Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Nhờ tham gia tham quan nhiều mô hình kinh tế của thanh niên, anh Lượng quyết định khởi nghiệp từ nghề nông. Cha mẹ anh rất ủng hộ bằng vốn đầu tư ban đầu gần 500 triệu đồng.
Nông nghiệp sạch, công nghệ cao là hướng đi và chủ trương phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. Nắm bắt điều đó, những năm gần đây nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi được đầu tư theo chuỗi khép kín, quy trình từ trang trại tới bàn ăn, giúp bảo vệ môi trường, mang đến thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Trang trại chăn nuôi bò với quy mô 40 con của gia đình anh Phạm Văn Lượng (1987), thôn Phú Thịnh, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng là một minh chứng. Nhờ đầu tư bài bản, khoa học theo chuỗi khép kín, mô hình chăn nuôi của gia đình anh luôn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình có nhiều đất rẫy nhưng anh Lượng không dựa vào cha mẹ mà chủ động tự lập làm kinh tế riêng sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quản lý đất đai tại Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Chọn trồng cây và nuôi con gì để tăng thu nhập trên cùng một diện tích trong thời điểm giá các mặt hàng nông sản lên xuống thất thường là điều khiến anh trăn trở. Nhờ tham gia công tác đoàn, được đi nhiều nơi, tham quan nhiều mô hình kinh tế của thanh niên, anh Lượng quyết định khởi nghiệp từ nghề nông. Cha mẹ anh rất ủng hộ chuyện làm ăn của con, bằng cách đầu tư vốn ban đầu gần 500 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua con giống.
“Nhận thấy bò là vật nuôi phù hợp hơn cả, tôi quyết định cắt bỏ 4 sào đất vườn tạp trồng giống cỏ cao sản VA06 và xây dựng 200m2 chuồng bò theo mô hình VietGAP. Tôi mua 1 bò mẹ và 10 con bò giống được tuyển chọn về nuôi. Vừa nuôi tôi vừa học tập kinh nghiệm từ thực tế và tìm tòi trên internet, sách vở. Thật tình, chỉ khi bắt tay vào làm mới hiểu hết những khó khăn của người nông dân, bò mẹ nuôi 1 năm không đẻ, 3 con bò giống đang khỏe mạnh bỗng chết chẳng rõ nguyên nhân. Thất bại không làm tôi nhụt chí. Tôi đầu tư xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín: Mở rộng diện tích trồng cỏ voi cao sản nuôi bò, lấy phân bò nuôi trùn quế, lấy trùn quế nuôi gà, vịt, phân trùn quế dùng bón cho cỏ và cây ăn trái, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực” - anh Lượng chia sẻ.
Trên 1,3 ha đất trồng cỏ, anh Lượng đầu tư hệ thống tưới nước tự động, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong quá trình xử lý phân chuồng. Nguồn phân bò thải ra nhiều, anh xây hệ thống biogas xử lý chất thải để hạn chế gây ô nhiễm môi trường và nuôi trùn quế. Khu vực nuôi trùn quế diện tích 50m2, bên cạnh là khu nuôi gà khép kín trên 100 con với diện tích 200m2. Nhờ nguồn chất đạm tươi từ giun, đàn gà lớn nhanh, ít bệnh, giảm chi phí do không cần mua thêm thức ăn tổng hợp và chất lượng trứng, thịt thơm ngon hơn nhiều so với cách nuôi thông thường. Khi giá bò hơi chạm đáy, gia đình anh vẫn thu lời vì tiết giảm được chi phí mua phân bón. Trung bình mỗi năm anh Lượng thu lời trên 200 triệu đồng từ bán bò giống, gà thương phẩm và các phụ phẩm chăn nuôi.
“Trùn quế được xem là “hiệp sĩ” nhà nông. Nuôi trùn quế không chỉ phục vụ chăn nuôi mà kinh doanh cũng rất nhiều tiềm năng. Phân trùn quế là loại phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, phù hợp với tất cả loại cây trồng, kích thích tăng trưởng, cải tạo đất, thân thiện với môi trường và không để lại dư lượng hóa chất trong các sản phẩm nông nghiệp. Loại phân này có tác dụng lâu dài và bền vững, giúp cải tạo đất tốt nhất” - anh Lượng cho biết.
Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, anh Lượng cho biết: “Một trong những yếu tố giúp tôi khởi nghiệp thành công đó là phải mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ dám làm, thường xuyên học hỏi kiến thức, đặc biệt phải luôn kiên trì. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng chuồng trại nuôi bò, thanh lý vài sào cao su trồng cỏ và đầu tư máy móc bài bản hơn để hướng tới chăn nuôi bán công nghiệp. Tôi đang nghiên cứu chế phẩm sinh học phối trộn với phân bò để chuyển hóa thành nguồn phân hữu cơ cung cấp cho các nhà vườn có nhu cầu. Theo tôi, muốn làm nông nghiệp sạch phải phát triển theo hướng hữu cơ sinh học mới tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng”.
Hiện nay, anh Lượng đang tạo việc làm thường xuyên cho một số lao động là thanh niên nhàn rỗi tại địa bàn, trong đó có thanh niên hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Đáng quý hơn là anh Lượng còn tự nguyện đem hết những kinh nghiệm tích lũy được chia sẻ cho nhiều thanh niên trong và ngoài tỉnh đến học tập.
Trên cương vị là Phó bí thư Đoàn xã Phú Riềng, anh Lượng luôn năng động, vạch ra cho thanh niên trong xã nhiều cách làm kinh tế phù hợp, xây dựng Đoàn xã vững mạnh, được Huyện đoàn và cấp trên ghi nhận, đánh giá cao. Anh Lượng cũng là cá nhân duy nhất của tỉnh vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII năm 2017 do Trung ương Đoàn trao tặng. Giải thưởng là sự cổ vũ, động viên to lớn đối với thanh niên nông thôn trong phong trào xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.