Kinh tế địa phương

Khai mạc Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ VI

Thùy Linh 13/11/2024 21:40

Sóc Trăng vừa khai mạc Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024.

Tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại Lễ khai mạc Lễ hội
Tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại Lễ khai mạc Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng.

Tối 13/11, tại Quảng trường Bạch Đằng (thành phố Sóc Trăng), UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức khai mạc Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024, với chủ đề “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển”.

Ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024 là sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm và cũng là hoạt động thường niên nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, được đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh quan tâm, chờ đón.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi phát biểu khai mạc Lễ hội
Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi phát biểu khai mạc Lễ hội

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, năm 2024, mặc dù kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân được quan tâm thực hiện, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc luôn được bảo tồn và phát huy, nhất là các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc, trong đó Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer được duy trì tổ chức hằng năm.

Thông qua các hoạt động của Lễ hội, tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng sẽ để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng quý đại biểu và du khách gần xa. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc; tăng cường công tác quảng bá, liên kết hợp tác để phát triển về du lịch. Với tiềm năng và lợi thế hiện có, tỉnh Sóc Trăng rất mong các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước về với Sóc Trăng để tìm kiếm cơ hội đầu tư hợp tác và cùng phát triển.

st1.png
Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao quyết định và bằng công nhận trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Tại lễ khai mạc, đại diện Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã trao quyết định và bằng công nhận trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam với 20 dàn nhạc ngũ âm cùng 200 nghệ nhân, nhạc công, diễn viên tham gia trình diễn.

Đại diện Tổ chức kỷ lục Việt Nam cho rằng, nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc cổ truyền mang tính phổ biến và lâu đời của người Khmer Nam Bộ; trải qua quá trình hình thành tồn tại và phát triển, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này đã lưu giữ và thấm đẫm trong đó nhiều giá trị và ý nghĩa to lớn và hết sức đặc biệt. Với giá trị tiêu biểu, năm 2019, nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer Sóc Trăng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc xác lập kỷ lục sẽ góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa của địa phương đến gần hơn đến du khách trong và ngoài nước.

Sóc Trăng là nơi thể hiện đặc trưng nhất những dấu ấn của quá trình các dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa cùng cộng cư, lao động, vượt qua khó khăn từ thuở ban đầu cho đến hôm nay. Những di sản hiện nay tại Sóc Trăng chính là vốn quý của quá trình “Giao thoa văn hóa”, trong đó “Đoàn kết” là di sản quan trọng nhất, đặc sắc nhất trong các di sản tại Sóc Trăng.

Sau phần lễ, các đại biểu thưởng thức phần chương trình nghệ thuật gồm 2 chương: chương I - “Hội tụ bản sắc” và chương II - “Sóc Trăng - Muôn sắc phương Nam”. Chương trình có sự tham gia của đông đảo nghệ nhân, ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên nghệ thuật quần chúng, diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh và Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng.

Sau lễ khai mạc, ngày 14 và 15/11, giải đua ghe ngo nam và nữ sẽ được diễn ra tại dòng sông Maspero, thành phố Sóc Trăng. Giải đua năm nay có 60 đội ghe ngo (53 đội nam và 7 đội nữ) tham gia tranh tài; trong đó trong tỉnh có 48 đội (45 đội nam và 3 đội nữ), ngoài tỉnh (Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang) có 12 đội ghe (8 đội nam và 4 đội nữ). Các đội ghe nam tranh tài cự ly 1.200m. Các đội ghe nữ tranh tài cự ly 1.000m. Lễ khai mạc Giải đua ghe Ngo sẽ diễn ra vào trưa ngày 14/11, tại đoạn sông Maspero, thành phố Sóc Trăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khai mạc Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực ĐBSCL lần thứ VI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO