Khó khăn về chính sách mới là vấn đề lớn, thậm chí lớn hơn cả khó khăn về thị trường đối với doanh nghiệp hiện nay.
>>Giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô trong năm 2023
Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh tại cuộc Tọa đàm đối thoại chính sách “Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện mới” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức, ngày 11/7.
Theo Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn, cái khó của Việt Nam là mục tiêu chính sách thì rất ủng hộ và hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự chia sẻ hay hành động của các cơ quan liên quan lại chưa đồng thuận với nhau.
Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn dẫn chứng về chỉ đạo hỗ trợ vốn hay hạ lãi suất cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước rất “vất vả” với các mục tiêu này trong quá trình điều hành. Nhưng thời gian gần đây, lại có tình trạng doanh nghiệp bị nợ đọng không hoàn được thuế VAT.
“Tôi có nhận được tin nhắn phản ánh của một doanh nghiệp xuất khẩu trung bình khoảng 420 tỷ đồng/tháng. Nhưng trong mấy tháng vừa qua đã phải “ngừng” xuất khẩu vì không hoàn được thuế”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho rằng, doanh nghiệp đang khó khăn về vốn thì nay lại bị “đọng” vốn vì không được hoàn thuế. Điều này cho thấy, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn hay hạ lãi suất còn đang rất vướng.
Ông Tuấn nêu ví dụ khác, tại một cuộc hội thảo về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã có doanh nghiệp nói “chua chát” rằng, trong thời điểm này đáng ra phải thảo luận các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp về việc giảm thuế, thì lại “ngồi” thảo luận “đừng” bổ sung ngành của “tôi” vào diện tăng thuế.
Một mặt chúng ta đang dành rất nhiều thời gian và công sức để giảm 2% VAT, mặt khác thuế tiêu thụ đặc biệt lại bổ sung rất nhiều ngành hàng vào diện bị “đánh” thuế. Nhiều doanh nghiệp đã phản ứng chính sách như vậy là bất nhất và không hợp lý.
Vẫn theo ông Tuấn, có nhiều ngành hàng như game online-đây là ngành hàng công nghiệp số và chúng ta đang chuẩn bị có luật về công nghiệp số. Hiện nay trên thế giới không có nước nào đánh thuế game online, thậm chí có một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc có hẳn một chương trình đặc biệt để khuyến khích game online.
Vì, game online không phải chỉ dành cho trẻ em chơi mà còn có rất nhiều tương tác, thậm chí là công nghệ tương lai ứng dụng vào đấy. Việt Nam có lợi thế về lĩnh vực này nhưng lại dự kiến sẽ đánh thuế game online.
Có nhiều doanh nghiệp ngành hàng cho rằng, chỉ cần thảo luận như vậy thì đã có rất nhiều doanh nghiệp trẻ Việt Nam “lặng lẽ” đi ra nước ngoài để thành lập doanh nghiệp. Việc thảo luận chính sách như vậy, theo ông Tuấn sẽ rất ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang nói nhiều đến việc tăng chi phí gây khó khăn cạnh tranh của doanh nghiệp. Về vấn đề này, ông Tuấn đánh giá hiện nay có nhiều chi phí bị “chồng lấn”.
>>Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống
>>Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu
Đơn cử, có một số ngành hàng vừa bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến chi phí tăng cao, nhưng chúng ta lại đang bắt đầu lộ trình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện trách nhiệm về phí tái chế.
Điều này sẽ làm cho “phí chồng phí”, và nếu theo lộ trình như vậy thì sẽ có rất nhiều ngành hàng ở Việt Nam khó cạnh tranh. Từ đó, ông Tuấn cho rằng vấn đề cộng đồng doanh nghiệp đang quan tâm nhất hiện nay là giải pháp cải cách thể chế.
Tuy nhiên, dường như lãnh đạo đang nói nhiều về mục tiêu chính sách, còn cách thức cải cách, cải cách những lĩnh vực nào, trách nhiệm các bộ, ngành ra sao, những lộ trình nào cần phải giảm thì lại ít được đưa ra thảo luận, mà chủ yếu thảo luận về mục tiêu cần phải đạt được.
PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bình luận, đây là thời điểm đặc biệt khó khăn, nhưng là cơ hội để chúng ta nhận diện đúng hơn cấu trúc kinh tế Việt Nam hiện nay đang có vấn đề rất nghiêm trọng ở khía cạnh nền kinh tế dựa vào lao động giá rẻ.
