“Mong muốn đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài đề xuất những giải pháp để Việt Nam tăng trưởng dựa trên năng suất và tiến bộ KHCN, đổi mới sáng tạo; dẫn dắt, kết nối đưa nền KHCN trong nước hội nhập với thế giới”.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức ngày 22/8. Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã có những chia sẻ về Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 cũng như đề xuất sự tham gia của kiều bào.
Theo ông Đạt, các bài học kinh nghiệm thành công ở các quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Phần Lan... cho thấy vai trò to lớn của KHCN đối với sự phát triển và vượt lên của các quốc gia.
Đối với định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Đảng và Nhà nước ta đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của KHCN và đổi mới sáng tạo, xem đây là "đột phá chiến lược" và là "động lực chính" để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế... Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, yếu tố quyết định thành công của một quốc gia trong cuộc đua phát triển chính là trí tuệ và nguồn lực con người. Bộ KH&CN mong muốn đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài cùng chung tay đưa ra các giải pháp phát triển và kết nối đưa nền KHCN trong nước hội nhập với thế giới.
"Những nội dung này đang được Bộ KH&CN đặc biệt quan tâm trong quá trình tham khảo kinh nghiệm xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ theo cách tiếp cận toàn diện của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy cả 3 chức năng tạo ra tri thức, ứng dụng tri thức và truyền bá tri thức mạnh mẽ hơn trong đời sống xã hội", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu.
Ông Đạt cũng mong muốn đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài có thể hỗ trợ trong việc thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài cho KHCN và đổi mới sáng tạo; tham gia đào tạo nhân lực, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, năng lực hoạt động cho đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia trong nước, trong đó quan tâm một số lĩnh vực như: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...
GS Nghiêm Đức Long, Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Australia, Giám đốc Trung tâm Môi trường nước, Đại học Sydney chia sẻ: KHCN đã thay đổi thế giới, trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng... Những thay đổi này đã tạo cơ hội cho hệ trẻ Việt Nam cơ hội học tập tại các quốc gia tiên tiến. Nhiều người đã tận dụng tốt những cơ hội này, trở thành công dân toàn cầu, được làm việc trong môi trường hiện đại, có được những cống hiến khoa học cho thế giới.
“KHCN không thể thay thế bản sắc văn hóa và con người Việt Nam, cũng như không thể thay đổi được giá trị của chúng ta. Đi đâu, ở đâu thì người Việt Nam vẫn là người Việt Nam. Biết ơn cha mẹ, tri ân thầy cô, có trách nhiệm với quê hương đất nước là một phần của những giá trị đó", ông Long nhấn mạnh.
"Nguồn lực KHCN cao trong thế hệ trẻ Việt Nam tại nước ngoài là rất lớn. Chúng tôi đã có những cống hiến cho KHCN thế giới. Chúng tôi rất khao khát được đóng góp cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, quê hương", GS Nghiêm Đức Long bày tỏ.
Đánh giá cao Quyết định 1334/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 của Thủ tướng về việc phê duyệt Đề án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới”, GS Nghiêm Đức Long cho biết, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo rõ ràng kịp thời để các bộ ban ngành tạo điều kiện và hành lang pháp lý cho trí thức Việt kiều có cơ hội đóng góp cho quê hương. Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục tạo cơ chế đặc biệt để trí thức Việt có trở về Việt Nam đóng góp cho quê hương. Ví dụ được phép nhận lại quốc tịch Việt Nam, hoặc có giấy phép cư trú dài hạn trong trường hợp nước sở có quy định một quốc tịch. Bên cạnh đó, đề nghị xem xét một cơ chế đặc biệt để tận dụng vai trò tư vấn khoa học từ các giáo sư người Việt đầu ngành tại các nước trên thế giới.
GS Nghiêm Đức Long cũng đề xuất Chính phủ có thể đầu tư cho một dự án thí điểm, mở một trường đại học trực tuyến tại Việt Nam với giáo án, bài giảng, và hướng dẫn khoa học từ các giáo sư Việt Nam trên toàn thế giới. Đây là một bước đi đột phá để Việt Nam nhanh chóng có một trường đại học hàng đầu thế giới.