Các biện pháp phát triển rừng bền vững là cần thiết để thực hiện các mục tiêu kinh tế, hỗ trợ sinh kế cho người dân.
>>LIÊN KẾT DOANH NGHIỆP VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ: Đẩy mạnh phát triển dự án hạ tầng giao thông lớn
Phát biểu tại Diễn đàn Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 27/09/2023, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, diến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng hạn hẹp, chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế xanh đang là xu hướng của toàn cầu.
Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Trong Nghị quyết (NQ) Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng là chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; kiên quyết loại bỏ các dự án làm ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân là mục tiêu hàng đầu.
Đặc biệt NQ11 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ11 xác định phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 xác định vùng trung du miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện. Đây là tư duy đổi mới, mang lại tầm nhìn phát triển rõ cho vùng.
Thực hiện chủ trương trên, Tuyên Quang cụ thể hóa bằng các chương trình hành động và NQ cụ thể. Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, suy giảm kinh tế toàn cầu, tỉnh vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 9% trong vòng 5 năm trở lại đây. GDP bình quân đầu người từ 2005 đến nay tăng lên 11 lần.
Bên cạnh đó, Tuyên Quang đã phát huy sức mạnh, ưu thế trong phát triển kinh tế rừng. Tuyên Quang có khoảng 448 nghìn hecta đất lâm nghiệp, chiếm 76% đất tự nhiên với độ che phủ rừng đứng thứ 2 cả nước và luôn duy trì trên 65%. Đáng chú ý, rừng cấp chứng chỉ rừng bền vững để phục vụ xuất khẩu gỗ sang các nước phát triển chiếm 48.300 hecta.
Với những lợi thế của tỉnh, Tuyên Quang đã coi phát triển kinh tế rừng bền vững là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế. Tập trung kiểm soát chặt chẽ với tinh thần rừng đặc dụng phải bảo vệ, đảm bảo giữ vững diện tích rừng đặc dụng nhằm phát huy giá trị cảnh quan rừng đặc dụng làm du lịch.
“Với xu thế của ngành du lịch đang dần chuyển sang du lịch rừng, cùng ưu thế có nhiều di tích lịch sử quan trọng, Tuyên Quang đang triển khai các dự án khai thác rừng đặc dụng để phát triển du lịch”, ông Sơn nói.
Với rừng phòng hộ, Tuyên Quang đang tập trung trồng cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ. Hiện Tuyên Quang đang sở hữu 1000 hecta cây dược liệu trồng trong rừng phòng hộ lĩnh vực này đang thu hút nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp quốc tế trong lĩnh vực dược liệu. Đây cũng là hướng đi mới nhằm phát triển rừng bền vững và nâng cao thu nhập của người dân.
Với việc sở hữu 190 nghìn hecta rừng sản xuất, Tuyên Quang đang triển khai các hình thức khai thác như trồng 2 cây chặt 1 cây để đảm bảo tính bền vững của rừng sản xuất. Đồng thời, ông Sơn cho biết, Tuyên Quang đang có 8 nhà máy chế biến giấy, cũng như các sản phẩm về gỗ chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường phát triển.
Ông Sơn cho biết, tỉnh Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh thuộc vùng Bắc Bộ vẫn còn tồn tại 3 điểm nghẽn lớn đang cần tập trung cao độ là Quy hoạch, Hạ tầng và Nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hiện nay, Tuyên Quang còn nhiều khó khăn. Nỗ lực trong 2 năm gần đây làm đường cao tốc kết nối Nội Bài - Lào Cai với Tuyên Quang và dự kiến trong năm nay sẽ được khánh thành, và dự kiến năm 2025 có tuyến đường xuyên qua tỉnh Tuyên Quang, đồng thời triển khai những tuyến đường kết nối ngang để kết nối với các địa phương khác như Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang để giải quyết vấn đề hạ tầng liên kết vùng, mang lại cơ hội phát triển cho các tỉnh vùng núi Bắc Bộ
Mặt khác, ông Sơn cũng đề nghị, các Bộ, ban ngành cần chú ý đến 2 nút thắt của địa phương là bảo vệ rừng đặc hộ và rừng đặc dụng. Hiện nay theo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang khoán cho người dân bảo vệ khoảng 300-400 nghìn/hecta 1 năm. Tuy nhiên điều này sẽ không đảm bảo sinh kế cho người dân, khó giữ được rừng.
Do đó, ông Sơn kiến nghị có thể nâng mức khoán cho người dân lên 800-1 triệu/ hecta rừng 1 năm để đảm bảo sinh kế cho người dân.
Hiện nay, tiềm năng thương mại về hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp và tổ chức đã đề nghị bán chứng chỉ các bon. Nhưng hiện chưa có hành lang pháp lý cho việc phát hành chứng chỉ các bon và tham gia thị trường các bon để giảm phát thải nhà kính thông qua các nỗ lực hạn chế suy thoái rừng.
Do đó, ông Sơn cũng kiến nghị các bộ ngành tham mưu cho chính phủ sớm có khung khổ pháp lý cho vấn đề này để tỉnh có thêm phần nguồn lợi từ phát hành chứng chỉ các bon để hỗ trợ người dân, từ đó phát triển rừng bền vững.
Có thể bạn quan tâm
LIÊN KẾT DOANH NGHIỆP VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ: Cơ hội từ phát triển kinh tế rừng bền vững
15:07, 27/09/2023
LIÊN KẾT DOANH NGHIỆP VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ: Đẩy mạnh phát triển dự án hạ tầng giao thông lớn
14:47, 27/09/2023
LIÊN KẾT DOANH NGHIỆP VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ: “Đất lành, chim đậu”
14:27, 27/09/2023
[TƯỜNG THUẬT TRỰC TUYẾN] Diễn đàn Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững Vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ
14:17, 27/09/2023