Khi marketing Việt “Rap Việt hóa”

HOÀNG PHI 10/01/2021 04:00

Với hơn 1 triệu lượt xem trực tiếp tập chung kết, Rap Việt là chương trình thành công nhất trong năm 2020.

Rất nhanh chóng, các doanh nghiệp đã tận dụng thành công xu hướng này, biến 2020 thành một năm của Rap. 

 MV ca nhạc của ứng dụng gọi đồ ăn BAEMIN hợp tác với Karik thu hút 32 triệu lượt xem.

MV ca nhạc của ứng dụng gọi đồ ăn BAEMIN hợp tác với Karik thu hút 32 triệu lượt xem.

Theo khảo sát của Novaon Communication vào tháng 09/2020, gần 83% câu trả lời cho rằng Rap là thể loại nhạc xu hướng năm 2020. Gần như ngay sau đó, Rap Việt và King of Rap được khởi chiếu như minh chứng cho khảo sát trên.

Sự bùng nổ “hậu Rap Việt”

Không chỉ liên tục đứng Top xu hướng trên youtube, xuất hiện trên các mặt báo, và phá kỷ lục về lượt xem trực tuyến, Rap và những nghệ sĩ Rap cũng là chủ đề thu hút mọi sự quan tâm sau khi hai chương trình kết thúc.

Lần đầu tiên những show trình diễn thời trang cao cấp lại trình diễn Rap, và khách mời không ai khác là hai con người bụi bặm và xăm trổ nhất - Dế Choắt và Wowy.

Lần đầu tiên các thương hiệu lớn làm MV (video ca nhạc) quảng cáo bằng Rap. Và hiệu ứng tạo ra có thể gọi là khổng lồ.

Có thể kể đến cái bắt tay giữa Ứng dụng gọi đồ ăn BAEMIN với Karik (32 triệu lượt xem), Ứng dụng thanh toán Momo và Binz (14 triệu lượt xem), Thương hiệu trang sức PNJ với MCK + TLinh (top 2 thịnh hành Youtube), Thương hiệu thời trang Juno và Hydra + Null (1.6 triệu lượt xem), Sàn thương mại điện tử Tiki với Hieuthuhai (1 triệu lượt xem) và với Lăng LD (5.8 triệu lượt xem), Durex với Yuno BigBoi (gần 1 triệu lượt xem), v.v.. Không khó để thấy các quảng cáo có nghệ sĩ Rap mỗi khi lướt Facebook hoặc Youtube.

Sàn thương mại điện tử Tiki với Hieuthuhai (1 triệu lượt xem)

Cái bắt tay của sàn thương mại điện tử Tiki với Hieuthuhai thu hút hơn 1 triệu lượt xem.

Dường như cả nền marketing Việt đều xoay quanh Rap vào nửa cuối 2020.

Trào lưu nhất thời?

Việc các doanh nghiệp đổ xô chạy theo xu hướng Rap là có thể hiểu sau sự thành công khủng khiếp của hai chương trình. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu trào lưu này có phát triển thành xu hướng lâu dài, hay chỉ là nhất thời. Cụ thể nhất là liệu Rap có còn ‘hot’ vào năm 2021?

Một luồng ý kiến cho rằng Rap và văn hoá Hip Hop là đại diện cho giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Z thể hiện được cái tôi cá nhân và quan điểm về cuộc sống của mình. Đây là lý do mà các doanh nghiệp có tệp khách hàng là giới trẻ đang cật lực làm việc với các đại diện thương hiệu là các Rapper.

Một luồng ý kiến khác cho rằng Rap chỉ là trào lưu nhất thời, bùng nổ do sự thành công của hai chương trình Rap Việt và King of Rap - thứ thu hút vì chỉ vì sự lạ lẫm giữa một năm Covid đầy bất an, và sẽ nhanh chóng nhạt dần trong 2021.

Nhưng dù có là trào lưu nhất thời hay xu hướng dài lâu thì chắc chắn Rap cũng có một phân khúc riêng cho mình, như cái cách nó đã du nhập và tồn tại ở Việt Nam 20 năm nay.

Nếu như cuối năm 2020 thì Rap mới tràn ngập trong MV quảng cáo của các thương hiệu lớn, thì từ nhiều năm trước đó, Rap đã luôn là ưu tiên cho MV quảng cáo trong lĩnh vực game - Liên minh huyền thoại và Liên quân, và lĩnh vực đồ uống có cồn - Beck's Ice với Beck'stage đình đám cuối năm ngoái, và Strongbow xuất hiện trong các MV Rap từ trước Rap Việt.

Điểm chung của những thương hiệu này là tập trung vào giới trẻ, phù hợp với chất nổi loạn, giải toả cảm xúc, và thể hiện cái tôi của Rap. Và cho dù Rap không còn nổi như hiện tại nữa, thì thể loại âm nhạc này vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu cho những thương hiệu ngách như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khi marketing Việt “Rap Việt hóa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO