Đang có những người Việt trẻ chọn làm nông dân để tiếp nối khát vọng Việt Nam gần 80 năm về trước, dân cày có ruộng trở thành dân giàu với ruộng.
Những chàng trai cô gái khởi nghiệp tuổi mười chín đôi mươi, vừa "liều" vừa "lì" để dám bơi ngược dòng tìm đến đại dương xanh cho nông sản Việt.
Mục tiêu của Vũ "muốn trồng cái gì cũng phải thật sạch, thật tốt như chính mảnh đất này" dường như là một tầm nhìn thuyết phục. Gia đình Vũ được chọn là 1 trong 37 hộ được giao đất phát triển sản phẩm rau, hoa xứ lạnh - những sản phẩm 10 năm sau đã trở thành thương hiệu của Măng Đen.
Bếp nông trại
Võ Lâm Vũ - sinh viên năm thứ nhất Đại học Cần Thơ - quyết định rời giảng đường lên núi làm nông nghiệp hữu cơ. Vũ sinh năm 1993, đến Măng Đen năm 2012 cùng gia đình trong kỳ nghỉ hè đầu tiên của đời sinh viên.
Vũ nói nhìn thấy không chỉ tương lai mà cả cuộc đời mình ở đây. Người mẹ yêu con đã thuyết phục gia đình vào núi, làm hồ sơ đăng ký tham gia chương trình phát triển khu nông nghiệp vườn rau, hoa xứ lạnh của huyện Kon Plông (Kon Tum).
Ý tưởng trồng rau hoàn toàn hữu cơ của Vũ đã được sự ủng hộ làm nông nghiệp sạch. Được giao 1.000m2, Vũ bắt đầu tìm hiểu các trang hướng dẫn làm nông nghiệp hữu cơ, tham gia các khóa đào tạo, các nhóm chia sẻ trực tuyến rồi mày mò làm thử.
Nhất quyết không dùng bất cứ loại hóa chất nào và không sử dụng bất cứ phương thức nghịch tự nhiên nào, chàng trai miền Tây chạm tay vào đất, ghi lại từng ngày cây sinh trưởng, đánh dấu mùa sinh của côn trùng, đo tính từng lượng nước mưa, nước tưới để học cách hiểu đất, hiểu cây, hiểu thời tiết và hiểu từng loài sâu, bướm.
Sau một năm Vũ có được những củ cà rốt và những bông súp lơ đầu tiên đạt yêu cầu của các nhà phân phối nông sản hữu cơ.
Đến nay Vũ đã mở rộng diện tích canh tác 5ha cùng với 5 trang trại vệ tinh mà anh hợp tác chuyển giao phương thức trồng rau không hóa chất. Với tổng sản lượng trung bình 10 - 12 tấn/tháng, sản phẩm rau củ hữu cơ mang đến cho Vũ doanh thu khoảng 2 tỉ mỗi năm.
Trong ba năm tới, Vũ muốn phát triển một hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ có nuôi trồng, chế biến, sản xuất và dịch vụ.
Từ trang trại, các sản phẩm được chia thành sản phẩm tiêu thụ ngay và sản phẩm qua chế biến tinh. Vũ đang nghiên cứu sản xuất các loại trà chiết xuất từ thảo mộc (infusion) như trà lá sâm, trà sâm bạc hà.
Anh cũng mới khai trương nhà hàng ẩm thực sâm - nơi những thực đơn sáng tạo gồm cả món mặn và món ngọt chế biến từ các loại sâm Kon Tum mang đến cho du khách những trải nghiệm hương vị khác biệt mà bổ dưỡng.
Mô hình dịch vụ hướng đến khách du lịch - "bếp nông trại" - sẽ là một loại hình du lịch mới của Măng Đen. Đến tham quan nông trại, thu hoạch và nấu ăn tại nông trại, du khách sẽ được các chuyên gia chia sẻ kiến thức về cây trồng và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm hữu cơ, trải nghiệm một cách sống xanh, hiểu thêm về nguồn gốc của sự sống.
Khởi nghiệp dựng cơ đồ
Chiến lược của Po Mỷ vạch ra: lan tỏa tình cảm yêu thích vẻ đẹp của đất của người miền đá trong những khách du lịch đã đến và đang có ý định đến thăm Hà Giang để quảng bá sản phẩm.
5 năm khởi nghiệp, Lưu Thị Hòa - cô gái người dân tộc Cờ Lao xinh đẹp - vẫn đang vật lộn với việc xây dựng thương hiệu và giá trị đúng cho sản phẩm mật ong bạc hà cùng các đặc sản nổi tiếng của quê hương.
Hợp tác xã được thành lập bởi những trí thức trẻ 9X xác định giá trị cốt lõi là tính bản địa, gắn với sinh kế của bà con các dân tộc và quảng bá vẻ đẹp của văn hóa, con người cao nguyên đá Đồng Văn.
Mật ong bạc hà là sản phẩm chủ lực, vốn được biết đến như một món quà quý báu của thiên nhiên miền đá, mang hương thơm đặc biệt của loài hoa bạc hà bản địa và vị thuần khiết của dòng mật ong tự nhiên không pha tạp.
Vậy mà trước sức ép giá rẻ do sự cạnh tranh giữa chính những hộ sản xuất cùng quê hương, giá mật ong bạc hà trên thị trường đã giảm từ 700.000 đến 1 triệu đồng/lít năm 2017 xuống còn xấp xỉ 600.000 đồng.
Tốt nghiệp Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, lại có kinh nghiệm về tiếp thị số và thương mại điện tử trước khi "bỏ phố về quê" khởi nghiệp, Hòa biết đội ngũ Po Mỷ cần phải làm gì để nâng giá trị các đặc sản quê hương.
Cô đầu tư cho việc chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, cho thiết kế bao bì, phát triển các nội dung số; nghiên cứu phát triển các sản phẩm chế biến ứng dụng công nghệ cao như lê sấy lạnh; tìm đối tác hợp tác để chế biến các nông sản đặc hữu Đồng Văn thành những thực phẩm và đồ uống ngon, lành, đẹp mắt; thiết kế các hình thức du lịch trải nghiệm tại các nông trại trong hợp tác xã...
Mặc dù vẫn chật vật với cuộc cạnh tranh về giá và nguy cơ bão hòa thị trường với hàng trăm nhãn hàng cùng loại trên địa bàn Hà Giang, song Hòa vẫn kiên định: "Em nhất định sẽ không thỏa hiệp giảm chất lượng để giảm giá thành. Em tin là đầu tư vào chế biến, thiết kế và trải nghiệm khách hàng để kể được những đặc sắc của cao nguyên đá Đồng Văn bằng hương, bằng vị, bằng giá trị dinh dưỡng thật và bằng vẻ đẹp sẽ mang lại giá trị gia tăng cho từng sản phẩm".
Vũ và Hòa - những chàng trai cô gái khởi nghiệp tuổi mười chín đôi mươi - chính là đại diện của một nước Việt Nam trẻ trung đang đi tới, vừa "liều" vừa "lì" để dám bơi ngược dòng tìm đến đại dương xanh cho nông sản Việt. Và các bạn trẻ ấy không cô đơn.
"Mở kho báu" mật dừa nước Cần Giờ
Giá trị của cây dừa nước được chăm sóc tăng lên gấp trăm lần so với cây dừa bị đốn để lấy lá.
Phan Minh Tiến tốt nghiệp khoa công nghệ hóa học Trường đại học Bách khoa TP.HCM năm 2014. Ra trường có việc làm ngay lại đúng ngành đào tạo, Tiến rất trân trọng cơ hội được trải qua nhiều vị trí trong quy trình sản xuất của hai nhà máy lớn.
5 năm trải nghiệm trong những hệ thống đã vận hành trơn tru trang bị cho anh những kiến thức và kinh nghiệm hữu dụng về quản lý sản xuất và theo chuẩn quốc tế. Song đi làm thuê công việc ổn định trong vùng an toàn không phải là con đường mà Tiến chọn cho đời mình.
Sinh ra và lớn lên ở Cần Giờ - khu dự trữ sinh quyển của thế giới, Tiến luôn mong muốn phát triển kinh tế từ cây dừa nước là tài nguyên của quê hương anh, cũng là lớp bảo vệ ngàn năm của đất và của những nếp nhà.
Nhận thấy khách du lịch khi đến Cần Giờ chỉ có cơm dừa để thưởng thức tại chỗ, nếu mua mang về thì cơm dừa mất ngon do người dân chỉ biết chặt dừa bán chứ chưa biết cách bảo quản và chế biến, Tiến muốn tìm cách bảo quản được cơm dừa lâu hơn để khách du lịch có thể mang ra miền Trung, miền Bắc.
Trong quá trình nghiên cứu về công nghệ bảo quản cơm dừa, anh phát hiện ngoài khai thác quả, có thể khai thác mật dừa nước từ cuống với sản phẩm đa dạng hơn và giá trị cao hơn. Anh bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu cách lấy mật từ dừa.
Mất gần 2 năm để hoàn thiện được kỹ thuật khai thác mật dừa nước và chế biến mật thành sản phẩm cô đặc, Tiến quyết định nghỉ việc ở nhà máy để chính thức thành lập VietNipa vào năm 2019.
Sau 3 năm có mặt trên thị trường, các sản phẩm từ mật dừa nước của chàng kỹ sư trẻ đã làm tăng giá trị cây dừa nước lên mấy chục lần, thậm chí là cả trăm lần. Từ xưa tới nay ở Cần Giờ, người dân chỉ biết khai thác dừa nước bằng cách đốn gốc lá hoặc bán buồng dừa. Tiến đã dạy bà con hàng xóm biết cách mát xa cho dừa để lấy mật trong khi vẫn giữ được cây dừa sống để khai thác quanh năm.
Trước đây người dân Cần Giờ có thể thu nhập được khoảng 12 triệu mỗi năm từ việc đốn dừa, nhưng giờ họ có thể có thu nhập quanh năm với công việc chăm nom dừa lấy mật, trung bình mỗi tháng từ 7 đến 10 triệu thậm chí 12 triệu. Nghĩa là thu nhập của người nông dân lấy mật dừa nước đã tăng lên 10 - 12 lần trên chính mảnh đất quê hương và từ chính vườn dừa của họ.
Tiến có mục tiêu mở rộng vùng dừa từ 5ha lên 10ha với 100 lao động và sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế. Dừa nước giúp tạo dựng cơ nghiệp cho những người nông dân trên vùng ngập mặn quê hương mà vẫn bảo toàn nguyên vẹn hệ sinh thái dừa nước của Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Giấc mơ Sen
Công xác định bằng giải pháp gia tăng giá trị của sen, giúp cuộc sống của người nông dân trồng sen tốt hơn nhờ các ứng dụng khoa học công nghệ, hơn thế nữa còn làm giàu từ các sản phẩm sen có giá trị gia tăng, ngành kinh tế sen có thể tái tạo môi trường nước trên quy mô rộng lớn.
Tôi gặp Ngô Chí Công lần đầu tiên vào cuối năm 2016, trong cuộc hội thảo và trưng bày sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo do Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức. Khi đó Công mới bắt đầu đưa những đóa hoa sen bất tử đầu tiên ra thị trường.
Tôi theo Công về Đồng Tháp để tận mắt thấy hệ thống sấy hoàn toàn làm bằng tay bởi cậu thạc sĩ công nghệ hóa học Trường Paris - Sorbonne.
Chiếc máy sấy lạnh tự chế ấy mang hình dáng của một chiếc lò vi sóng "thuở hồng hoang", bởi sau lần khởi nghiệp đầu tiên với ẩm thực phân tử thất bại, vốn liếng còn lại của Công chỉ là một số tiền mặt ít ỏi và căn bếp được mẹ hào phóng góp. Công vẫn tự tin: quan trọng là nguyên lý hoạt động và khả năng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, chứ không phải là inox sáng bóng bên ngoài chiếc máy.
Anh cho tôi xem các sắc lá sen được sấy qua bao nhiêu mẻ thử nghiệm và chia sẻ: Để ra được thành phẩm chắc sẽ cần hàng trăm lần thí nghiệm nữa, nhưng chắc chắn sẽ được. Khi ở Paris, với đầy đủ thiết bị, hóa chất cùng 7 - 8 cộng sự mà Công đã từng phải ăn ngủ 6 tháng trong lab mới ra được kết quả.
6 - 7 tháng cho hoa sen, 1 năm cho lá sen, sau đó vòng thời gian phát triển sản phẩm của EcoLotus ngày càng được rút ngắn. Giờ đây với 35 sản phẩm và hàng trăm mẫu mã, EcoLotus đã phát triển ổn định.
6 năm rèn luyện ở một trong những phòng thí nghiệm hàng đầu nước Pháp đã cho anh nghị lực dám nghĩ, dám thử, dám làm, dám sai, dám chịu trách nhiệm, khi gặp thất bại thì sẵn sàng thử lại và thử lại hàng trăm lần chứ không bỏ cuộc giữa chừng.
Anh cũng đã ngấm từ các thầy, các đồng nghiệp Pháp tinh thần kiên định trong khoa học và cả tư duy sáng tạo trong cách làm việc, sự cởi mở chấp nhận những cái mới lạ, khác biệt. Chính vì thế mà khi về nước, thay vì chọn đi làm thuê lương cao cho các tập đoàn Pháp ở Việt Nam, Công quyết định thực hiện giấc mơ ấp ủ cả thời niên thiếu mà anh gọi là "giấc mơ sen".
Thời gian tới anh dự kiến cung cấp bao bì lá sen thân thiện với môi trường cho các doanh nghiệp thành viên FairTrade (Tổ chức Thương mại công bằng với hơn 1.000 thành viên trên 21 quốc gia). Trước mắt với vị trí chủ tịch Hiệp hội Ngành sen Đồng Tháp, Công đặt mục tiêu EcoLotus sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc cứu diện tích trồng sen Đồng Tháp, phục hồi 1.000ha sen đã mất vì giá cả bấp bênh, sâu bệnh và thoái hóa giống từ năm 2015 đến nay.
Khi được hỏi EcoLotus nếu thành công có trở thành chủ sở hữu hàng ngàn hecta diện tích trồng sen không, Công thẳng thắn trả lời: EcoLotus muốn mang sen Việt tỏa khắp năm châu. Mà muốn đi xa thì đi cùng nhau.
Từ Hiệp hội Ngành sen Đồng Tháp, Công sẽ lan tỏa "giấc mơ sen" đến người trồng sen ở tất cả các vùng sen cả nước để mỗi người trồng sen đều giàu lên từ sen.
Có thể bạn quan tâm