Sản xuất thép cuộn cán nóng của Việt Nam đang vô cùng áp lực bởi hàng giá rẻ từ nước ngoài tràn vào, thì nay tiếp tục đối diện với nguy cơ sẽ bị Ủy ban châu Âu kiện điều tra chống bán phá giá…
>>Ngành thép Việt “đỏ mắt” chờ một “sân chơi” bình đẳng
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa phát thông tin cảnh báo sớm về việc Ủy ban Châu Âu đã nhận được Hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, trong trường hợp khởi xướng điều tra vụ việc, Ủy ban Châu Âu sẽ gửi cho các bên liên quan các tài liệu gồm Đơn yêu cầu, Quyết định khởi xướng điều tra và Bản câu hỏi điều tra. Trước nguy cơ đối diện với cuộc điều tra, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị yêu cầu điều tra theo dõi vụ việc và có phương án ứng phó phù hợp.
Điều đáng nói, sự việc xảy ra trong bối cảnh, sản phẩm thép HRC sản xuất trong nước cũng đang phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu nước ngoài nghi bán phá giá trên thị trường Việt Nam. Bởi lẽ, mới đây, Bộ Công Thương đã quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Quyết định này khởi nguồn từ việc sau khi xem xét đơn yêu cầu từ các nhà sản xuất thép HRC trong nước là Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh cùng ý kiến của các doanh nghiệp liên quan.
Động thái này được các chuyên gia trong ngành đánh giá là cần thiết và kịp thời nhằm bảo vệ sản xuất trong nước theo đúng các quy định pháp luật. Bởi hầu hết các quốc gia đều đã áp dụng biện pháp phòng vệ đối với thép cán nóng nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước. Điển hình như lượng sản xuất của Thái Lan, Indonesia chỉ đáp ứng lần lượt là 43% và 65% nhu cầu tiêu thụ nhưng từ năm 2019, hai quốc gia này đã áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc bên cạnh thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đang duy trì.
>>Kiến nghị dựng “hàng rào kỹ thuật” để bảo vệ ngành thép: Chuyên gia nói gì?
Bình luận về nội dung này, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, sản phẩm thép nói chung và HRC nói riêng đều được các nước bảo vệ sản xuất trong nước một cách nghiêm ngặt. Nếu thống kê các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá thì hình thức này áp dụng cho sản phẩm thép là nhiều nhất và diễn ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt đối với sản phẩm thép xuất xứ từ Trung Quốc vốn được đánh giá là nơi có sản lượng lớn hàng đầu thế giới và giá thấp thì các quốc gia càng cảnh giác hơn.
Cũng theo vị chuyên gia này, thép vốn được ví von là "bánh mì" của ngành công nghiệp nên các quốc gia đều có chính sách phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động đảm bảo an ninh cho ngành công nghiệp trọng điểm của nền kinh tế. Bởi vậy chỉ cần có dấu hiệu gia tăng lượng nhập khẩu với giá thấp hơn là họ sẽ tiến hành điều tra ngay.
“Điều này như "đánh động" và cảnh báo các đơn vị sản xuất cũng như nhập khẩu. Bởi nếu không, các doanh nghiệp sản xuất thép HRC trong nước lại càng khó khăn gấp bội khi vừa phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ ngay tại thị trường nội địa vừa phải đối diện với những hàng rào bảo vệ khi xuất khẩu”, ông Ngô Trí Long nói.
Đồng quan điểm, PGS-TS Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng cho rằng, sản phẩm thép HRC của Việt Nam nhập vào châu Âu chỉ gần đây và số lượng còn ít. Thế nhưng các doanh nghiệp sở tại đã yêu cầu điều tra chống bán phá giá như một kiểu phòng vệ từ xa mà không đợi đến số lượng tăng nhiều.
“Như vậy Việt Nam mở cuộc điều tra chống bán phá giá với thép HRC nhập khẩu là hoàn toàn hợp lý, đặc biệt khi sản phẩm nước ngoài lại tràn vào nhiều hơn cả sản xuất trong nước”, PGS-TS Phan Đăng Tuất chia sẻ.
Như đã thông tin, liên quan đến vụ việc này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát và nắm bắt tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng trong thời gian qua. Theo đó Bộ Công Thương cần thực hiện các biện pháp phù hợp theo thẩm quyền, quy định pháp luật, nhằm bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất trong nước, tuân thủ thông lệ quốc tế và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia đã áp dụng biện pháp phòng vệ với thép cán nóng Trung Quốc. Lượng sản xuất của Thái Lan, Indonesia chỉ đáp ứng lần lượt là 43% và 65% nhu cầu tiêu thụ mà từ năm 2019 hai quốc gia này đã có thuế chống bán phá giá bên cạnh thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đang duy trì.
Trong khi đó, hiện nay năng lực sản xuất HRC của Việt Nam đã đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ (8,5/12 triệu tấn) và hiện nay không có thuế nhập khẩu MFN và chưa có hàng rào thuế quan nào khác để bảo vệ sản xuất trong nước. Chính điều này đã khiến Việt Nam trở thành chỗ trũng cho hàng nhập khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Ngành thép Việt “đỏ mắt” chờ một “sân chơi” bình đẳng
03:40, 06/07/2024
Gỡ khó cho ngành Thép: Cần thiết áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại
04:00, 13/07/2024
Cần sớm xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành thép trong nước
03:00, 14/07/2023
Giải pháp nào bảo vệ ngành thép trong nước?
03:00, 09/07/2023
Khó khăn “bủa vây” ngành thép
11:00, 21/10/2022
"Cơn địa chấn" cho ngành thép Việt
16:10, 03/07/2019