Kinh tế địa phương

Khánh Hòa đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Tuấn Vỹ 25/07/2025 20:15

Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, là một cực tăng trưởng của khu vực và cả nước.

Mục tiêu thành phố trực thuộc Trung ương thứ 7

Thông tin tại Hội thảo “Khánh Hoà - Hiện thực hoá tầm nhìn thành phố trực thuộc trung ương và các bước đột phá trong kỷ nguyên mới” ngày 25/7, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay địa phương đang có nhiều điều kiện, động lực để phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua và tương lai gần sắp tới. Theo vị này, mục tiêu được ưu tiên trên hết của tỉnh Khánh Hòa là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 7 của cả nước vào năm 2030.

khanhhoa (2)
Hội thảo “Khánh Hoà - Hiện thực hoá tầm nhìn thành phố trực thuộc trung ương và các bước đột phá trong kỷ nguyên mới” tổ chức ngày 25/7.

Theo ông Nam, sau sắp xếp hành chính, tỉnh Khánh Hòa mới mở ra không gian phát triển rộng hơn, tiềm năng phát triển lớn hơn cho vùng đất được mệnh danh là “rừng trầm, biển yến”, tạo nhiều thuận lợi hơn cho địa phương. Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Khánh Hòa nói chung luôn đạt mức cao và tích cực (giai đoạn 2021 - 2025, tăng trưởng kinh tế bình quân tỉnh Khánh Hòa cũ ước đạt 8,2%; tăng trưởng kinh tế bình quân tỉnh Ninh Thuận cũ đạt 9,76%).

Cụ thể, quy mô nền kinh tế tăng từng bước bền vững, năm 2024 tính chung cả 2 tỉnh đạt trên 175.000 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng nhanh chóng được đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông với các tuyến đường bộ cao tốc, đường liên vùng, đường ven biển, các cảng biển nước sâu phục vụ xuất nhập khẩu, phát triển công nghiệp và hoạt động du lịch quốc tế… giúp thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương trong tỉnh, giữa Khánh Hòa với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế.

“Khánh Hòa hôm nay bước sang giai đoạn chuyển mình vào kỷ nguyên mới; sau sắp xếp, không gian phát triển của tỉnh được rộng mở, mạng lưới giao thông thuận lợi với đầy đủ loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không. Tỉnh có đường bờ biển dài hơn 490 km - dài nhất cả nước, diện tích mặt biển rộng với khoảng 200 đảo lớn, nhỏ, có nhiều cảng biển quốc tế nước sâu nhất cả nước, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh dài nhất trong số các tỉnh, thành phố; tương lai sẽ là tỉnh có nhiều sân bay nhất cả nước với 4 sân bay”, ông Nam thông tin.

Với những điều kiện trên, ông Nam tin tưởng rằng từ đây sẽ thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới hiệu quả, nhanh chóng. Vì vậy, địa phương đã chủ động rà soát, xây dựng lộ trình thực hiện các chỉ tiêu đáp ứng tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương.

7218676b686fe131b87e.jpg
Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay sau sắp xếp hành chính đã mở ra không gian phát triển rộng hơn, tiềm năng phát triển lớn hơn cho vùng đất được mệnh danh là “rừng trầm, biển yến”.

Để làm được việc đó, Khánh Hòa sẽ xác định rõ lộ trình, nhiệm vụ cụ thể; thống kê, đánh giá toàn diện các yếu tố, tiêu chí để có giải pháp tập trung thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm vào các tiêu chí chưa đạt,... giữ vững và hoàn thành ở mức cao hơn đối với các tiêu chí đã đạt được. Đặc biệt, địa phương cũng xác định tập trung mọi nguồn lực vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo phát triển xã hội hài hòa với bảo vệ môi trường, xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với thương hiệu điểm đến của một đô thị thông minh, năng động, đặc biệt là cải cách hành chính mạnh mẽ và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Giải pháp nào cho Khánh Hòa bứt phá?

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, việc sáp nhập giữa Ninh Thuận với Khánh Hoà, đã mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội cho địa phương phát triển các loại hình kinh tế gắn với biển. Cụ thể, tỉnh Khánh Hoà mới cần khai thác tiềm năng đa dạng sinh học, gắn với công tác bảo tồn, khai thác để phục vụ phát triển kinh tế.

829a3cd833dcba82e3cd.jpg
Quang cảnh Hội thảo.

Vị này cũng cho rằng, Khánh Hòa cần tiếp tục thể chế hóa, hiện thực hóa các quan điểm và tầm nhìn mới để lồng ghép vào quá trình điều chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, địa phương nên ưu tiên các lĩnh vực kinh tế biển là du lịch, cảng hàng hải - logistics, năng lượng tái tạo,nông nghiệp - thủy sản; quan tâm phát triển đô thị, khu kinh tế - công nghiệp, khoa học-công nghệ, chuyển đổi số,...

“Tỉnh cần tập trung đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực của tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; xác định các không gian phát triển đột phá cho kinh tế biển phù hợp với tự nhiên, thế mạnh của tỉnh theo cả cấu trúc dọc (khu vực các vịnh: Vân Phong, Cam Ranh, Vĩnh Hy, Cà Ná) và cấu trúc ngang (vùng ven biển, đảo với đặc khu Trường Sa). Trong đó, vùng ven biển là vùng động lực phát triển trọng điểm”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đề xuất.

Cùng trao đổi, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho hay tại Nghị quyết 198 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đã phân quyền rất nhiều cho HĐND, UBND các tỉnh, thành phố. Điển hình như giá đất, tiền thuê đất, Nghị quyết của Quốc hội đã cho phép địa phương thực hiện linh hoạt, địa phương hoàn toàn có thể chủ động thực hiện và tháo gỡ được nhiều vướng mắc.

Tương tự, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết thí điểm để Khánh Hòa tháo gỡ khó khăn cho các dự án gặp vướng mắc. Ông Hiếu cho rằng Khánh Hòa cần rà soát cụ thể xem còn bao nhiêu dự án đã và đang triển khai vướng mắc, nếu trong thẩm quyền địa phương thì tự tháo gỡ, còn nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất Chính phủ xem xét và có giải pháp tháo gỡ. Ngoài ra, Khánh Hòa cũng cần nâng cao chất lượng quy hoạch, thực tế và linh hoạt, cần tận dụng các cơ hội được mở ra để phát triển.

Theo các chuyên gia, Khánh Hoà sở hữu tài nguyên biển, du lịch, công nghiệp và dân số trẻ là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, sau sáp nhập được kết nối hệ sinh thái năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao của Ninh Thuận.

Vì vậy, địa phương cần chú trọng vào công tác chuyển đổi số trong quản trị, đầu tư hạ tầng số đồng đều giữa các khu vực,... Song song với đó, lãnh đạo địa phương cũng cần đổi mới tư duy quản trị, từ “quản lý hành chính” sang “dẫn dắt phát triển”, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm của mọi quyết sách,...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khánh Hòa đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO