Khó tiếp cận gói hỗ trợ tài chính

NGUYỄN VIỆT thực hiện 07/06/2022 13:00

Cho đến nay, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang bị chậm.

>> Phó Thống đốc NHNN: Chưa bao giờ phát ngôn “siết” hay “cắt” tín dụng vào bất động sản

Vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được chính sách này.

Chia sẻ với DĐDN, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết, Nghị quyết 43/2022 đã có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Đây là sự phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Tuy nhiên, việc mong mỏi Nghị quyết 43 sớm đi vào cuộc sống chưa như kỳ vọng của cử tri và doanh nghiệp. Trong khi, giá cả nguyên, nhiên vật liệu đầu vào trên thế giới tăng cao, nguy cơ “nhập khẩu lạm phát” cũng là vấn đề nóng dự kiến nằm trong chương trình chất vấn của Quốc hội sắp diễn ra.

- Theo ông nguyên nhân nào dẫn đến sự chậm trễ này?

Nguyên nhân thì tôi chưa có đầy đủ thông tin, và đây là một trong những lý do được các đại biểu Quốc hội đặt ra, với mong muốn qua chất vấn, Ngân hàng nhà nước sẽ làm rõ hơn thông tin.

Bởi vì, điều này sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Một là, bố trí nguồn vốn từ Chính phủ, Bộ Tài chính đã kịp thời và xác định rõ nguồn lực và giao vốn được chưa?

Hai là, xác định đúng tiêu chí đối tượng, quy trình, trình tự thủ tục để kiểm soát… Vì trong một khâu, một công đoạn trong quá trình này chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, như vậy sẽ gây ra sự chậm trễ.

Thứ ba, có thể có yếu tố từ điều hành vĩ mô. Vì giá cả thị trường thế giới hiện nay đang tăng rất cao. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có nhận định về vấn đề “nhập khẩu lạm phát”. Nguy cơ lạm phát từ trong nội tại nền kinh tế không nhiều, nguy cơ lớn nhất là do yếu tố tác động của giá cả thị trường thế giới.

Như vậy, những vấn đề điều hành vĩ mô làm sao phải kiềm chế được lạm phát trong giới hạn cho phép của Quốc hội là không vượt quá 4%.

Trước sức nóng “nhập khẩu lạm phát”, các cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán, cân nhắc, xác định việc cung tiền ra thị trường ở mức và thời điểm phù hợp để không tạo hiệu ứng “kích thích” lạm phát tăng cao hơn, vượt quá điều hành vĩ mô.

 Chưa có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được với chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội

Chưa có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được với chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội

- Cả doanh nghiệp và ngân hàng đều đang chịu sức ép về tài chính và nợ xấu, thưa ông?

Covid-19 đã gây ra sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp hiện nay đang bước vào giai đoạn phục hồi, nhưng các khoản nợ ngân hàng có “nguy cơ” trở thành nợ xấu, không đủ điều kiện vay vốn để tái khởi động lại sản xuất. Như vậy, chính sách hỗ trợ lãi suất là một trong những chính sách giúp cho doanh nghiệp bớt đi phần nào khó khăn.

Tuy nhiên, đầu vào của nguyên, nhiên vật liệu từ thị trường thế giới tăng cao đã tác động trực tiếp đến giá thành sản xuất, làm ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải chịu tác động đầu tiên.
Do đó, doanh nghiệp cần tính toán, điều hành sản xuất kinh doanh để vượt qua thách thức. Đây cũng là bài toán rất khó, nhưng chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh, những doanh nghiệp còn tồn tại đến thời điểm này và bắt đầu phục hồi là rất bản lĩnh và có năng lực.

- Ông có kiến nghị gì đến các thành viên Chính phủ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tới đây?

Thứ nhất, Chính phủ phải giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt kiểm soát được lạm phát và giá cả. Nếu có biến động thì vẫn trong biên độ phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng.

Thứ hai, phải sớm đưa các giải pháp hiệu quả để Nghị quyết 43 đi vào cuộc sống.

Thực tế, có rất nhiều chính sách chúng ta đề ra tốt nhưng triển khai rất chậm. Và chỉ khi các chính sách đi vào thực tế thì mới tạo ra sinh lực thực tế. Trước đây, việc ban hành chính sách hỗ trợ như một sự động viên, khích lệ tinh thần, tăng thêm “năng lượng” bởi yếu tố tiềm năng trong tương lai.

Còn bây giờ phải đưa các niềm hy vọng đó trở thành hiện thực, xây dựng sao cho sát, đúng, trúng và đặc biệt triển khai thực sự. Ngoài ra, chúng ta phải làm sao hạn chế được những yếu tố bên ngoài như “nhập khẩu lạm phát” tác động.

- Trân trọng cảm ơn ông!

ĐBQH Trịnh Xuân An - (Đoàn Đồng Nai):

Chính phủ cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ trong Nghị quyết 43/2022/QH15, các chính sách, chủ trương lớn của Nghị quyết đang được triển khai rất chậm. Công tác giải ngân, hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động của đại dịch Covid-19 chưa được thực hiện hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai các thủ tục hành chính, bỏ những thủ tục rườm rà, nội dung nào đúng thẩm quyền quyết định ngay, tránh tình trạng xin ý kiến lòng vòng giữa các cơ quan, các bộ, ngành và dồn mọi việc lên cho Thủ tướng Chính phủ.

ĐBQH Tạ Thị Yên - (Đoàn Điện Biên):

Thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau giai đoạn dịch 2022-2023 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng. Nghị quyết được thảo luận và thông qua khẩn trương, nhưng khi triển khai thì tiến độ rất chậm. Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rất rõ, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỷ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khó tiếp cận gói hỗ trợ tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO