Các địa phương dọc tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái cùng các nhà đầu tư đang nắm bắt cơ hội, nghiên cứu, đầu tư sản phẩm du lịch mới để đưa trục cao tốc này trở thành “con đường du lịch”.
>>>Quảng Ninh: Để du lịch không chỉ một mùa
>>>Quảng Ninh: Gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch
Cơ hội lớn
Ngày 1/9/2022, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đã được đưa vào khai thác. Đây là mảnh ghép cuối cùng hoàn chỉnh chuỗi cao tốc của khu vực phía Bắc từ Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái (Quảng Ninh).
Với việc sở hữu 3 tuyến cao tốc nối liền một dải dọc tỉnh gồm Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn, Vân Đồn – Móng Cái, đã đưa Quảng Ninh trở thành địa phương hiện có số Km đường cao tốc lớn nhất cả nước. Theo thống kê, từ khi đưa vào khai thác, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thu hút lượng lớn phương tiên lưu thông, đạt trên 5.000 lượt/ngày. Cũng chính từ những lợi thế này đã và đang mở ra cơ hội lớn cho các địa phương dọc tuyến như: Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch.
Ông Phạm Việt Anh – Đại diện trang du lịch Bay Nhé chia sẻ: Ở mỗi địa phương mà trục cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái đi qua đều có những tài nguyên du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, như vịnh Bái Tử Long, các tuyến đảo du lịch ở Vân Đồn, rừng ngập mặn Đồng Rui ở huyện Tiên Yên, đảo Cái Chiên của huyện Hải Hà. Đặc biệt là Bình Liêu - nơi được ví là “Sapa của Quảng Ninh” và Móng Cái, với bãi biển Trà Cổ, đảo Vĩnh Thực cùng các hoạt động giao thương sôi động…
Thực tế, tại Móng Cái, ngay khi tuyến cao tốc này thông suốt, địa phương này đã có sự đột phá khi thu hút hơn 150.000 lượt khách. Chỉ tính riêng những dịp cuối tuần, Móng Cái đã thu hút từ 7.000-10.000 khách, các cơ sở lưu trú trên địa bàn luôn đạt công suất phòng ở mức cao… Trong đó, những địa danh nổi tiếng như Mũi Sa Vĩ, bãi biển Trà Cổ, các chợ biên giới… cũng luôn tấp nập du khách ghé thăm.
Theo đại diện UBND TP Móng Cái cho biết, trục cao tốc dọc tỉnh Quảng Ninh đã kết nối đến Móng Cái, mở mang và tăng giá trị dư địa đất đai, gia tăng cơ hội phát triển. Đây cũng chính là cơ hội lớn để Móng Cái đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
>>>Quảng Ninh: Tăng sức bật cho ngành du lịch
Còn với các huyện Tiên Yên, Bình Liêu, đây là 2 trong số những địa phương nằm dọc trục cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Thế mạnh trong phát triển du lịch của 2 huyện này chính là phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp với những khe suối, thác nước trong xanh, những cung đường biên giới hùng vĩ uốn lượn bên những thửa ruộng bậc thang đầy thơ mộng. Đặc biệt nơi đây còn có những giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, với những lễ hội rực rỡ sắc màu, những bản làng vùng cao hoang sơ và yên bình.
Trong thời gian qua, 2 địa phương này cũng thu hút lượng khách du lịch lớn đến trải nghiệm. Đặc biệt kể từ khi cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đưa vào sử dụng đã giúp nối dài những chuyến đi của du khách. Như trong dịp diễn ra Hội Mùa vàng 2022 (từ ngày 4-6/11/2022), Bình Liêu đã đón trên 21 nghìn du khách. Lũy kế từ đầu năm đến nay, lượng khách đến Bình Liêu đạt khoảng 100.000 lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 49 tỷ đồng.
Cần sự chuẩn bị dài hơi
Theo các chuyên gia nhận định, lượng khách đổ về các tuyến, điểm du lịch nằm dọc trên trục cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái được dự đoán là sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách “Zero COVID”. Tuy nhiên, có một thực tế, lượng khách đổ về các địa phương này đang tập trung vào một thời điểm nhất định. Điều này cũng đặt ra vấn đề cần phải có sự quản lý và các kế hoạch đầu tư dài hơi để đảm bảo chất lượng phục vụ du khách cũng như sự phát triển bền vững của du lịch trong tương lai.
Theo ông Phạm Ngọc Thuỷ - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, để khai thác hiệu quả lợi thế của tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, các địa phương có thể khai thác ngay thế mạnh bám trục cao tốc như Bình Liêu, Móng Cái cần tập trung cho công tác tuyên truyền, quảng bá; đa dạng về sản phẩm du lịch, gia tăng về số lượng và nâng cao chất lượng cơ sở dịch vụ đi kèm. Còn tại các địa phương như: Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ thì cần sự chuẩn bị dài hơi hơn cho các cơ sở lưu trú phục vụ du khách, sản phẩm du lịch mới, có đặc trưng vùng miền để thu hút du khách thay vì chỉ là các sản phẩm phục vụ khách dừng chân, hay sản phẩm ẩm thực, quà tặng cho khách du lịch.
Được biết, thời gian qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, du lịch Quảng Ninh đã có nhiều thay đổi, thích nghi nhanh chóng trong xây dựng sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, tìm kiếm và phát triển thị trường khách, mở ra không gian phát triển du lịch sôi động, khắc phục tính mùa vụ vốn là điểm yếu của ngành du lịch địa phương. Hiện các địa phương dọc tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái cùng các nhà đầu tư đang nắm bắt cơ hội, nghiên cứu, đầu tư sản phẩm du lịch mới. Từ đó, đưa trục cao tốc này trở thành “con đường du lịch”.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - Bí thư Huyện ủy Bình Liêu, thời gian vừa qua, huyện Bình Liêu đã tập trung thực hiện những giải pháp để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội, triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Địa phương cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch, tập trung khai thác hệ thống giao thông kết nối sau khi tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động cũng như hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện đã được đầu tư đồng bộ đến các tuyến điểm, để có thể kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh, từ đó giúp phát triển các tour du lịch đưa nhiều du khách đến Bình Liêu hơn.
Theo bà Hoàng Thị Cam - Chủ Homestay Hải Oanh (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh), phía homestay luôn tạo hoạt động giao lưu, trải nghiệm để du khách cùng tham gia với phương châm tạo cho du khách ngày nghỉ dưỡng thật thoái mái như về nhà, cùng với phục vụ tốt nhu cầu ăn nghỉ của du khách. Qua đó có thể giới thiệu nhiều hơn đến du khách về nét đẹp văn hóa truyền thống của Bình Liêu.
Còn theo ông Phạm Văn Hoài - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, Tiên Yên vốn được biết đến như một trung tâm luân chuyển của khách Trung Quốc và nội địa. Tuy nhiên, khi có đường cao tốc thì đa số khách đi thẳng Hạ Long - Móng Cái và ngược lại. Do vậy, địa phương đã sớm chủ động để có chiến lược thích ứng, tập trung phát triển các tiềm năng du lịch dọc tuyến, liên quan giữa việc kết nối cao tốc với trung tâm của huyện.
Có thể bạn quan tâm