Hiện nay các doanh nghiệp FDI đang hợp tác và sử dụng sản phẩm nhựa tái chế tốt, thậm chí thực hiện cao hơn ERP.
Chia sẻ với DĐDN, ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển bền vững công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân (Duy Tân Recycle) cho biết: tái chế công nghệ cao đã tạo ra bước tiến lớn cho phép kéo dài vòng đời của vật liệu, sản phẩm nhựa lên đến 50 lần và đang thay đổi tư duy, nhận thức về rác thải nhựa.
- Sau 4 năm khởi công nhà máy tái chế nhựa, Duy Tân Recycle đã xuất hàng sang những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu… Cơ hội để trở thành đối tác của nhiều tập đoàn đa quốc gia được doanh nghiệp thực hiện như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang hợp tác và sử dụng phổ biến sản phẩm nhựa tái chế bởi doanh nghiệp xác định đó là trách nhiệm xã hội. Sản phẩm tái chế cũng là một phần của kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh - xu hướng phát triển tất yếu của toàn cầu.
Công nghệ tái chế được Duy Tân Recycle áp dụng là “Bottles to Bottles” có nguồn gốc từ châu Âu cho phép xử lý chai nhựa đã qua sử dụng thành hạt nhựa làm nguyên liệu tạo thêm vòng đời cho chai nhựa mới đạt tiêu chuẩn an toàn dùng cho thực phẩm đã đáp ứng được các tiêu chuẩn và nhu cầu trên.
Mới đây, tại khu vui chơi giải trí toàn cầu ở Mỹ, được cầm trên tay những chai nhựa tái chế có nguồn gốc từ Việt Nam, với cá nhân tôi, đó là cảm giác hạnh phúc vô cùng.
- Theo Tập đoàn tài chính quốc tế IFC, hiện mới chỉ có hơn 1/3 trong tổng số 3,9 triệu tấn nhựa tại Việt Nam được tái chế, còn lại bị thải bỏ gây lãng phí. Từ góc nhìn của doanh nghiệp, theo ông, đâu là những thách thức phát triển công nghiệp tái chế?
Thách thức lớn nhất, từ nhà máy của Duy Tân, nằm ở khâu thu mua và phân loại nguyên liệu. Thị trường phế liệu tại Việt Nam phát triển tự phát với hàng ngàn vựa ve chai và các đơn vị quy mô nhỏ.
Hiện giá thu gom chưa có mặt bằng chung mà dựa vào cung cầu, thời điểm và mùa vụ. Thu gom qua mấy lớp, giá thành nguyên liệu bị đẩy lên, chất lượng đầu vào không đạt yêu cầu, lẫn nhiều tạp chất, trong khi chúng tôi cần mua số lượng lớn chai nhựa đã được phân loại theo màu sắc, đảm bảo chất lượng và có hóa đơn bán hàng.
Từ khâu phân loại chưa tốt làm cho tỉ lệ hao hụt trong sản xuất lên tới 40 - 45% và chi phí tái chế cao. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có quy định rõ ràng về việc sử dụng nhựa tái chế vào sản phẩm thực tế cũng như nhận thức của người tiêu dùng cũng là một hạn chế.
- Giá thành cao hơn có hạn chế khả năng tiếp cận sản phẩm tái chế của các doanh nghiệp không, thưa ông?
Hiện nay các doanh nghiệp FDI đang hợp tác và sử dụng sản phẩm nhựa tái chế tốt, thậm chí thực hiện cao hơn ERP.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp cận nhưng vẫn còn tâm lý thận trọng áp dụng. Với kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững nên coi tái chế không chỉ là trách nhiệm, chi phí mà là khoản đầu tư cho tương lai.
- Chỉ còn ít ngày nữa sẽ bước sang năm 2024, ông kỳ vọng thế nào về sự phát triển của công nghiệp tái chế trong năm tới và những đề xuất chính sách cho các doanh nghiệp phát triển bền vững?
Ngày đầu năm 2024 cũng là thời điểm quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (ERP) theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực, tôi tin là nhu cầu về nhựa tái chế tăng nhanh chóng. Theo kế hoạch, trong năm tới chúng tôi nâng công suất nhà máy từ 40.000 tấn/năm lên 60.000 tấn/năm để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tái chế công nghệ cao là ngành mới, chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính với các doanh nghiệp gần như chưa có, thậm chí hướng dẫn để doanh nghiệp hoàn thiện, hợp thức hoá đơn đầu vào chưa có. Vì vậy, doanh nghiệp mong sớm có những hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ hoàn thiện chứng từ, tài chính từ ban đầu. Ghi nhận hoá đơn, doanh nghiệp sẽ thu gom được số lượng lớn hơn, từ nhiều nguồn, góp phần mở rộng mạng lưới và sản phẩm có giá thành tốt hơn.
Bên cạnh đó, cũng theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, cần đẩy mạnh truyền thông tạo thực hành tốt trong phân loại rác tại nhà để có nguồn nguyên liệu dồi dào và chất lượng cao. Đây cũng là cách giảm tỉ lệ hao hụt xuống mức kỳ vọng 30%, qua đó giảm giá thành sản xuất hạt nhựa tái chế, thu hút các doanh nghiệp sử dụng bao bì.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm