Khi thương hiệu 'xịn' cũng tham gia... chế ảnh meme

Hải Vy 23/01/2020 06:30

Thế hệ trẻ đang dùng phần mềm chặn hết các loại banner quảng cáo xuất hiện trên mạng. Các nhãn hàng bắt đầu xoay xở tìm những vũ khí mới.

Các banner quảng cáo trên mạng đã không còn hiệu quả. Thế hệ trẻ đã dùng phần mềm chặn hết các loại banner quảng cáo xuất hiện trên mạng.

Việc quảng cáo thông qua bài đăng của người nổi tiếng (KOL) từng là một giải pháp hoàn hảo, nay cũng mất dần sức mạnh vì những bài đăng kiểu này đã nhan nhản trên mạng, thiếu đi tính đặc trưng, thậm chí còn ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của những người nổi tiếng và fan của họ.

Chính vì vậy, các nhãn hàng bắt đầu xoay xở tìm những vũ khí mới, và họ bắt đầu thử chuyển sang quảng cáo bằng meme.

Để hiểu rõ hơn về loại hình marketing mới mẻ này, trước tiên cần biết meme là gì. Trong thời đại Internet hiện nay, có thể hiểu meme đơn giản là những bức hình đại diện cho một tình huống, hay một cảm xúc cụ thể nào đó. Người ta có thể thêm bớt một vài chữ để biến bức hình trở thành tình huống biểu lộ cảm xúc của riêng mình.

Các meme nhìn có vẻ ngây ngô và hơi “trẻ con”. Nhưng các hãng lớn và rất “nghiêm túc” như Netflix, Uber hay JetBlue đã dùng mạnh meme để marketing trên nền tảng Instagram của mình. Họ sử dụng những dịch vụ chuyên tạo meme chuyên nghiệp như MyTherapistSays để tạo các hình ảnh mang tên cùng logo của chính họ để đăng lên mạng xã hội.

Mỗi chiến dịch meme marketing tiêu tốn khoảng 7.000 - 20.000 USD, bù lại các nhãn hàng có cơ hội gây sốt mạng xã hội và tiếp cận mạnh mẽ thế hệ trẻ.

Theo thống kê, các meme được đầu tư nghiêm túc có tỷ lệ tương tác khoảng 30% trên Facebook và Instagram, vượt xa tỷ lệ 1% -15% của các bài đăng của thương hiệu và những người có ảnh hưởng.

Thế mạnh của meme là tạo ra được một vẻ chân thực, dễ hiểu, có một giọng ‘teen’ và gần gũi hơn rất nhiều so với giọng văn thương hiệu. 

Sự hài hước làm tăng thêm giá trị giải trí, và theo định nghĩa, sự kết hợp của một hình ảnh bắt mắt, văn bản đơn giản kèm chú thích độc đáo được thiết kế để lưu lại trong não người xem một cách nhanh chóng và sâu sắc. Sau đó, người xem cảm thấy rằng mình phải chia sẻ điều này với bạn bè của họ, và từ đó, nội dung về thương hiệu có thể được lan truyền như virus.

Nhiều thương hiệu khổng lồ như Gucci, Universal cũng bắt đầu bắt tay vào làm meme để chia sẻ trên các trang mạng. Khi ngày càng nhiều công ty nhảy vào làm meme, vậy đâu là những kinh nghiệm để tạo ra một chiến dịch meme thành công?

Không khoe khoang

Một meme tốt là một meme không khoe khoang. Thay vào đó, người sáng tạo thường thiết kế meme với những ý nghĩ ‘đen tối’ một cách độc đáo mà vẫn nằm trong chuẩn mực của xã hội. 

Các thương hiệu cần hiểu rằng meme không phải là một bộ ảnh hoàn hảo của sản phẩm. Meme thông thường rất bình dị, đôi khi hơi ngớ ngẩn, chứa đầy những trò đùa thịnh hành và các nét văn hóa phổ thông.

Vì vậy, điều quan trọng để khiến một meme gây sốt là phải tìm đúng chủ đề. Thông thường, những chủ đề này nên là sự thật hơi đen tối, hơi ‘khuất’, không dễ nói ra. Meme của bạn phải tạo được sự trấn an cho khách hàng, để những người xem cảm nhận rằng các thương hiệu (thông qua meme) vẫn luôn đồng hành cùng họ.

Thể hiện những điều tốt

Không phải thương hiệu nào cũng muốn gây tiếng cười thông qua các meme. Và Uber là ví dụ điển hình. Sau những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng uy tín, Uber tập trung quảng cáo và trấn an người tiêu dùng về sự an toàn khi dùng chung phương tiện với người lạ. Chính vì vậy, nội dung những bài đăng trên Instagram của họ có xu hướng ấm áp, vui vẻ hơn. Trong khi đó, Twitter là nơi họ đăng tải những đoạn đối thoại và các tương tác thật với những tài xế đã gắn bó lâu dài cùng Uber.

Từ ví dụ của Uber, các thương hiệu nên hiểu rằng nếu sự hài hước không đem lại hiệu quả cho các chiến dịch quảng cáo, thì hãy chuyển hướng đến những nội dung khác như giúp đỡ người khác, tự chăm sóc bản thân hoặc thay đổi xã hội theo chiều hướng tốt đẹp.

Lưu ý bản quyền

Các meme trên mạng thường liên quan đến những hình ảnh và câu chuyện gây cười. Trên khắp các ngõ ngách của Internet, những meme ra đời liên tục và thông thường không bị đòi hỏi quá nhiều về quyền sở hữu.

Tuy nhiên meme trong chiến dịch quảng cáo của các thương hiệu lại là một câu chuyện khác. Chẳng hạn, nếu sử dụng hình ảnh người nổi tiếng trong meme quảng cáo, thì nhãn hiệu cần đảm bảo đã được sự cho phép của họ, đồng thời phải trả một khoản phí công khai cho những người nổi tiếng này. Điều tương tự cũng nên được thực hiện khi meme xuất phát từ một lời bài hát hoặc một câu thoại phim nổi tiếng nào đó.

Vậy nên, với meme marketing, mối nguy hiểm lớn nhất không phải vấn đề danh tiếng, mà chính là vấn đề bản quyền và pháp luật. 

Nói một cách ngắn gọn, meme hiện đang nổi lên thành một trong những kênh quảng cáo có sức ảnh hưởng nhất đến giới trẻ. Nếu một meme đơn giản như người nội trợ hét vào mặt con mèo đã và đang gây sốt cộng đồng mạng, thì hãy tin rằng thương hiệu của bạn cũng sẽ có thể gây sốt tương tự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khi thương hiệu 'xịn' cũng tham gia... chế ảnh meme
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO