Kinh tế thế giới

IMF lạc quan về Mỹ, bi quan về châu Âu

Trường Đặng 19/01/2025 11:07

Trong khi tin tưởng các động lực tăng trưởng của Mỹ sẽ mở rộng GDP nước này vào 2025, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế lớn ở châu Âu.

world-economic-outlook-update-january-2025-growth-projections-charts.jpg
IMF đặt nhiều kỳ vọng vào nền kinh tế Mỹ trong năm 2025 (Ảnh: IMF)

Mỹ tăng mạnh kỳ vọng tăng trưởng

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ sẽ vượt trội so với các quốc gia phương Tây lớn khác trong năm nay, một xu hướng cho thấy sự phục hồi đáng chú ý của Mỹ sau đại dịch và lạm phát cao.

IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2025 của Mỹ lên 2,7%, tăng đáng kể từ mức 2,2% trong dự báo hồi tháng 10/2024. Trong khi đó, kỳ vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn ở châu Âu như Đức, Pháp, và Italia đều bị hạ xuống, tương tự như Canada.

Các con số này nhấn mạnh lại những động lực đã giúp kinh tế Mỹ vượt qua môi trường toàn cầu đầy biến động năm 2024: tăng trưởng năng suất mạnh mẽ, thị trường lao động vững vàng, và các chính sách đối phó lạm phát của Fed đã phát huy hiệu quả. IMF dự đoán GDP của Mỹ tăng 2,8% trong năm 2024, sau mức tăng 2,9% của năm trước đó.

Trong khi tin tưởng vào Mỹ, IMF bày tỏ sự bi quan lớn hơn đối với châu Âu – nơi chỉ tăng trưởng khoảng 0,8% vào năm 2024. Sang năm 2025, cơ quan này dự báo khu vực châu Âu tăng trưởng chỉ 1%, thấp hơn mức dự báo tháng 10 năm ngoái.

Trong khi lạm phát ở Mỹ đã giảm gần 3 lần vào cuối 2024, các nền kinh tế lớn ở châu Âu đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ cuộc khủng hoảng năng lượng chưa chấm dứt cho tới sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường ô tô.

Điều đáng mừng, lạm phát có thể được kiểm soát tốt hơn trong năm mới, theo IMF. Lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống còn 4,2% vào năm 2025, từ mức 5,7% năm ngoái, và tiếp tục giảm xuống còn 3,5% vào năm 2026. Lạm phát thấp hơn có thể cho phép các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới giảm lãi suất về mức trung lập hơn, đưa nền kinh tế toàn cầu tiến gần hơn đến trạng thái cân bằng.

brussels-belgium-casa-seguro-0112.jpg
Các nền kinh tế lớn ở châu Âu đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức.

Châu Âu và Trung Quốc có những vấn đề riêng

Theo ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, viết, sự chênh lệch ngày càng lớn giữa Mỹ và châu Âu là bằng chứng về sự khác biệt cấu trúc giữa các khu vực.

“Qua thời gian, điều này dẫn đến lợi nhuận cao hơn từ đầu tư tại Mỹ, tăng dòng vốn đầu tư vào, đồng đô la mạnh hơn và mức sống của Mỹ tiếp tục vượt xa các nền kinh tế tiên tiến khác,” ông Gourinchas nhận xét. So với Mỹ, các thách thức lớn nhất của châu Âu bao gồm một lĩnh vực công nghệ ít phát triển hơn và thị trường tài chính kém tinh vi hơn.

Bên cạnh đó, châu Âu và các nền kinh tế khác đang đứng trước bất ổn lớn hơn từ chính sách tương lai của chính quyền Donald Trump trong các lĩnh vực thương mại, nhập cư và thuế quan.

Với Trung Quốc, IMF dự báo tăng trưởng GDP cả năm nay ở mức 4,6% - tương đương với các thị trường mới nổi khác. Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo rằng quốc gia này có thể rơi vào bẫy giảm phát nếu các chính sách tài khóa và tiền tệ không đủ mạnh để thúc đẩy nền kinh tế.

Pierre-Olivier Gourinchas cho biết, mức dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc được cải thiện nhờ động lực từ mức tăng trưởng 5% năm 2024, cao hơn kỳ vọng trước đó. Động lực này phần nào đến từ các biện pháp tài khóa của Trung Quốc trong quý cuối năm 2024, bất chấp việc bị ảnh hưởng bởi bất ổn chính sách thương mại toàn cầu.

Dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng để vượt qua thách thức nội tại, Trung Quốc cần chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa, thay vì dựa vào xuất khẩu.

Với vị thế là nhà sản xuất lớn nhất toàn cầu, sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc có tác động lan tỏa lớn, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quốc gia đang phát triển có quan hệ thương mại với nước này. Đây là rủi ro đáng kể đối với kinh tế toàn cầu trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
IMF lạc quan về Mỹ, bi quan về châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO