Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, song những năm qua, huyện Văn Chấn đã nỗ lực phát triển kinh tế, từng bước đi lên ấm no, mạnh giàu.
Thay đổi tư duy sản xuất
Ông Mai Mộng Tuấn. Bí thư Huyện ủy Văn Chấn cho biết, trước đây, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Văn Chấn thường sản xuất theo tập quán tự cung, tư cấp, nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp. Nhận định rõ vấn đề này, tại Đại hội lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ huyện Văn Chấn đã ra nghị quyết thay đổi tư duy sản xuất của người dân theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Nhờ vậy, 5 năm qua, huyện Văn Chấn đã tạo dựng được nhiều thương hiệu nổi tiếng như gạo nếp Tú Lệ, ba ba gai Văn Chấn, chè hữu cơ đặc sản, cam Văn Chấn…
Trên địa bàn cũng xuất hiện nhiều vùng sản xuất mới có triển vọng như cây chanh leo (20 ha); cây dâu tằm (50 ha); cây dược liệu (40 ha); cây bưởi da xanh (50 ha), cây na Thái Lan, Đài Loan (12,5 ha). Huyện cũng đã xây dựng 02 chỉ dẫn địa lý; 06 sản phẩm chủ lực được chứng nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên.
Tự hào về các kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ huyện Văn Chấn đã tập trung chỉ đạo đồng bào các dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên; xây dựng huyện phát triển nhanh, bền vững. Do đó, kinh tế của địa phương ngày càng khởi sắc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng; sản xuất công nghiệp duy trì phát triển ổn định; hoạt động thương mại, dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, du lịch phát triển nhanh; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; thu ngân sách tăng cao so với nhiệm kỳ trước.
Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 đạt 1.813 tỷ đồng, đạt 120,9% mục tiêu Đại hội XX đề ra. Cơ cấu kinh tế nội ngành có sự chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 83,5% xuống còn 72,6%, tăng tỷ trọng lâm nghiệp từ 14,1% lên 25%. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả nổi bật, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong nhiệm kỳ vừa qua, Văn Chấn đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó nổi bật là Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn huy động cho chương trình đạt trên 675 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn lồng ghép và huy động từ cộng đồng dân cư đạt 405,25 tỷ đồng (chiếm 60%). Đến năm 2020, huyện đã xây dựng 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 02 xã đặc biệt khó khăn), vượt 8 xã so với mục tiêu Đại hội. Chương trình giảm nghèo được chỉ đạo triển khai quyết liệt. Tổng vốn đầu tư cho công tác giảm nghèo đạt trên 1.700 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 39,5% năm 2015 xuống còn 10,7% năm 2020, trung bình giảm 6%/năm, vượt 1,5 lần so với mục tiêu Đại hội.
Hướng tới phát triển bền vững
Đảng bộ huyện Văn Chấn đề ra quyết tâm trong nhiệm kỳ tới tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Mai Mộng Tuân, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ huyện Văn Chấn sẽ chú trọng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Theo đó, huyện sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất dựa trên thế mạnh của từng vùng. Đảng bộ cũng tích cực chỉ đạo mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, phát triển các sản phẩm đặc sản hữu cơ. Ngoài ra, huyện sẽ chú trọng phát triển một số loại cây trồng và vật nuôi mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Theo đó, Đảng bộ đề ra mục tiêu, đến hết năm 2025 có ít nhất 04 chỉ dẫn địa lý, trên 20 sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có 01 sản phẩm cấp quốc gia, trên 10 sản phẩm cấp tỉnh.
Đồng thời, huyện tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, lấy cư dân nông thôn làm chủ thể, cấp ủy, chính quyền làm nhiệm vụ “dẫn dắt”. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng nông thôn mới , tiếp tục nâng cao đời sống người dân, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Huyện phấn đấu trong giai đoạn 2020 – 2025 sẽ có 10 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 09 xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm (theo tiêu chí mới) trên 5%.
Huyện cũng sẽ đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại; tăng cường thu hút, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển du lịch trên địa bàn nhằm sớm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, nhất là tại xã Suối Giàng, Tú Lệ và thị trấn Sơn Thịnh. Chủ động, tích cực tham gia triển khai thực hiện các dự án của Trung ương, của tỉnh để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các tuyến giao thông kết nối tạo ra liên kết vùng để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Văn Chấn và cả khu vực phía Tây của tỉnh... Bên cạnh đó, quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng lĩnh vực văn hóa - xã hội; quan tâm khôi phục, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm