Chia sẻ với Doanh nhân, ông Nguyễn Văn Cường kể: C-Brewmaster là người làm ra sản phẩm, nhưng để “vỗ nên kêu”, khách hàng sẽ cùng đồng hành tạo ra một văn hoá uống và thẩm bia.
với sự “Tinh tế hương vị Việt - tinh tế ẩm thực Việt”.
Rời bỏ vùng an toàn ở vị trí quản lý nhà máy của các tập đoàn toàn cầu lớn nhất thế giới về bia, sau 5 năm, doanh nhân Nguyễn Văn Cường đã xây dựng thương hiệu C-Brewmaster với hai nhà máy ủ bia thủ công, cho ra hàng trăm loại bia, nước quả độc lạ, cùng một đội ngũ người Việt ưu tú.
Khởi nghiệp... thủ công
- Lâu nay, từ thủ công được hiểu với hàm ý không chuyên nghiệp nhưng sao ông vẫn đam mê bia thủ công?
Thế giới thay đổi mỗi ngày và rất nhanh. Xu thế mới là người tiêu dùng quay trở lại những giá trị cốt lõi. Con người có xu hướng ăn thật, uống thật hơn –đó chính là sự tự nhiên hay nói cách khác đó là sự trở về.
Bia thủ công chính là dòng bia cá tính, phong cách, đầy sáng tạo dựa trên nền tảng là nguyên liệu tự nhiên hoàn toàn.
Hơn nữa, bia thủ công vốn là một dòng bia ngày càng được ưa chuộng trên thế giới nhưng tại Việt Nam còn rất ít. Chính thị trường tiềm năng, nguồn nguyên liệu phong phú từ nông sản Việt Nam và khát vọng Việt đã giúp chúng tôi nấu ủ ra các loại bia chưa từng có.
- Nhưng để từ bỏ sự thành đạt để mở đường mới, điều đó không hề dễ dàng, thưa ông?
Đương nhiên rồi (cười). Tôi khởi nghiệp ở tuổi 48 với “4 không”: Không tài chính, không nhân viên, không nhà xưởng, không cửa hàng.
Ở thời điểm bắt đầu khởi nghiệp, nhiều người đã gọi tôi là một “gã lập dị”. Tôi “dị” thật bởi đã vững chãi khi làm việc ở tập đoàn bia khổng lồ, lương tốt, có nhà, có xe, nhưng thay đổi để đi ngược vào đường làng ngõ xóm, để nấu ra các mẻ bia nhỏ bé khác thường.
Ngày đầu làm bia thủ công, tôi mang sổ đỏ đi vay tiền ngân hàng. Hơn 1 năm đầu tiên, tối nào tôi cũng nghĩ đến đường lùi, về làm công ăn lương cho an lành. Nhưng hôm sau lại tự nhủ không được bỏ cuộc, nếu dừng lại có nghĩa là tôi đầu hàng.
Có lần, đến ngày trả lương cho nhân viên mà trong túi không còn tiền nên tôi nói dối vợ là xe máy để lâu dễ hỏng, bán đi cho đỡ phí. 30 triệu đồng tiền bán xe chỉ đủ trả lương cho nhân viên nhưng tôi thấy vô cùng nhẹ nhõm.
Từng có khách vì thích mà tìm đến mua bia bạc hà, nhưng cũng có người không chịu nổi bia giả cầy… những chuyện như vậy tạo cho tôi cảm hứng làm nghề. Cảm xúc có thể là vui, hưng phấn, buồn nhưng đó là cuộc sống và động lực để tôi tiếp tục.
Tôi không quan tâm đến mọi người gọi tôi là “khùng” hay “dị” bởi tôi luôn hành động với khát vọng lớn, tôi tin ràng bất cứ ai làm một sản phẩm nào đó với khối óc, trái tim và tình yêu thương, sản phẩm đó sẽ có người yêu thích
- “Tình yêu phải đi liền với cái dạ dày”, dù đam mê đến đâu, kinh doanh cũng cần trả lời câu hỏi: lợi nhuận ra sao chứ, thưa ông?
Tôi học sinh học và rất yêu môn học này. Đầu tiên tôi chỉ biết mua cây trưởng thành về trồng và khi cây ra hoa, trái là đã rất thích rồi.
Nhưng tôi phát hiện ra một điều sung sướng hơn đó là gieo hạt, gieo mầm lên cây. Chăm sóc từ một cái hạt nảy mầm, thành cây lớn dần, đâm hoa, kết trái sẽ hạnh phúc hơn nhiều so với việc mình đi mua mọi thứ sẵn có.
Khởi nghiệp cũng vậy! Điều tôi muốn đầu tiên là khách hàng có thể nếm được các vị bia mà họ chưa bao giờ mường tượng ra như: bia phở, bia gừng, sả, quế, bạc hà, dâu tằm... Và khi khách hàng đã thích, đã yêu sản phẩm, đó cũng là lúc mình có thu nhập, bước đầu thành công.
Đối với bia thủ công, không riêng gì ở Việt Nam mà trên toàn cầu từ châu Âu, Mỹ giá luôn khoảng gấp đôi so với bia công nghiệp. Khi làm thủ công sản lượng nhỏ, nguyên liệu hảo hạng thì chi phí sản xuất cao hơn, chi phí cung ứng cũng cao hơn và công sức bỏ ra nhiều hơn, nhưng bù lại khách hàng có trải nghiệm, có cảm xúc và mình có thể kỳ vọng vào sự thành công.
Đầu tiên tôi mời những người thân, bạn bè của mình ở Việt Nam, Nga, Mỹ, châu Âu uống. Mọi người uống và đều tỏ ra thích thú. Quan trọng hơn, họ muốn quay lại. Tôi cho rằng, sản phẩm có thành công hay không chính là việc khách hàng có quay lại uống hay không, nếu họ quay lại, dắt thêm người bạn hay gia đình đi cùng, cũng có nghĩa là đúng hướng.
Bia của chúng tôi không - là đồ uống xa xỉ, phù hợp với những trải nghiệm của nhiều người, họ cho rằng bia của chúng tôi cho họ trải nghiệm và cảm xúc thú vị.
Hiện nay sản phẩm của C-Brewmaster không chỉ được tiêu thụ ở các thành phố lớn mà còn được xuất khẩu sang Thái Lan, Lào và Hàn Quốc.
Tôi nghĩ bia thủ công là một xu thế tất yếu, là một nét văn hoá, chỉ có điều, chúng ta có muốn khám phá và trải nghiệm hay không mà thôi.
Để "tôn vinh hương vị Việt"
Trước tiên, tôi khẳng định với bạn rằng, các sản phẩm của C-Brewmaster từ logo trở đi cũng đều rất Việt Nam - sự tự hào của dân tộc, tinh thần bản Việt trong chúng tôi.
Sau nữa, bia thủ công thì đặc trưng là qui mô mẻ nấu không lớn, có sự can thiệp vào quá trình nấu, lên men, ủ, đóng gói. Ngoài ra, nhà máy độc lập, bia phải sáng tạo và đậm tính bản địa.
Hiện nay, chúng tôi không chỉ nấu bia thủ công. Khi bắt đầu làm về bia, tôi nhớ đến những lúc mẹ từng ngâm mơ, ngâm mận, dâu tằm bằng đường. Những thứ nước này mùa hè uống rất ngon và hơi có một chút men.
Tìm lại những công thức cũ mà tôi đã từng tiếp cận trong khi học và thấy trên thế giới có một loại tương tự là Cider - nước ép trái cây lên men có cồn, rất giống thứ nước mà mẹ tôi ngày xưa hay làm. Thế là tôi làm Cider mẻ đầu tiên ở một cái xưởng chỉ vỏn vẹn 20m2, với những thùng nấu nhỏ khoảng 20 lít.
Đầu tiên tôi chỉ dùng mận và mơ, sau này nhà máy ở Tiền Giang làm sơ ri, ở Mê Linh có dâu tằm, sấu, nho rừng, ổi...Nước ép trái cây lên men được nhiều người thích đặc biệt là nữ giới.
Từ nguồn nguyên liệu dồi dào ấy, chúng tôi đã sản xuất được nhiều loại Cider khác nhau, được yêu thích nhất là mận Sapa, Sơ ri Tiền Giang, mơ Lạng Sơn, Sơn La, nhãn, vải và cả sấu nữa. Tôi cũng đã nghĩ tới việc sản xuất cider vị trái cây dạng lon, và các loại nước giải khát từ nguyên liệu trái cây mà không sử dụng các loại tinh dầu.
- Trong 5 năm qua ông đã sản xuất hàng trăm loại bia. Xin hỏi, loại bia nào của ông được khách hàng ưa thích nhất?
Chính bản thân tôi cũng không nhớ chính xác đã sản xuất bao nhiêu loại. Chúng tôi đã thử nghiệm khoảng 300-400 loại bia và hiện nay thị trường đang chấp nhận khoảng 50 loại. Chưa kể có khoảng trên 10 loại cider khác nhau. Khách hàng rất ưa thích bia cà phê, bia chanh leo, bia thanh long… hay gần đây là bia dâu tằm, bia mật mía, bia thảo mộc, bia Tết. Nhưng một trong các loại bia được nhiều người thích nhất, nhiều người uống nhất là dòng bia Hai Bà Trưng.
Tôi làm dòng bia này với mong muốn có một sản phẩm không quá nặng, không quá đắng, nhẹ, dễ uống, thơm và cá tính. Hai Bà quê ở Mê Linh, tôi cũng quê ở Mê Linh, nhà máy cũng ở Mê Linh nên tôi mong muốn đặt tên như vậy cho loại bia ai cũng biết, ai cũng uống được và mang đậm tính bản Việt. Bây giờ khách hàng có thể uống bia Hai Bà Trưng của tôi ở Bình Dương, Tiền Giang, Sài Gòn, Hải Phòng, khách hàng có thể uống ở các khách sạn năm sao hoặc một quán bình thường ven đường.
- Và sắp tới ông sẽ có hướng sự “thủ công” của mình vào đâu?
Với tôi, chỉ bia thôi là không đủ. Hiện tại thị trường Việt Nam đã có đến 40-50 nhãn hàng bia thủ công. Tôi mong muốn sẽ mở rộng được nhà máy bia, phát triển thị trường ở nhiều tỉnh thành trên đất nước mình. Lúc đó, tôi vẫn là người nấu bia nhưng sẽ có người kế cận giỏi hơn, làm bia bản địa ngon hơn.
Giấc mơ xa hơn của tôi đó là nước giải khát, nước hoa quả ép, lên men. Cây trái Việt vốn rất nhiều. Khi mình làm cái mới thì sẽ có rủi ro lớn nhưng tôi tin rằng làm toàn tâm toàn ý chắc chắn sẽ thành công và phải làm cái gì duy nhất, độc đáo, của người Việt.
- Chúc ông thành công và mong rằng sẽ được là một trong những người đầu tiên được trải nghiệm với dòng sản phẩm mới của ông!
Có thể bạn quan tâm