Samsung vừa ký biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc để làm một loại tiền kỹ thuật số, có khả năng giao dịch ngoại tuyến giữa các thiết bị bằng công nghệ kết nối không dây tầm ngắn.
>>Giá chip giảm, Samsung thất thu nhất trong 14 năm
Samsung gọi đây là CBDC - Central Bank Digital Currency, tức là đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành. Mặc dù mang danh “kỹ thuật số”, nhưng loại tiền này có khả năng hoạt động “ngoại tuyến”, chuyển giao qua lại giữa những người sở hữu điện thoại hoặc đồng hồ thông minh Galaxy nhờ vào chip an toàn tích hợp trong các thiết bị này.
Theo thông tin từ Samsung, người dùng có thể thực hiện các khoản thanh toán giữa các thiết bị bằng công nghệ kết nối không dây tầm ngắn (near-field communication - NFC). Đây là công nghệ cho phép người dùng thanh toán ngay cả khi không có internet. Và dĩ nhiên công nghệ này sẽ được tích hợp vào điện thoại thông minh để tiến đến mục tiêu thanh toán không tiếp xúc. Samsung khẳng định mình đã phát triển một giải pháp áp dụng công nghệ NFC vào CBDC hồi năm ngoái.
Trong thông cáo báo chí hôm thứ 2 (15/5), Samsung tuyên bố sẽ cùng Ngân hàng Hàn Quốc tiếp tục “nghiên cứu cách giảm thiểu rủi ro liên quan đến thanh toán ngoại tuyến, nhằm đem đến các giao dịch đáng tin cậy trong tình huống thậm chí không có kết nối mạng.” Việc hợp tác với Ngân hàng Hàn Quốc cho phép Samsung áp dụng các cải tiến bảo mật tối tân vào lĩnh vực tiền kỹ thuật số.
Về phía ngân hàng trung ương, đại diện Ngân hàng Hàn Quốc bày tỏ niềm vui khi là ngân hàng trung ương đầu tiên phát triển công nghệ CBDC ngoại tuyến bằng màn kết hợp với Samsung. Biên bản Ghi nhớ sẽ giúp Hàn Quốc dẫn đầu trong CBDC ngoại tuyến, lĩnh vực mà các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu cũng rất chịu khó đầu tư khám phá.
Trên thực tế rất nhiều quốc gia, từ Trung Quốc đến Mỹ, đều đang tích cực nghiên cứu và thử nghiệm CBDC với hy vọng người tiêu dùng có thể giao dịch ngay lập tức dễ dàng hơn.
Chẳng hạn Trung Quốc đã tạo ra phiên bản kỹ thuật số của đồng nhân dân tệ và đang thử nghiệm CBDC tại nhiều thành phố. Còn Mỹ đang cân nhắc có nên triển khai phiên bản kỹ thuật số của đồng đôla hay không, cũng như cách thức hoạt động của nó.
Một số nhà bình luận đặt câu hỏi về tính thực tế của việc phát hành CBDC, với lý do hiện nay việc chuyển khoản đã rất dễ dàng với hàng loạt dịch vụ như ngân hàng trực tuyến hoặc ứng dụng chuyển tiền hay tiền điện tử.
Nhiều loại tiền kỹ thuật số do tư nhân phát triển cũng cho phép mọi người thanh toán gần như ngay lập tức. Tuy nhiên phần lớn các token như bitcoin đều rất dễ bốc hơi. Hoặc như Stablecoin, dù được quảng cáo là một giải pháp khả thi, thì vẫn phải nhận về sự cảnh giác từ chính phủ.
Dù sao đi nữa, không thể phủ nhận rằng các doanh nghiệp vẫn đang rất đau đầu về vấn đề thanh toán ngay lập tức. Bởi vì theo cách bố trí hệ thống ngân hàng hiện nay, có khi phải mất vài ngày thì tiền từ khách hàng mới vào tài khoản người bán. Và đó là những “nỗi đau” mà cả công ty tư nhân lẫn chính phủ mong muốn có thể giải quyết bằng công nghệ mới, chẳng hạn blockchain và tiền kỹ thuật số.
Có thể bạn quan tâm