu tư thường là công nghiệp - dịch vụ - đô thị. “Nếu lo được chỗ ở cho người lao động, họ an cư thì sẽ lạc nghiệp”, bà Phương nói.
- Như cách bà nói, khi quyền lợi của cá nhân (người lao động) được đảm bảo sẽ trở thành "bệ đỡ" để doanh nghiệp thành công?
Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã đặt mục tiêu “Không phát triển kinh doanh bằng mọi giá, không vì lợi ích trước mắt và quên đi lợi ích của cộng đồng”, tiêu chí này hàm chứa tính nhân văn trong kinh doanh, điều mà tôi luôn tâm huyết.
Quả là “Trời và Đất đã không phụ lòng người”, với những nỗ lực không ngừng, chúng tôi đã xây dựng thành công Đại An trở thành khu công nghiệp quy mô, hiện đại và giàu tính nhân văn - một KCN “Không bao giờ đóng cổng”, ở đó có sự gắn kết mật thiết và lan tỏa tình yêu thương giữa các “Nhà”: Nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp - Doanh nghiệp đầu tư thứ cấp - Chuyên gia- công nhân và người dân trong và xung quanh khu công nghiệp.
Sở dĩ khu công nghiệp Đại An thành công như ngày hôm nay không phải chúng tôi được sở hữu bất cứ lợi thế đặc biệt nào, mà trên hết quan điểm của chúng tôi về tầm nhìn luôn hướng về cộng đồng, gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của cộng đồng.
Bởi trên hết, mỗi cá nhân đều có mưu cầu lợi ích cho bản thân mình, điều này làm chúng ta cảm thấy hạnh phúc và bằng lòng với những gì mình đạt được. Chúng ta chỉ có thể định hướng cho mỗi cá nhân phát triển theo con đường chính đạo.
- Không sinh ra tại Hải Dương nhưng dành nhiều thời gian sống và làm việc tại “xứ sở Ba Tư”, bà đã cùng mảnh đất này vượt qua những ngày khố khón và bất bình thường vì COVID như thế nào, thưa bà?
Tuy không sinh ra tại Hải Dương nhưng khi tôi chọn nơi đây để kêu gọi các bạn cùng đầu tư từ những năm 2003. Chúng tôi không dám nhận mình là doanh nghiệp tầm cỡ, doanh nghiệp lớn, nhưng tấm lòng nhân ái thì chúng tôi có đủ để sẻ chia với người dân trong lúc khó khăn.
Phương án hành động giải cứu nông sản của tôi đồng nghĩa với việc kinh doanh không hoàn vốn, nghĩa là: nông sản được mua về một phần được đem tặng cho các nhà máy trong khu công nghiệp, các khu vực thôn làng cách ly (6 khu và một thị trấn), các công nhân ở lại các nhà trọ, các cán bộ công nhân viên; phần còn lại sẽ được vận chuyển đến Hà Nội để bán tận tay cho người dân với giá đúng bằng giá của người nông dân Hải Dương bán cho tôi; các chi phí mua hàng, kiểm dịch, vận chuyển, bán hàng, địa điểm bán đều không được tính, việc này được gọi là tiếp thị không lương, vì càng nhiều người biết thì sẽ càng nhiều đơn đặt hàng giải cứu liên hệ trực tiếp cho người nông dân.
Qua đây tôi cũng rất cám ơn các cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Đại An Đại An, các bạn, các em, các cháu tại địa điểm Hà Nội đã chung tay giúp tôi thực hiện việc giải cứu nông sản Hải Dương một cách trong sáng và thiện tâm nhất.
- Sau “giải cứu” nông sản, bà sẽ tiếp tục kết nối cộng đồng theo cách nào?
Sau đại dịch lần này, tôi cũng đã có kế hoạch cho việc thực hiện “nông nghiệp hiện đại”, nghĩa là nông nghiệp thì nên được quy hoạch tập trung, nên được đầu tư bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp từ việc canh tác, sàng lọc, kiểm dịch theo quy chuẩn, lưu trữ, đến hệ thống phân phối phục vụ trong nước và xuất khẩu. Việc này sẽ được thực hiện theo kế hoạch kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp FDI để xây dựng nhà máy sản xuất rau củ quả.
Qua thực tế phải thực hiện 34 ngày chống dịch COVID-19, tôi nhận thấy rằng rất cần áp dụng cho việc phát triển và xây dựng Đô thị - Dịch vụ tại các Khu công nghiệp lớn như Khu công nghiệp Đại An vì chỉ có sống và làm việc tại chỗ thì chúng ta không những có khả năng kiểm soát chuyên nghiệp, khả năng phòng chống dịch lây lan cho toàn xã hội; mà còn đảm bảo được “kế hoạch vừa sản xuất vừa chống dịch”. Chúng tôi sẽ sớm xây dựng khu Đô thị - Dịch vụ tại Khu công nghiệp Đại An cho thời kỳ mới.
- Cảm ơn bà và chúc cho khu công nghiệp ĐẠI AN luôn bình an!
Xây dựng một chiến lược của công ty trong thời kỳ mới, phù hợp với định hướng của Chính phủ “Đổi mới sáng tạo trên nền tảng 4.0 có chất lượng cao và phát triển kinh tế tư nhân”.
Thứ nhất, Đại An cần chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận để tiếp tục thu hút đầu tư FDI và lực lượng công nhân được đào tạo khoảng 20.000 người. Từ thực tế cho thấy, thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào con người. Để thu hút đầu tư 4.0 cần có con người Việt Nam đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, có năng lực, có trình độ của 4.0.
Thứ hai, để phát triển bền vững Khu công nghiệp cần đầu tư xây dựng một Khu đô thị - Dịch vụ phụ trợ gồm: Các khu nhà ở xã hội, khu nhà ở thấp tầng, Tổ hợp thương mại, dịch vụ; công viên thể dục thể thao, các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật với dân số dự kiến 20.000 người, với số vốn khoảng 2.500 tỷ đồng Việt Nam. Đại An đã được Tập đoàn Fujita (Nhật Bản) lựa chọn để hợp tác đầu tư. Đây là tiêu chí để thu hút nguồn cán bộ và công nhân có tay nghề yên tâm làm việc tại Khu công nghiệp.
Thứ ba, Chuẩn bị quỹ đất khoảng 120ha cho các doanh nghiệp công nghệ cao trong Khu công nghiệp Đại An mở rộng với quy mô lớn, ưu tiên thu hút ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với môi trường, có trách nhiệm với cộng đồng; tuân thủ các quy định của Nhà nước và của Khu công nghiệp. Nếu năm 2016, Khu công nghiệp thu hút 245 triệu đô la Mỹ, đến 2017 thu hút 280 triệu đô la Mỹ. Dự kiến 5 năm tiếp theo sẽ thu hút khoảng 1 tỷ đô la Mỹ và 20.000 việc làm cho người lao động trong các nhà máy.