Sóc Trăng hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính các cấp, tăng cường công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả, phát huy tiềm năng trong quá trình phục hồi và phát triển bền vững.
Tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Sóc Trăng phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo kết quả xếp hạng PCI năm 2023 của VCCI, tỉnh Sóc Trăng đạt 65,97 điểm, tăng 0,8 điểm, xếp thứ 9/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Tỉnh có 4/10 chỉ số thành phần tăng điểm, tăng hạng, bao gồm các chỉ số: tính năng động và tiên phong của chính quyền; chi phí thời gian; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và chỉ số đào tạo lao động.
Trong đó, Chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền đạt 6,75 điểm trong năm 2023, xếp thứ 33 so cả nước, tăng 0,35 điểm, tăng 18 bậc so năm 2022. Đây là chỉ số tăng hạng nhiều nhất so với năm 2022. Bởi doanh nghiệp ngày càng tin tưởng lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt hành động để thực hiện các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời năng động, sáng tạo hơn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chỉ số thời gian đạt 8,03 điểm trong năm 2023, xếp thứ 17 cả nước, tăng 0,54 điểm, tăng 8 bậc so với năm 2022. Đây là một trong những chỉ số được cải thiện rõ rệt trong năm 2023, với tỷ lệ hài lòng của người dân đối với các chỉ tiêu thành phần từ 76% trở lên. Điều này ghi nhận những nỗ lực từ các sở, ngành trong việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính.
Chỉ số hỗ trợ chính sách doanh nghiệp đạt 6,37 điểm, xếp thứ 34 so cả nước, tăng 0,64 điểm, tăng 4 bậc so với năm 2022 và được đánh giá có cải thiện với những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua. Trên 65% doanh nghiệp được hỏi đánh giá các thông tin và thủ tục để thụ hưởng một số chính sách của tỉnh dễ tiếp cận như: chính sách miễn giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo, chi phí đào tạo nghề, tiếp cận tín dụng…
Theo ông Ngô Thanh Toàn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng, để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục khi đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại tỉnh, Sóc Trăng thực hiện hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký đầu tư bằng các ứng dụng mạng xã hội, điện thoại di động...; hỗ trợ tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến qua trang Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (dangkyquamang.dkkd.gov.vn), trả kết quả đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính công ích… Qua đó, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, chi phí và thuận lợi trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục và triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư dự án theo quy định…
Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ mục tiêu: "Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Sóc Trăng xếp Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) trong nhóm khá cả nước, vào nhóm 30 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đạt điểm trung bình cao của cả nước, vào nhóm 30 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Từ năm 2026 trở đi, mỗi năm tăng tối thiểu 1 bậc đối với mỗi chỉ số cho đến năm 2030".
Với quyết tâm cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng PCI, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành kế hoạch để cải thiện chỉ số PCI nhằm tích cực xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư và nâng cao chất lượng đội ngũ thực thi công vụ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.
Trong thời gian tới, Sóc Trăng tiếp tục tập trung vào các giải pháp khắc phục hạn chế trong cải thiện môi truờng đầu tư kinh doanh của tỉnh, trong đó chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính công, dịch vụ công, dịch vụ xã hội đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, triển khai thực chất dịch vụ công trực tuyến, không chỉ tăng số lượng các thủ tục hành chính kết nối điện tử mà cần bảo đảm tăng tỷ lệ hồ sơ được thực hiện thuận lợi và thành công qua nền tảng điện tử; kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đánh giá thường xuyên về hiệu quả thực thi các giao dịch điện tử trong tất cả các lĩnh vực.
Bên cạnh việc đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, các cấp chính quyền tỉnh cũng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, bảo đảm các chính sách đến được với doanh nghiệp.