Giáo dục khởi nghiệp nhằm tăng cường công tác phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp theo hướng tiếp cận bền vững và toàn diện.
Giáo dục khởi nghiệp trong trường phổ thông không phải là hành trình dạy các em trở thành doanh nhân ngay từ ghế nhà trường, mà là hành trình gieo vào mỗi học sinh một hạt giống tư duy tự chủ, dũng cảm, và sáng tạo.
Sau khi Đề án 1665 về Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp được ban hành năm 2017, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đặt mục tiêu hình thành năng lực tự chủ, sáng tạo cho học sinh. Nhiều mô hình khởi nghiệp học đường đã manh nha xuất hiện tại các trường THPT, trung tâm sáng tạo trẻ, các sân chơi khởi nghiệp học sinh...
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, việc trau dồi kiến thức về tư duy khởi nghiệp ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp các em học sinh sống tự tin, tự lập và có trách nhiệm hơn với bản thân và xã hội.
Theo tinh thần của Đề án 1665, Tổ chức Tuổi trẻ Thành đạt (Junior Achievement Vietnam – JA Vietnam) đã kết hợp với các tập đoàn và doanh nghiệp để xây dựng nhiều chương trình đào tạo và cuộc thi liên quan đến Quản lý tài chính – Hướng nghiệp - Khởi nghiệp.
Cụ thể, JA Vietnam đã bắt đầu với chương trình Tài chính thông minh Cha – Ching cho học sinh Tiểu học, giúp trẻ tiếp thu và hình thành những thói quen tốt về tài chính một cách tự nhiên và hứng khởi.
Với sứ mệnh nuôi dưỡng niềm đam mê học tập, JA Vietnam đã nghiên cứu và đưa ra các chương trình đào tạo phù hợp với từng đối tượng học sinh cùng với phương pháp học tập chủ động nhằm giúp các em tiếp cận với kiến thức một cách thoải mái và hào hứng nhất.
Hệ thống chương trình theo bản quyền của tổ chức Tuổi trẻ Thành đạt Thế giới (JAWW), đã được dịch và Việt hóa, từ lớp 1 – lớp 12 cho phép các em từng bước tiếp cận khái niệm về thu nhập, chi tiêu, chia sẻ, tiết kiệm và khởi sự kinh doanh.
Sau cấp bậc tiểu học, JA Vietnam tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp để tối ưu hóa việc giảng dạy những kỹ năng cơ bản về kinh doanh tới các em học sinh THCS và THPT thông qua nhiều hoạt động nhằm giúp các em nhận thức được vai trò của đồng tiền trong cuộc sống hàng ngày; tư duy như một doanh nhân và định hình về một công ty nhỏ mà các em có thể thành lập, điều hành; phân tích ưu điểm và nhược điểm của việc mượn tiền khi khởi nghiệp và Khám phá vô vàn cơ hội của thị trường quốc tế…
Để giúp học sinh được ứng dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống, JA Vietnam còn phối hợp với nhiều doanh nghiệp tổ chức các cuộc thi nhằm khuyến khích các em tự tin thể hiện ý tưởng và thế mạnh bản thân, đồng thời cũng tạo sân chơi giúp các em được trải nghiệm với những bài học khởi nghiệp thực tế.
Trong những năm gần đây, giáo dục khởi nghiệp ở Việt Nam đã được quan tâm hơn ở cấp quốc, tuy nhiên, theo đánh giá của bà Đoàn Bích Ngọc, Giám đốc JA Việt Nam, phần lớn hoạt động khởi nghiệp học đường hiện nay chủ yếu diễn ra ở một số tiết trải nghiệm hoặc thông qua cuộc thi. Vì vậy, bà Đoàn Bích Ngọc đã đưa ra đề xuất giải pháp nhằm tăng cường công tác phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp theo hướng tiếp cận bền vững và toàn diện. Cụ thể:
Thứ nhất, để thay đổi tư duy nhận thức về khởi nghiệp trong nhà trường, cần tổ chức: Hội thảo gắn kết giữa Sở GD&ĐT với các hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương; Hội thảo giáo dục khởi nghiệp dành cho Ban giám hiệu, giáo viên nhà trường…
Thứ hai, bên cạnh việc nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn cho giáo viên phụ trách hướng nghiệp, khởi nghiệp các trường, cần bổ sung đội ngũ tình nguyện viên là những chuyên gia, doanh nhân, những người đang giữ các chức vụ quan trọng trong các doanh nghiệp kinh doanh tại địa phương. Đây sẽ là những người có thể trực tiếp giảng dạy những kiến thức rất thực tế và truyền lửa đam mê cho các thế hệ những người Việt trẻ.
Thứ ba, thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp trong các trường phổ thông với sự tham gia của các cựu học sinh và phụ huynh là các chủ doanh nghiệp cùng hoạt động. Từ đó xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả trong nhà trường dựa trên gắn kết các nguồn lực sẵn có.
Thứ tư, tổ chức nhiều hoạt động thực tế như các cuộc thi khởi nghiệp cấp trường, cấp tỉnh; các hội chợ Xuân, Hè; các chuyến thăm quan, trải nghiệm thực tế doanh nghiệp… với sự cố vấn và hướng dẫn triển khai từ đội ngũ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh/thành
Cuối cùng, cần huy động trường cao đẳng, đại học vào cuộc để hỗ trợ về ý tưởng, về cơ sở vật chất và cả đội ngũ nhân lực nhằm tạo thành sức mạnh tổng hợp. Bên cạnh đó rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp tại địa phương trong việc chia sẻ kinh nghiệm, tham quan, học hỏi thực tế.