Do đó, thời điểm hiện nay là một cơ hội để chúng ta xoay chuyển tất cả những vấn đề thuộc về cấu trúc nền kinh tế, như cơ cấu kinh tế thực, quan hệ giữa nội lực với ngoại lực và thể chế.
“Đây không phải là lúc cơi nới chính sách mà cần phải có những giải pháp khác thường, đi sâu vào cấu trúc thể chế và cần nhìn thẳng thắn nền kinh tế đang bị tổn thương đến mức nếu cứ “ỡm ờ” với nhau thì sẽ không giải quyết được vấn đề”, PGS. TS Trần Đình Thiên bày tỏ.
Kết luận phiên thảo luận, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nhận thấy có 3 vấn đề nổi lên được các đại biểu quan tâm, phân tích.
Thứ nhất, mối quan hệ giữa tổng cầu với tăng trưởng luôn được đề cập trong thời gian vừa qua. Nhưng qua 6 tháng đầu năm 2023 cho chúng ta thấy rõ vai trò thực sự của tổng cầu với tăng trưởng như thế nào.
Trong khi các nguồn lực đầu vào của sản xuất 6 tháng năm 2023 tốt hơn rất nhiều so với năm cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế lại không tăng vì mất cân đối tổng cầu. Qua đây cho chúng ta thấy, tái cấu trúc không chỉ ở khâu sản xuất mà còn cả ở tổng cầu.
Thứ hai, với 4 yếu tố của tổng cầu thì có 3 ở trong nước như cầu chính phủ tăng hơn 38% tổng vốn đầu tư tăng thêm, tốc độ giải ngân tăng hơn năm 2022 khoảng 15%. Cầu tiêu dùng người dân năm 2023 được mở hoàn toàn về cầu của người dân.
Cầu về đầu tư doanh nghiệp, năm 2023 tất cả những nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp đều đã được Chính phủ thực hiện. Đơn cử, ngân hàng 4 lần giảm lãi suất cho vay, nguồn vốn dành cho doanh nghiệp không thiếu, thậm chí dư thừa.
Tuy nhiên, có một vấn đề là doanh nghiệp rất sẵn sàng đầu tư nhưng lại không đầu tư được, 3 khu vực cầu trong nước luôn sẵn sàng nhưng không phát huy được tác dụng. Chỉ có cầu thứ tư là xuất nhập khẩu và cán cân thương mại bị suy giảm thì lập tức kéo theo 3 khu vực cầu trên bị đình trệ.
“Như vậy, vấn đề đặt ra lúc này là phải xem xét lại tái cấu trúc nền kinh tế. Phải chăng, nền kinh tế Việt Nam đang bị lệ thuộc và bị chi phối từ các yếu tố bên ngoài”, GS.TS Hoàng Văn Cường nói.
Tái cấu trúc nền kinh tế chúng ta đã nói cách đây 2 nhiệm kỳ, nhưng thời điểm này xem xét lại thì thấy chưa đạt mục tiêu. Đây là vấn đề cần được nhìn nhận lại một cách thấu đáo.
Thứ ba, chính sách tài chính, tiền tệ. Có nhiều ý kiến cho rằng phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ một cách linh hoạt chứ không phải “phóng tay” vì đang còn rất nhiều rủi ro có thể xảy ra.
Trong 2 năm qua, nhiều kiến nghị cho rằng cần phải mở rộng chính sách tài khoá và sử dụng chiến lược tài khoá ngược chu kỳ. Thực tế, chúng ta cũng đã thực hiện nhưng có thể kết quả chưa đạt đến giới hạn để phát huy hiệu quả của chính sách này.
Như vậy, có thể chúng ta cũng sẽ phải tái cấu trúc lại vấn đề đầu tư công, tái cấu trúc lại các chính sách tài khoá để thực sự phát huy được hết hiệu quả.
Tái cấu trúc ở đây không chỉ dừng lại ở việc phân bổ giữa đầu tư trung ương với địa phương để tập trung nguồn vốn đầu tư, mà phải suy nghĩ đến chính sách tài khoá của Chính phủ hỗ trợ cho việc tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc lại tổng cầu và tổng cung để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển mạnh hơn.
Có thể bạn quan tâm
17:41, 28/05/2023
19:55, 20/04/2023
11:01, 29/03/2023
14:37, 19/12/2022