Giám đốc điều hành IMF cho biết, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có thể cải thiện khả năng tiếp cận tài chính ở những nơi ít người có tài khoản ngân hàng và thanh toán xuyên biên giới.
>>CBDC và stablecoin có thể cùng tồn tại?
Việc áp dụng các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) không còn xa nữa, nhưng ngày nay chỉ khoảng 60% các quốc gia đang khám phá chúng dưới một số hình thức. Vì vậy, các Chính phủ và ngân hàng trung ương nên đẩy mạnh việc áp dụng CBDC để cải thiện các khoản thanh toán xuyên biên giới, vốn đang có chi phí đắt đỏ, thời gian giao dịch chậm và chỉ có sẵn cho một số ít đối tượng. Đó là chia sẻ của bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Lễ hội Fintech Singapore vừa qua.
Bà nhấn mạnh quan điểm, CBDC không chỉ có thể thay thế tiền mặt, mà còn cải thiện khả năng tiếp cận tài chính ở những nơi có ít tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, tốc độ sử dụng CBDC cần phải tăng lên.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, Philippines là một trong số những quốc gia Đông Nam Á có dân số không có tài khoản ngân hàng cao nhất thế giới. Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jnr - cho biết, ông hiểu tầm quan trọng của sự hòa nhập tài chính mà lãnh đạo các tổ chức đề cập.
“Chúng tôi cũng nhận thấy sự hiện diện ngày càng tăng của ngân hàng số và tầm quan trọng của tài chính toàn diện đối trong bối cảnh hiện nay, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình theo đuổi tiến bộ và thịnh vượng, Chính phủ Philippines sẽ tập trung hơn nữa vào số hóa nền kinh tế trong giai đoạn tới”, ông chia sẻ.
IMF cũng đã ra mắt một cuốn sổ tay nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách đẩy nhanh việc sử dụng và ra mắt CBDC. Vị giám đốc điều hành IMF cho biết, với việc sử dụng CBDC, các khoản thanh toán xuyên biên giới hiệu quả có thể được thực hiện, đẩy nhanh quá trình chuyển vốn và tăng trưởng đồng thời giảm chi phí cho các doanh nghiệp nhỏ.
“Mặc dù hiện nay, chúng tôi nhận thấy chi phí chuyển tiền đã có giảm đáng kể, nhưng chúng vẫn vượt mục tiêu “Phát triển Bền vững”. Do đó, chúng ta phải đảm bảo rằng các quốc gia không bị mắc kẹt bởi khoảng cách số.
Các ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại và các công ty Fintech cần tiếp tục phát triển thêm các nền tảng xuyên biên giới hoặc các nền tảng thế hệ mới, qua đó, các ngân hàng trung ương trong khu vực công, ngân hàng thương mại, hộ gia đình và doanh nghiệp có thể tập hợp để trao đổi CBDC, hoặc các tài sản kỹ thuật số khác thuận tiện hơn. Điển hình như trong khu vực công, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã cùng với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) tích cực hỗ trợ việc áp dụng CBDC và hệ thống thanh toán nhanh hơn”, bà nói thêm.
>>Tiềm năng CBDC và ảnh hưởng đến ngành ngân hàng
Hiện MAS đang khám phá những nền tảng mới để trao đổi tiền và tài sản kỹ thuật số, đồng thời công bố 5 chương trình thí điểm trong ngành cho việc thử nghiệm sử dụng mã thông báo tài sản. Trong đó, Citigroup, BNY Mellon và Ant Group nằm trong số những công ty tham gia vào các dự án mới này cùng với MAS.
Ngay từ đầu tuần, Ant Group đã công bố chiến lược mở rộng toàn cầu thông qua trụ sở quốc tế tại Singapore và ký một biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Quốc gia Campuchia, để thúc đẩy thanh toán di động xuyên biên giới, bằng cách sử dụng mã QR ở nước này cho các đối tác thanh toán và người bán hàng toàn cầu của Alipay+.
Cùng với đó, Ant International - một chi nhánh của Alibaba cũng đang tìm cách thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số và thương mại kỹ thuật số thông qua Alipay+, với dịch vụ thanh toán di động xuyên biên giới dành cho các thương gia và doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn cầu.
Riêng về phía Singapore, MAS đã công bố kết thúc thành công giai đoạn một của Dự án MindForge, một khuôn khổ cho việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) tổng hợp trong lĩnh vực tài chính và sẽ công bố khuôn khổ này vào tháng 1/2024. Dự án được hỗ trợ bởi một tập đoàn bao gồm các ngân hàng địa phương như ngân hàng DBS và ngân hàng OCBC.
Trong một cuộc đối thoại, Tổng thống Singapore - Tharman Shanmugaratnam cho biết, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ sớm thay thế nhiệm vụ của con người và cũng đồng thời hỗ trợ con người. Ông nhìn nhận, sự thay đổi sẽ không xảy ra ngay trong 3-4 năm tới, nhưng từ 10-15 năm nữa, cuộc cách mạng công nghệ này sẽ có tác động sâu sắc đến lực lượng lao động hơn bất kỳ cuộc cách mạng công nghệ nào trước đây.
“Chúng tôi tự hỏi liệu chúng tôi có đạt đến tầm cao mới, nơi mà các cỗ máy ngày càng trở nên thông minh hơn so với bộ não con người. Không có lý do nào khiến điều đó không thể xảy ra. Nhưng nó sẽ không đến một cách đột ngột, mà sẽ diễn ra dần dần”, vị Tổng thống nói.
Có thể bạn quan tâm
05:03, 03/06/2023
12:30, 14/02/2023
05:00, 02/02/2023