Các công ty tài chính tiêu dùng đã đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng cho hàng triệu khách hàng trên cả nước, đa phần là sinh viên và người lao động nhưng đi kèm là một số rủi ro.
>>>Cho vay tiêu dùng hút khách, vì sao?
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho vay tiêu dùng với tổng dư nợ đạt trên 220 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống. Dù tỉ lệ còn nhỏ song đã có khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người.
Thông tin tại tọa đàm "Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam", Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng Lê Quốc Ninh cho biết, thời gian gần đây, cho vay tiêu dùng đang gặp nhiều thách thức khi tỉ lệ nợ xấu tăng cao trong khi chế tài với khách hàng vay không trả chưa được thực thi nghiêm túc.
Thêm vào đó, gần đây xảy ra hiện tượng "rủ nhau" bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ "khủng bố", đòi nợ phản cảm nở rộ, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các công ty tài chính.
Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng, đến hết quý I năm nay, tốc độ tăng trưởng dư nợ so với tháng 12/2022 bị giảm (-3,8%), nợ xấu tăng cao và có nguy cơ ngày càng tăng.
Về hiện tượng này, Luật sư Phạm Văn Phất đồng quan điểm cho biết: có hiện tượng kêu gọi, lập nhóm lớn để “bùng" nợ. Đây là hành vi cần xử lý nghiêm song theo Luật sư Phạm Văn Phất, việc xử lý đang gặp khó, kể cả với giải pháp khởi kiện ra toà. Theo Luật sư, món nợ dưới 100 triệu, nhiều chủ nợ rất ngại đem ra toà do thời gian xét xử có thể kéo dài hàng năm, thậm chí lên đến 2-3 năm. Cá biệt có vụ kéo dài đến 9 năm.
Đề cập về các giải pháp thu hồi nợ, theo đại diện một số doanh nghiệp, các nước kiểm soát thu hồi nợ rất chặt chẽ, nhiều nơi còn có luật riêng về thu hồi nợ. Còn ở Việt Nam, hoạt động thu hồi nợ đặt ngoài vòng pháp luật nên phát sinh rất nhiều vấn đề.
Theo PGS.TS Hoàng Xuân Quế - Viện trưởng Viện Tài chính ngân hàng (trường Đại học Kinh tế quốc dân) pháp luật không cấm đòi nợ, chỉ cấm hình thức đòi nợ không hợp pháp như khủng bố, xã hội đen. Do vậy, cần thiết phải có sự tham gia của cơ quan nhà nước, hệ thống pháp luật phải đồng bộ từ việc xử lý nợ, có chế tài rõ ràng việc thi hành án các trường hợp “bùng nợ”.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Đức - Phó Tổng Giám đốc công ty Tài chính TNHH HD SAISON - cho rằng cần hành lang pháp lý để người đi vay phải có trách nhiệm với khoản nợ của mình. Ngoài khởi kiện, nên có các có chế tài khác như có thông tin tích hợp với chứng minh thư hay thẻ căn cước để giảm điểm uy tín của công dân với hành vi vay mà không trả nợ, hạn chế sử dụng dịch vụ công, đi du lịch...
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Chính phủ đã nhận thức rất sâu sắc khi thiết kế Chiến lược phát triển tài chính toàn diện tầm nhìn đến 2025 và định hướng đến 2030 với nhiệm vụ chính là đảm bảo công bằng, toàn diện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cả người đi vay và cho vay. Vấn đề lớn nhất hiện nay là thi hành như thế nào.
Có 3 vấn đề nổi lên: thứ nhất là thiếu khung pháp lý; thứ 2 là thực thi, nếu thực thi có hiệu quả quy định hiện hành đã giải quyết được phần lớn hiện trạng; thứ 3 là sự công bằng - một môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả cho các chủ thể khác nhau (tổ chức tín dụng, công ty tài chính và các tổ chức khác), cần môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch.
Cho rằng về lâu dài có thể hướng đến đạo luật hoặc quy định riêng cho lĩnh vực đòi nợ, song theo ông Phan Đức Hiếu, để hoàn thành một đạo luật riêng cần nhiều thời gian từ làm rõ sự cần thiết đến xét tính khả thi. “Tôi chỉ mong muốn rằng trong thời gian tới, trong giải pháp ngắn hạn chúng ta đang rà soát, sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng. Trong dự thảo Luật đang trình Quốc hội có 2 quy định liên quan về công ty tài chính và xử lý nợ xấu” – ông Phan Đức Hiếu cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Cho vay tiêu dùng “trợ lực” phục hồi thị trường nội địa
16:00, 08/10/2020
"Ông lớn" nào đang dẫn đầu cho vay tiêu dùng ở Việt Nam?
15:15, 04/03/2020
Thông tư 18/2019/TT-NHNN tác động thế nào đến cho vay tiêu dùng?
05:00, 04/03/2020
"Đề nghị Ngân hàng Nhà nước lập chuyên trang về hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính"
06:06, 07/05/2019
SeaBank cho vay tiêu dùng tín chấp lên tới 500 triệu đồng
15:03, 18/04/2019
Grab “lấn sân” cho vay tiêu dùng: Sức ép cạnh tranh lên ngân hàng truyền thống
11:30, 27/03/2019
Cảnh báo tư vấn cho vay tiêu dùng qua facebook, điện thoại để chiếm đoạt tiền
04:13, 27/07/2018