Kinh tế địa phương

IPEC: Tăng cường kết nối doanh nghiệp

Thùy Linh 27/12/2024 04:52

Hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Đồng thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, kết nối đầu tư và mở rộng thị trường.

dsc_9944.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản tỉnh Cà Mau năm 2024.

Các hoạt động xúc tiến cũng đã chú trọng xây dựng hình ảnh địa phương, tạo sức hấp dẫn dài hạn cho các nhà đầu tư.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến

Bà Trương Hà Phương Anh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Cà Mau (iPEC) cho biết, thông qua các hoạt động xúc tiến, iPEC đã tăng cường quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, môi trường, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đến với đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Việc tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, tìm kiếm thị trường và khảo sát thị trường nước ngoài đã hỗ trợ các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp các đối tác, tăng cường sự hiểu biết, tạo tin cậy lẫn nhau, củng cố mối quan hệ kinh doanh.

Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, Trung tâm đã kết hợp các hoạt động gặp gỡ đối tác để mời gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm của tỉnh như: Dự án Cảng biển Hòn Khoai, Dự án xuất khẩu điện... Đồng thời, xúc tiến quảng bá du lịch, văn hóa, ẩm thực, con người Cà Mau đến với bạn bè quốc tế. Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa doanh nghiệp du lịch và các đơn vị xúc tiến du lịch của địa phương, hình ảnh Cà Mau được lan tỏa, thu hút đông đảo du khách đến với Cà Mau.

Trung tâm cũng đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng tầm sản phẩm, kết nối vào các chuỗi, các hệ thống bán lẻ lớn. Cùng với sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị liên quan, hoạt động xúc tiến thương mại ghi nhận nhiều kết quả kết nối doanh nghiệp Cà Mau với các tập đoàn bán lẻ, các chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối và các doanh nghiệp mua hàng trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ Hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thuỷ sản tỉnh Cà Mau năm 2024 mới đây, đã có 209 lượt giao thương trực tiếp giữa 42 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản, chủ thể OCOP trong tỉnh với 5 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu trong nước là Central Retail, Saigon Co.op, Kingfood Mart, Bách Hoá Xanh và Siêu thị Satra. Các doanh nghiệp nhập khẩu đến từ Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc cũng thể hiện nhiều sự quan tâm đến các sản phẩm của tỉnh Cà Mau.

Thông qua các hoạt động xúc tiến, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu chính sách và tiềm năng thế mạnh đầu tư của tỉnh, đặc biệt trong các lĩnh vực như: xây dựng hạ tầng khu cụm công nghiệp, logistic, chế biến nông sản, thực phẩm, xuất nhập khẩu...

Đưa hình ảnh Cà Mau đến với nhà đầu tư

Thời gian qua, Trung tâm đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục hành chính. Trong năm 2024, Trung tâm đã hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, thủ tục đầu tư cho hơn 300 hồ sơ, dự án. Nhằm tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đến với nhà đầu tư, Trung tâm đã cập nhật đầy đủ thông tin quy hoạch, dự án mời gọi đầu tư, hướng dẫn thủ tục hành chính… vào chuyên mục đầu tư của trang thông tin điện tử do iPEC quản lý (https://ipec.com.vn/ipec-dau-tu/). Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (IPCS) cập nhật và đăng tải thông tin về môi trường đầu tư, tiềm năng, quy hoạch, chính sách, lợi thế về lĩnh vực đầu tư của tỉnh Cà Mau trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam. Đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư đi khảo sát vị trí khu đất tiềm năng thực hiện dự án...

Bà Trương Hà Phương Anh cho biết, đề góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh, Trung tâm đã phối hợp với đơn vị tư vấn khảo sát, lấy ý kiến gần 1.500 doanh nghiệp đánh giá đối với các cấp chính quyền tỉnh. Việc khảo sát, triển khai DDCI không chỉ giúp các sở ngành, địa phương nắm bắt, thu thập thường xuyên các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, để có giải pháp xử lý nhanh chóng và hiệu quả, mà còn góp phần thúc đẩy các đơn vị cải thiện chất lượng quản lý, điều hành kinh tế, tạo động lực cải cách liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp, qua đó tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch tại tỉnh. Đây cũng là một bước đi mạnh mẽ trong cải cách, thể hiện quyết tâm cao của Cà Mau trong minh bạch thông tin, xây dựng hình ảnh thân thiện và cầu thị của chính quyền đối với doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh, thu hút đầu tư và đồng hành với doanh nghiệp.

Trung tâm cũng đã phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức các chương trình cà phê kết nối doanh nghiệp. Các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp tại các chương trình gặp gỡ doanh nghiệp, cà phê kết nối doanh nghiệp đã được Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở ban ngành giải quyết trực tiếp dứt điểm tại buổi cà phê hoặc được cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan giải quyết, phúc đáp sau đó... Hoạt động này góp phần cải thiện chỉ số “tính năng động của chính quyền tỉnh” thuộc Bộ chỉ số PCI của tỉnh.

Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư, Trung tâm cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội đầu tư; hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng chính quyền, địa phương trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
IPEC: Tăng cường kết nối doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO