Kinh tế địa phương

Khát vọng đưa Bến Tre phát triển nhanh, bền vững

Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến 21/09/2024 15:08

Phát triển về hướng Đông được xem là tư duy mang tính đột phá, dựa trên tiềm năng của địa phương.

Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định phát triển về hướng Đông là một trong những nhiệm vụ then chốt, đột phá của tỉnh Bến Tre trong giai đoạn hiện nay.

c Yen
Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến

Tiềm năng lớn

Tỉnh Bến Tre nằm cuối nguồn sông Cửu Long với chiều dài bờ biển trên 65km và vùng biển đặc quyền kinh tế gần 20.000km2 đã tạo lợi thế lớn trong phát triển kinh tế biển. Phát triển Bến Tre về hướng Đông là tất yếu, tạo động lực mới, không gian phát triển mới và phát triển toàn diện kinh tế - xã hội địa phương.

Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, vùng ven biển phía Đông của tỉnh (gồm huyện Ba Tri, huyện Bình Đại, huyện Thạnh Phú và không gian biển thuộc địa phận tỉnh Bến Tre) là vùng động lực phát triển của tỉnh, đột phá là các ngành kinh tế biển.

Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực: công nghiệp, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản theo hướng công nghệ cao; kinh tế hàng hải (vận tải biển); dịch vụ và du lịch; vui chơi giải trí, sân golf; phát triển khu, cụm công nghiệp; xây dựng các đô thị xanh, thông minh, bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Với mục tiêu "phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần Đồng khởi, ý chí, khát vọng vươn lên của người Bến Tre" trong giai đoạn mới, tỉnh Bến Tre đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, đột phá để phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL vào năm 2025, của cả nước vào năm 2030 và phát triển thịnh vượng năm 2050.

Đặc biệt, định hướng phát triển về hướng Đông sẽ mở ra không gian phát triển trên thực địa về hướng biển, tạo ra động lực mới để Bến Tre phát triển nhanh và bền vững.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

Thời gian qua, Bến Tre đã tận dụng và khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế khu vực biển, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của cả tỉnh. Trong đó, hướng đến nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, phát triển năng lượng sạch, du lịch biển...

Qua hơn 3 năm triển khai chủ trương phát triển về hướng Đông, tỉnh Bến Tre đã đạt những thành tựu, kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế thủy sản được quan tâm đầu tư, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định.

Diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao chiếm 3.363 ha (tăng 1.363 ha so với năm 2021), đạt 84.1% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 (4.000 ha). Giá trị sản xuất ngành chế biến thủy sản tăng từ 4.200 tỷ đồng năm 2021 lên 5.000 tỷ đồng vào năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản tăng từ 64,7 triệu USD năm 2021 lên 90 triệu USD vào năm 2023, chiếm trung bình hàng năm từ 5,13 - 5.88% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh...

Về năng lượng, với môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tỉnh đã thu hút 19 dự án điện gió với quy mô 1.007,7 MW. Đến nay, có 09 dự án đã triển khai thi công lắp đặt hoàn thành với công suất 365,9 MW, lũy kế tổng công suất đóng điện hòa lưới đến nay là 250,75 MW.

Ngoài ra, tỉnh có 1.543 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 71,148 MW được lắp đặt nối lưới phù hợp với cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh cũng đang chuẩn bị khởi công nhà máy sản xuất Hydro xanh. Tổng diện tích khoảng 22,7 ha, vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến và đoàn công tác khảo sát các tuyến đê trên địa bàn huyện Thạnh Phú.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến và đoàn công tác khảo sát các tuyến đê trên địa bàn huyện Thạnh Phú.

Về du lịch biển, hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội trên địa bàn 3 huyện biển từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp tạo thuận lợi cho việc tổ chức các lễ hội văn hóa, du lịch, các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng.

Giai đoạn 2021 - 2023, tổng lượt khách du lịch 3 huyện biển đạt khoảng 974.000 lượt, chiếm 26% so với tổng lượng khách của tỉnh; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.084 tỷ đồng, chiếm 20% so với tổng thu từ khách du lịch của tỉnh.

Đặc biệt, hệ thống hạ tầng xã hội tại 3 huyện ven biển từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp; các công trình, dự án giao thông trọng điểm kết nối phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông được khẩn trương triển khai. Các dự án xây dựng, mở rộng các cảng cá, cầu tàu, phát triển hạ tầng các KCN, CCN đang tiếp tục được thực hiện, hoàn thiện đưa vào sử dụng…

Trong thời gian tới, Bến Tre tiếp tục lan tỏa sâu rộng tinh thần thi đua “Đồng khởi mới” theo phương châm “Hai chân - Ba mũi” trên tất cả các lĩnh vực, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Bến Tre nhanh và bền vững, sớm đạt mục tiêu đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực và của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khát vọng đưa Bến Tre phát triển nhanh, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO