Nuôi cá trong ao bán nổi giúp giảm chi phí đầu tư, nuôi được mật độ cao, thuận lợi thu hoạch, vệ sinh ao…, khi cần thiết có thể phục hồi mặt bằng trồng lúa.
>> Nông dân 'tay không bắt giặc', thu 65 tỉ/năm
>> Nghịch lý “ai chơi với nông dân cũng giàu”
Những năm gần đây, ngoài phát triển chăn nuôi thủy sản trong ao nuôi truyền thống, người dân Thái Bình đã và đang hình thành một số mô hình nuôi cá trong ao bán nổi, hiệu quả kinh tế mang lại rất khả quan.
Theo mô hình này, anh Phạm Văn Tính, xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cho biết, trước kia anh cũng đã từng làm đủ nghề mưu sinh, chăn nuôi nhiều giống con vật, nhưng hiệu quả mang lại không cao. Nhận thấy đồng đất gần nhà người dân trồng lúa kém hiệu quả, nhiều hộ không còn lao động nông nghiệp vì đã chuyển hướng đi làm tại các công ty, xí nghiệp; số diện tích ruộng cho mượn, không canh tác cũng dần tăng lên, anh đã quyết định khởi nghiệp bằng nghề chăn nuôi cá với mô hình ao bán nổi.
Nuôi cá trong ao bán nổi có nhiều ưu điểm hơn so với nuôi cá trong ao chìm truyền thống. Cụ thể, ao nuôi được thiết kế, bố trí nổi trên lưng chừng mặt ruộng nên giúp giảm chi phí làm ao. Bởi lẽ, ao chìm sâu hơn nên tốn công đào, tốn diện tích chứa đất, trong khi ao nổi chỉ cần đào từ 30 - 50cm, sau đó lấy lớp đất màu đắp thành bờ cao từ 1,5 - 2m là có thể đưa vào sử dụng, thuận lợi cho việc cơi nới, mở rộng diện tích khi cần.
Việc không đào sâu cũng giúp ao nuôi giữ được mặt nền đáy ao cứng cáp, bằng phẳng, ít phải nạo vét bùn, rất thuận lợi cho việc thu hoạch và vệ sinh đáy ao.
Anh Tính chia sẻ, vì nuôi công nghiệp với mật độ cao, lượng thức ăn sử dụng cho cá rất lớn nên phần thức ăn dư thừa, phân thải của cá nhiều. Do đó, khi mặt đáy ao cứng cáp, bằng phẳng, việc rút nước được triệt để, sau đó phơi ải là có thể triệt tiêu được toàn bộ số tàn dư trong ao nuôi. Từ đó, giảm mầm bệnh, tiết kiệm chi phí nhân công, cá sinh trưởng phát triển khỏe mạnh.
Một lợi thế khác của ao bán nổi theo anh Tính là diện tích mặt nước được mở rộng, khả năng đón ánh sáng, gió cao hơn ao chìm; sóng nhiều, thoát khí tốt, phù hợp với việc nuôi mật độ cao.
Ngoài ra, phương thức nuôi cá trong ao bán nổi đơn giản, có thể tận dụng hệ thống kênh cấp, thoát nước sản xuất lúa để phục vụ nuôi thủy sản, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, kiểm soát tốt dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, khắc phục được tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang hoặc tự phát chuyển đổi, manh mún, phá vỡ mặt bằng canh tác.
Để có thể phát triển làm giàu bằng nghề nuôi trồng thủy sản, chủ đầu tư chỉ có bề dày kinh nghiệm chăn nuôi cá là chưa đủ, phải cần thêm kỹ năng điều hành quản trị trang trại và biết vận dụng sáng tạo các kinh nghiệm nuôi cá có được vào thực tế sản xuất, anh Tính chia sẻ.
Kết quả sau một năm “khởi nghiệp” bằng mô hình nuôi thủy sản trong ao bán nổi, lượng cá thịt cho lãi hơn 130 triệu đồng/ha sau khi đã trừ hết chi phí sản xuất, lợi nhuận cao gấp 5 lần so với cấy lúa.
Ông Bùi Tấn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định, huyện Kiến Xương (Thái Bình) cho biết, hiệu quả từ mô hình này là rõ rệt cho người nông dân, tiết kiệm chi phí đầu tư, thuận lợi trong việc khai thác, đánh bắt, thu hoạch, vệ sinh cải tạo ao, giảm chi phí lao động thường xuyên, không gây ô nhiễm môi trường, không làm hư hỏng các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ trồng lúa.
Đặc biệt, ao nổi giữ được nguyên hiện trạng của đất nên khi cần thiết có thể phục hồi lại được mặt bằng trồng lúa theo quy định của pháp luật về quản lý đất đai, ông Yên cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp từ 2 quả cam mua cho vợ bầu, anh nông dân thu gần tỷ đồng/năm
03:06, 03/12/2022
Hơn 20 năm tay trắng dựng cơ ngơi trăm tỷ của anh nông dân
04:01, 29/11/2022
“Tiếng kêu” chân thực của người nông dân
05:00, 28/11/2022
Nghịch lý “ai chơi với nông dân cũng giàu”
05:00, 23/08/2022
Chuỗi cung ứng ngắn "kéo” doanh nghiệp gần hơn với nông dân
05:00, 15/08/2022