Khởi nghiệp từ đam mê

Theo Báo Thanh Hoá 31/01/2022 04:31

Dương Văn Khoa tại xã Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy) với quyết tâm theo đuổi phát triển nông nghiệp sạch với mô hình trồng dưa vàng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (CNC).

Vẫn biết nghề nông là vất vả, chân lấm, tay bùn nhưng chàng trai vùng núi nghèo xã Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy) Dương Văn Khoa vẫn đam mê và quyết tâm theo đuổi phát triển nông nghiệp sạch với mô hình trồng dưa vàng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (CNC). 

Mô hình trồng đào phai tại xã Xuân Du (Như Thanh).

Mô hình trồng đào phai tại xã Xuân Du (Như Thanh).

Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Văn Khoa chia sẻ: “Có lẽ vì cái duyên với nghề nông quá lớn nên mình khó chọn được nghề khác”. Bởi, trước khi sở hữu trang trại dưa “khủng” này, anh Khoa là một kỹ sư công nghệ thông tin và đã từng làm việc cho một số công ty tư nhân với mức lương cơ bản ổn định. Đi làm được 2 năm thì Khoa quyết định chọn con đường du học tại Israel.

Chia sẻ về những ngã rẽ, sang ngang trong hành trình lập thân, lập nghiệp của mình, Dương Văn Khoa bộc bạch: “Trong quá trình học tập và làm việc tại Israel, mình đã được ăn những trái dưa vàng rất thơm và ngọt - đó chính là dưa vàng Kim Hoàng hậu. Từ đây, Khoa đã nhen nhóm ý tưởng sẽ về quê hương để trồng và phát triển giống dưa này”. Hiện thực hóa ý tưởng, sau khi hết thời gian học tập, lao động, Dương Văn Khoa trở về quê hương và bắt đầu tìm hiểu thêm về giống dưa vàng Kim Hoàng hậu đang trồng ở trong nước. Quá trình tìm hiểu Khoa biết được giống dưa vàng kim hoàng hậu thường được trồng nhiều nhất ở các tỉnh phía Nam và phía Bắc, riêng ở Cẩm Thủy chưa ai trồng được.

Để thực hiện mô hình, cuối năm 2016, anh Dương Văn Khoa bắt đầu vào Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh... tìm đến các mô hình trồng dưa lưới thành công để học hỏi. Anh Khoa chia sẻ: Qua tìm hiểu, tôi mới biết để trồng được dưa lưới thì phải xây dựng nhà màng và mua công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Khí hậu trong miền Nam phù hợp nên dưa lưới phát triển tốt, trong khi khí hậu quê mình quá khắc nghiệt, không biết loại cây này có chịu được không. Tuy vậy, với quyết tâm và nhiệt huyết của tuổi trẻ, đầu năm 2017, Khoa vẫn quyết định chuyển đổi 3.000m2 đất đồi để trồng dưa lưới. Sau hơn 3 tháng thi công, 2 nhà màng hoàn thành.

Theo anh Khoa, cây dưa vàng được chăm sóc trong không gian kín nhà màng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cực kỳ tỉ mỉ. Nếu tuân thủ các kỹ thuật chăm sóc thì chỉ mất khoảng 3 tháng là dưa vàng cho thu hoạch. Trung bình mỗi quả dưa nặng từ 1 – 1,5 kg và có giá thị trường khoảng 50.000 đồng/kg. Để tránh những rủi ro ban đầu, vụ trồng thử nghiệm đầu tiên, Khoa chỉ dùng 1 nhà màng để trồng hơn 2.000 cây dưa lưới, nhà màng còn lại Khoa trồng cà chua socola. Sau 3 tháng chăm sóc, cả 2 loại cây này đều phát triển tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao. Tính riêng vụ đầu tiên Khoa đã thu được khoảng 1 tấn dưa vàng, lợi nhuận thu được 50 triệu đồng (đã trừ chi phí).

Từ thành công ban đầu, ngay trong vụ tiếp theo, Khoa sử dụng toàn bộ nhà màng để “độc canh” dưa vàng. Nhờ nắm vững kiến thức và phương pháp kỹ thuật trong sản xuất dưa vàng nên mỗi vụ gia đình anh thu được khoảng 5 tấn, mỗi năm 3 vụ, tổng sản lượng đạt từ 10 - 12 tấn, lợi nhuận thu được ước tính khoảng 300 triệu đồng.

Vượt lên hoàn cảnh và quyết tâm đi theo con đường nông nghiệp sạch với tâm niệm “làm từ tâm ắt trời sẽ không phụ” mô hình nông nghiệp sạch của chàng trai nghèo năm nào giờ đã thành công, vươn rộng trên thị trường. Cùng với trồng dưa vàng kim hoàng hậu, Khoa còn mở rộng diện tích trồng thêm dâu tây và hoa hướng dương... Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, thu nhập từ vườn dưa, dâu tây... của Khoa cũng đạt từ vài trăm triệu đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Trước Tết Nhâm Dần 2022 cả tháng, thủ phủ đào phai xã Xuân Du (Như Thanh) đã tất bật cho công tác chăm sóc, để những cây đào phai kịp xuống phố. Có mặt tại xứ sở hoa đào của xứ Thanh từ sáng sớm, chúng tôi đã được mãn nhãn với những vườn đào ken kín cả một góc trời. Giới thiệu cho chúng tôi, anh Hoàng Văn Tuấn - chủ nhân của một trong những vườn đào phai này vui mừng: “Đây là gia tài và cũng là khối tài sản giá trị nhất trong đời anh từng có. Nếu người nông dân trồng lúa thường ví hạt gạo như “hạt ngọc” thì với anh những gốc đào phai trước mặt cũng được anh ví như những “gốc vàng”.

Anh Tuấn lý giải: “Trong vườn đào này của anh có nhiều gốc đào đã được khách định giá hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, cũng còn có hàng chục gốc đào có giá bán từ 3 - 5 triệu đồng. Để có được giá trị kinh tế “khủng” này, trong hành trình lập nghiệp, anh Tuấn đã gặp phải không ít khó khăn, vất vả. Anh Tuấn bộc bạch: Sau khi tốt nghiệp Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, năm 2006 mình trở về địa phương và tham gia công tác đoàn. Nhận thấy tiềm năng, thế mạnh xã Xuân Du, nhất là việc cây đào phai rất phù hợp với địa hình bán sơn địa của địa phương nên mình đã quyết định thầu 2 ha đất để trồng đào phai. Ban đầu lập nghiệp nguồn vốn luôn là bài toán khó của gia đình, nhưng với quyết tâm và ý chí dám nghĩ, dám làm từ nguồn vay 5 triệu đồng ban đầu của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Như Thanh (năm 2010), hiện anh Hoàng Văn Tuấn đã hiện thực hóa ý tưởng và thực hiện thành công mô hình vườn đào phai với trên 1.000 cây, tổng giá trị hàng trăm triệu đồng, mỗi năm đem lại thu nhập trên 250 triệu đồng.

Để mở rộng mô hình phát triển kinh tế, anh Tuấn cùng các câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế của xã Xuân Du cũng đang tiếp tục mở rộng diện tích và trồng thử nghiệm thêm một số mô hình cây ăn quả như: Bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, bưởi Diễn, vú sữa, hồng xiêm, táo, ổi... Với những thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế tại địa phương, mới đây anh Hoàng Văn Tuấn đã được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của.

Xuất phát từ những trăn trở: “Phải làm gì để phát triển nông nghiệp sạch? Phải làm sao cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch? Phải như thế nào cho người nông dân canh tác bền vững hơn và nâng cao thu nhập?...”, chị Lê Thị Vân, thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân) đã hiện thực hóa ý tưởng, mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp CNC Rich Farm, chuyên thi công, lắp đặt nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới và cung ứng vật tư, thiết bị phục vụ phát triển nông nghiệp CNC và sản xuất sản phẩm nông nghiệp CNC.

Chị Vân chia sẻ: “Thương hiệu Rich Farm tuy mới phát triển hơn 2 năm nhưng đã từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường”. Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp CNC Rich Farm đã thi công nhiều công trình trong tỉnh và các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Phú Thọ, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Nội... Trong đó, có những công trình lớn như: thi công 1 ha nhà màng tại Trang trại Giáo dục hữu cơ Tfarm – Thanh Hóa; 3 ha tưới cảnh quan Công viên truyền hình Vĩnh Long... Hiện nay, Rich Farm đã nghiên cứu và đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nông nghiệp CNC, cung cấp các dịch vụ sản xuất nông nghiệp CNC như: phân bón, hạt giống, giá thể ươm cây, thuốc bảo vệ thực vật, tư vấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất trong nhà kính, nhà lưới và có trang trại, gia trại sản xuất sản phẩm nông nghiệp CNC như dưa vàng, dưa lưới...

Có thể nói, dù không có bằng cấp chuyên ngành nông nghiệp hay khoa học, công nghệ... nhưng với ý chí, niềm đam mê, nhiều bạn trẻ vẫn đã và đang thành công với nhiều mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, trở thành những “triệu phú” trẻ...

https://baothanhhoa.vn/thoi-su/khoi-nghiep-tu-dam-me/152414.htm

Có thể bạn quan tâm

  • Khánh Thi đã đánh thức đam mê khởi nghiệp của sinh viên

    Khánh Thi đã đánh thức đam mê khởi nghiệp của sinh viên

    04:23, 01/04/2021

  • Nuôi dưỡng niềm đam mê khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam

    Nuôi dưỡng niềm đam mê khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam

    04:55, 21/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khởi nghiệp từ đam mê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO