Chúng ta đang gặp khó khăn từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện Luật Khoáng sản và Nghị định số 203/2013/NĐ-CP.
ĐBQH Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) đồng thời là Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết tại phiên thảo luận cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, ngày 1/11.
Theo ông Chuẩn, về phía doanh nghiệp, việc tính thời gian, mức tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ ngày 1/7/2011 nhưng đến cuối năm 2013 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 20/1/2014 thì rất khó khả thi. Vì từ năm 2011, 2012, 2013 các doanh nghiệp đã được hạch toán kinh tế, đã được phân bổ lợi nhuận và công khai tài chính.
Khó hồi tố
Bây giờ hồi tố thì phải hồi tố từ sau năm 2014, nhưng quy định pháp luật lại không có cơ sở pháp lý để thu tiền thu nhập doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2011-2013 đang thực hiện tái cơ cấu. Ví dụ, Vinacomin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thực hiện cổ phần hóa có nhiều doanh nghiệp còn tồn tại, có nhiều doanh nghiệp sáp nhập lại. “Đây là điều doanh nghiệp chúng tôi băn khoăn”, ông Chuẩn nói.
Có thể bạn quan tâm
16:49, 01/11/2019
10:44, 31/10/2019
16:22, 30/10/2019
Bên cạnh đó, từ 1/1/2016 thực hiện theo Nghị quyết Quốc hội thu thuế khoáng sản tăng rất nhanh. Hiện nay 1 tấn than kể cả VAT, Vinacomin tiêu thụ trong nội địa chỉ tính riêng thuế, phí, trong đó có tiền khai thác khoảng sản chiếm 26%.
Như vậy, nếu hồi tố thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là vấn đề tái đầu tư để phát triển. Để thực hiện đúng nội dung và bản chất của vấn đề, tránh sự hiểu lầm lùi thời gian thu tiền đồng nghĩa với việc là tạm hoãn thu tiền, sau này có thể truy thu, ông Chuẩn đề xuất sửa lại cụm từ “lùi thời gian thu tiền cấp quyền” thành “lùi thời điểm bắt đầu tính tiền cấp quyền”.
Theo đó, thời điểm bắt đầu tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ không được tính từ ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực mà sẽ được xác định tại thời điểm như quy định tại Nghị định 67/2019 của Chính phủ, thay thế Nghị định 203 và Nghị định số 82/2017/NĐ-CP.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, không nên dùng khái niệm “miễn” mà nên quy định không thu tiền khoản này. Qua tiếp cận việc khai thác khoáng sản, ông Nhưỡng nhận thấy không hoàn toàn dễ dàng, và đơn giản là chỉ việc đào lên là bán. Tất cả đều phụ thuộc vào các hình thế khác nhau và bản thân ông Nhưỡng cũng đã tiếp cận với doanh nghiệp khai thác khoáng sản, từ phía Nam ra phía Bắc, họ chi 100 tỷ đồng chỉ làm đúng một con đường lên núi, sau đó phải bỏ vì đánh giá trữ lượng và xem xét sản lượng là cả một vấn đề.
Vẫn theo ông Nhưỡng, cần lưu ý rằng tiền cấp quyền khai thác bản chất là một loại thuế để được vào khai thác. Chúng ta muốn dùng vấn đề này để thúc đẩy doanh nghiệp phải khai thác, không được kéo dài, không được đầu cơ nhưng khai thác thì trữ lượng và sản lượng hoàn toàn khác nhau. Sản lượng hoàn toàn khác với đánh giá ban đầu của các nhà địa chất: “Tôi mới chứng kiến doanh nghiệp phải tháo bỏ toàn bộ công nghệ chỉ vì một động tác công nghệ sai. Bỏ đi cả trăm tỷ đồng như vậy thì doanh nghiệp lấy tiền đâu để nộp tiền cấp quyền khai thác, do đó khoản thuế này cần phải được xem xét”, ông Nhưỡng bày tỏ.
Còn theo ĐBQH Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng), đây là vấn đề mới cần phải đánh giá toàn diện những hệ lụy và trách nhiệm của các bên có liên quan, do đó có thể chuyển sang xem xét và quyết định tại kỳ họp thứ chín giữa năm 2020, bằng một nghị quyết riêng mà không nhất thiết phải lồng ghép vào một nghị quyết của kỳ họp Quốc hội.
Khó thu vì chưa có phương pháp tính
Khẳng định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định tại Luật Khoáng sản là chính sách hết sức đúng đắn. Việc trong thời gian đầu thực thi luật chưa thu được khoản tiền cấp quyền khai thác, theo ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) là do khâu tổ chức thi hành. Cụ thể là do Chính phủ chưa kịp ban hành nghị định quy định chi tiết về phương pháp tính, mức thu cụ thể nên không thể tính toán thu khoản tiền này được.
Do đó, ông Thành tán thành với đề xuất của Chính phủ không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong giai đoạn này đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, về phương diện pháp lý, không nên đặt vấn đề lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Bởi việc lùi thời gian thực hiện quy định của pháp luật chỉ đặt ra khi quy định đó chưa có hiệu lực pháp luật, không thể lùi thời gian thực hiện quy định của pháp luật khi quy định đó đã có hiệu lực từ rất lâu.
Mặt khác, việc quy định như Chính phủ đề xuất về bản chất là sửa đổi, bổ sung văn bản luật này, tuy nhiên việc sửa đổi, bổ sung luật chỉ đặt ra khi quy định của luật sai, không đáp ứng được hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, nhưng trong trường hợp này, quy định của luật là đúng đắn và phù hợp.
Với những phân tích nêu trên, ông Thành đề nghị Quốc hội thay vì "cho lùi" chuyển thành "cho miễn”. Việc quyết định cho miễn khoản nộp này không những thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với bất cập xảy ra do lỗi từ bộ máy của mình mà còn là sự chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Điều quan trọng hơn là bảo đảm cho quyết định của Quốc hội có đầy đủ cơ sở pháp lý vững chắc, bảo đảm hiệu lực thực thi của đạo luật, đồng thời vẫn giữ vững được tính toàn vẹn của luật này không phải sửa đổi, bổ sung.