Intel đã trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn và giờ đây, một số nhà đầu tư đang muốn nhìn thấy sự thay đổi của nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới này.
Intel được thành lập vào năm 1968 tại Santa Clara, California, Mỹ. Họ được biết đến với việc chuyên sản xuất các sản phẩm như chip vi xử lý cho máy tính, bo mạch chủ, ổ nhớ flash, card mạng và các thiết bị máy tính khác.
Riêng trong mảng chip, Intel có thể tự thiết kế và sản xuất. Nhưng giờ đây, có vẻ cách tiếp cận đó đã bị đặt dấu hỏi vì Intel cho thấy sự tụt hậu khá xa so với TSMC và Samsung trong việc sản xuất các bộ vi xử lý tiên tiến nhất.
Trong những năm gần đây, Intel đã phải vật lộn để chuyển từ chip 14 nanomet sang chip 10 nanomet. Còn nhớ hồi tháng 7, họ cũng đã phải trì hoãn việc sản xuất chip 7 nanomet (mà một số đối thủ đã có) đến năm 2022, muộn hơn một năm so với dự kiến ban đầu. Trong khi đó, các đối thủ của Intel vẫn tiếp tục đi trước với việc phát triển các bộ vi xử lý nhỏ hơn và mạnh hơn.
Giới chuyên môn nhận định, các khó khăn và thách thức của Intel có thể sẽ mang đến cơ hội cho những người chơi khác như công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) hay là Samsung, đặc biệt trong mảng công nghiệp chip đúc.
Giám đốc điều hành Intel, Bob Swan, đã bắt đầu gợi ý trong năm nay rằng công ty nên tìm kiếm sự hỗ trợ của đối tác bên thứ ba trong nỗ lực để bắt kịp các đối thủ, các nhà phân tích đã có nhiều ý kiến trái chiều về động thái đó.
Trong khi đó, các đối thủ của Intel đã có một năm 2020 “không còn gì vui hơn”.
Cổ phiếu của AMD, kẻ đang chiếm đoạt thị phần của Intel trên thị trường PC và trung tâm dữ liệu, đã tăng 85% kể từ đầu năm 2020 (tăng 150% trong năm 2019). Nvidia, nhà sản xuất chip đồ họa hàng đầu cho thị trường game đang phát triển, đã tăng 116% trong năm nay. Và cổ phiếu của TSMC và Samsung cũng đã tăng lần lượt 76% và 42%.
Còn với Intel, cổ phiếu của họ đã giảm gần 19% trong năm nay. Chưa hết, mới đây Intel cũng đã bị giáng một đòn mạnh khi Apple tuyên bố sẽ sử dụng bộ vi xử lý của riêng mình trong loạt máy Mac mới, thay vì đặt hàng Intel.
Tất cả điều này khiến một số cổ đông của Intel “đứng ngồi không yên”. Trong số đó, Quỹ đầu cơ Third Point LLC có cổ phần gần 1 tỷ USD trong Intel, đã phải lên tiếng kêu gọi nhà sản xuất chip này thuê một cố vấn đầu tư để khám phá "các giải pháp thay thế chiến lược" nhằm giành lại thị phần từ các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là TSMC và Samsung.
Daniel Loeb, CEO của Third Point đã viết thư cho Chủ tịch Intel Omar Ishrak, kêu gọi công ty xem xét nghiêm túc hơn về việc có nên tiếp tục sản xuất tất cả các chip trong nhà và thoái vốn khỏi các "thương vụ mua bán thất bại".
Loeb chia sẻ thêm: "Việc Intel đánh mất vị trí lãnh đạo trong nghành sản xuất chip toàn cầu và những sai lầm khác đã khiến một số đối thủ trong ngành tận dụng để vươn lên".
Ông cũng thúc giục Intel giải quyết "vấn đề quản lý nguồn nhân lực", nói rằng nhiều nhà thiết kế và lãnh đạo chip tài năng đã rời công ty và những người còn lại đang bị "xuống tinh thần bởi hiện trạng".
Bên cạnh đó, Loeb còn đưa ra một loạt các vụ mua bán “thiếu khôn ngoan” của Intel trong thời gian gần đây như vụ họ mua hãng chip lập trình Altera với giá 16,7 tỷ USD năm 2015; Mua hãng xe hơi tự lái Mobileye với giá 15 tỷ USD vào năm 2017 và vào tháng 5, họ đã mua lại công ty di động kỹ thuật số Moovit với giá 900 triệu USD.
Tất nhiên, Intel cho biết trong một tuyên bố rằng họ hoan nghênh ý kiến đóng góp của nhà đầu tư: "Với tinh thần cầu thị, chúng tôi mong muốn được Third Point tham gia về những ý tưởng đóng góp nhằm đem lại sự tốt đẹp của công ty".
Cổ phiếu của Intel đã kết thúc ngày thứ ba tăng gần 5% sau tin tức về lá thư của Loeb.
Có thể bạn quan tâm