K. Marx - nhà tư tưởng vĩ đại!

Trương Khắc Trà 05/05/2020 07:10

Lý thuyết của K. Marx đã âm thầm sống dậy ngay tại nơi nó được sinh ra và cũng là nơi ruồng rẫy nó ghê gớm nhất...

Hôm nay (5/5) tròn 202 năm kể từ ngày K. Marx - một trong những triết gia vĩ đại nhất lịch sử thế giới được sinh ra tại thành phố Trier của nước Đức. Ông cùng với Engels, Lenin đã tạo ra hệ tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng đối với sự tiến bộ của nhân loại.

K. Marx - nhà tư tưởng vĩ đại

K. Marx - nhà tư tưởng vĩ đại

Ở Việt Nam, hầu hết chỉ biết đến Marx là “nhà triết học”, “người sáng lập chủ nghĩa cộng sản”, cũng hầu hết “hiểu” Marx qua cuốn giáo trình mỏng được dạy rất phổ biến trong các trường trung cấp, cao đẳng, đại học.

Thật không công bằng nếu đánh đồng Marx, Engels, Lênin bằng sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu cuối thế kỷ XX. Có lẽ, đây là nguyên nhân để người ta lấy đó làm “tầm thường hóa” chủ nghĩa Marx chăng?

Sẽ toàn diện, đầy đủ hơn nếu xem xét Marx là nhà tư tưởng, bởi ngoài những gì quen thuộc được dạy và học, Marx còn là sử gia, nhà kinh tế, nhà xã hội học, nhà báo, nhà lý luận chính trị, nhà cách mạng lỗi lạc.

Điều này không hề là phỏng đoán, và đồng thời cũng là sự đánh đố với người đọc khi di sản để lại của ông quá đồ sộ, hàng ngàn bài viết, đầu sách với dung lượng hàng vạn trang...

Di sản ấy có giá trị tổng kết thực tiễn, rút ra tri thức lý luận, có tính ứng dụng cao, trong đó có tư tưởng về xây dựng nhà nước, xã hội, con người, tiến tới một cuộc sống văn minh, thịnh vượng. Đó mới là giá trị tạo nên chân dung của nhà tư tưởng vĩ đại - Marx.

Thứ được quan tâm nhất lúc này là gì nếu chẳng phải là khủng hoảng kinh tế, biến động chính trị khó lường trong thế giới đa cực phân mảnh?

Ở phương Tây, mỗi khi khủng hoảng kinh tế, số lượng tác phẩm “Bộ Tư bản” của K.Marx được bán ra lại tăng vọt. Rất ít người hiểu thấu đáo sự vận hành của chủ nghĩa tư bản và hậu quả của nó đối với nhân loại như nhà tư tưởng người Đức.

Marx đã dự đoán chính xác hậu họa do chủ nghĩa tư bản mang đến

Marx đã dự đoán chính xác hậu họa do chủ nghĩa tư bản mang đến

Trong bộ “Tư bản” khi viết về cách mà nhà tư bản tạo ra “giá trị thặng dư” Marx đã nói đến sự “tập trung” và “tâm điểm hóa”. Đó là sự tăng vốn do thâu tóm, sáp nhập các tập đoàn tư bản, hầu như luôn luôn là kết quả của sự phá sản hoặc khủng hoảng kinh tế.

Theo báo cáo mới nhất của Oxfam, 82% tài sản được tạo ra trên toàn thế giới vào năm 2017 đã đi vào túi những người giàu nhất - chiếm 1% dân số toàn cầu, trong khi 3,7 tỷ người, một nửa dân số nghèo nhất thế giới không có sự gia tăng của cải!

Đáng nói, ngay cả những quốc gia “học Marx” cũng không tránh khỏi sự chênh lệch giàu nghèo, đào sâu hố ngăn cách giữa các tầng lớp trong xã hội. Vậy nên, trách cứ Marx khi lý thuyết ấy chưa áp dụng đúng đắn có phải bất công bằng cho ông?

Những gì đang xảy ra với nhân loại 30 năm trở lại đây cho thấy tiên đoán khoa học của Marx hoàn toàn đúng đắn: Marx cho rằng: “Nhu cầu không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đã thúc đẩy giai cấp tư sản đi tới khắp nơi trên toàn cầu. Sẽ không thể tránh khỏi dẫn tới việc mở đường cho những cuộc khủng hoảng sâu sắc rộng khắp hơn”.

Thoạt đầu là những cuộc xâm chiếm thuộc địa kiểu cũ bằng mùi thuốc súng, khi các nước thuộc địa giành chính quyền, chủ nghĩa tư bản trở lại và lợi hại hơn xưa, bằng công cụ tài chính, đầu tư, viện trợ, hợp tác có vẻ công bằng...

Một hình ảnh rất đáng chú ý là khu trục hạm của Mỹ được chào đón ở Đà Nẵng, đó là một hàm ý rất khó để giải mã hết nội dung và cũng là hiện tượng cho thấy chủ nghĩa tư bản đã biến đổi! Được gọi là “ngoại giao chiến hạm”.

Những cuộc khủng hoảng kinh tế trong thế giới tư bản xảy ra theo chu kỳ, ngày một rút ngắn lại từ 30 năm, 20 năm và bây giờ là chu kỳ 10 năm. Chủ nghĩa tư bản không có cách gì trị được “căn bệnh mãn tính” này.

Khủng hoảng lúc này không chỉ có ở Mỹ hay Âu châu, nó lan đến tất cả mọi nơi có bóng dáng của kinh tế thị trường, đến những nước thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập.

Đúng như Marx kết luận: “Chủ nghĩa tư bản như thầy phù thủy đã bất lực trước những âm binh do mình triệu lên”.

Đó là gì? Là tập trung tư bản tài chính cao độ, sự phát triển lĩnh vực tài chính tiền tệ như chứng khoán hóa và các sản phẩm phái sinh của tiền tệ đang làm cho thị trường gặp đầy những rủi ro, tạo ra đủ các loại “bong bóng” như nợ công châu Âu, nhà đất tại Mỹ, dòng tiền bị tắc nghẽn...

Ngày nay, cả thế giới đang thực hiện dự báo của Marx các đây hơn 160 năm, đó là thị “trường chung, thuế quan chung, luật pháp chung...”. Khối châu Âu đi đầu trong việc này - đó là kết quả của phát triển kinh tế, hội nhập, toàn cầu hóa. Châu Á và châu Phi dù đi sau nhưng cũng manh nha ý định thành lập Liên minh châu lục.

Marx rất hiện đại chứ không hề cổ xưa, càng ngày những khẳng định của ông cách đây nhiều trăm năm trở nên đúng đắn. Chúng ta nên nhìn lý thuyết Marx- Lênin bằng cái nhìn thoáng đãng hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • [Giải bài toán năng suất lao động] Bài 1: Tìm về K. Marx

    [Giải bài toán năng suất lao động] Bài 1: Tìm về K. Marx

    05:00, 01/05/2019

  • Khủng hoảng kinh tế thế giới mang “màu sắc Trung Quốc” (Bài 1)

    Khủng hoảng kinh tế thế giới mang “màu sắc Trung Quốc” (Bài 1)

    06:00, 20/08/2019

  • Khủng hoảng kinh tế thế giới mang “màu sắc Trung Quốc

    Khủng hoảng kinh tế thế giới mang “màu sắc Trung Quốc" (Bài 2)

    06:00, 21/08/2019

  • Khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm: Giờ G đã điểm?

    Khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm: Giờ G đã điểm?

    04:30, 05/09/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
K. Marx - nhà tư tưởng vĩ đại!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO