Khối nợ của Hoàng Anh Gia Lai thay đổi ra sao sau khi bắt tay Thaco?

Diendandoanhnghiep.vn Năm 2019 là năm HAGL tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ dưới sự hỗ trợ của Thaco Group, kéo theo đó là sự chuyển đổi lớn về cơ cấu doanh thu cũng như lợi nhuận.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2019, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đạt doanh thu hợp nhất lũy kế 2.083 tỷ đồng trong năm 2019, giảm tới 61% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là công ty con đóng góp tới gần 90% nguồn thu cho tập đoàn là Công ty Nông nghiệp HAGL Agrico sụt giảm phân nửa doanh thu.

Năm qua, HAGL không còn ghi nhận doanh thu từ bán bò, bất động sản, dịch vụ cho thuê trong khi doanh thu bán ớt cũng giảm hơn 90% so với cùng kỳ 2018 vì tập trung nguồn lực cho mảng cây ăn trái.

Quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ đưa HAGL từ tập đoàn đa ngành trở thành công ty chuyên về nông nghiệp và cây ăn trái

Quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ đưa HAGL từ tập đoàn đa ngành trở thành công ty chuyên về nông nghiệp và cây ăn trái

Lãi gộp của HAGL trong kỳ là 221 tỷ, tương ứng tỷ suất lợi nhuận gộp 11%. Năm 2018, tập đoàn này có biên lãi gộp 44% và ghi nhận lợi nhuận gộp 2.375 tỷ đồng.

Trong khi doanh thu thuần sụt giảm, doanh thu tài chính của HAGL tăng tới 48%, đạt 2.074 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi sau khi thanh lý các khoản đầu tư. Năm 2019, HAGL đã chuyển nhượng phần vốn còn lại trong dự án bất động sản cuối cùng tại Myanmar và 3 công ty cao su cho đối tác chiến lược Thaco cũng như thanh lý mảng thủy điện.

Năm 2019, chi phí tài chính của HAGL giảm 20%, còn 1.363 tỷ nhờ việc giảm lãi vay ngân hàng, trái phiếu; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 40%, còn 590 tỷ do ít phải trích lập dự phòng hơn cùng kỳ và giảm phân bổ lợi thế thương mại do thanh lý công ty con. Riêng chi phí bán hàng tăng 69%, lên 308 tỷ đồng.

Hạch toán thu nhập khác trong kỳ lên tới 379 tỷ, cao hơn nhiều so với mức 22 tỷ đồng nhưng khoản chi phí khác của HAGL cũng tăng mạnh lên 2.167 tỷ so với con số 915 tỷ cùng kỳ 2018. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí chuyển đổi vườn cây và đánh giá các tài sản không hiệu quả.

Như vậy, HAGL lỗ hợp nhất sau thuế 1.609 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất của công ty từ khi hoạt động. Năm trước, doanh nghiệp có lãi 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty mẹ HAGL vẫn báo lãi ròng 253 tỷ khi các cổ đông không kiểm soát ở công ty con gánh lỗ 1.862 tỷ đồng.

Một điểm tích cực trên báo cáo tài chính của HAGL là nhiều khoản nợ đã giảm đáng kể sau một năm tái cấu trúc dưới sự hỗ trợ của Thaco. Nợ phải trả hợp nhất tại thời điểm ngày 31/12/2019 của HAGL giảm gần 10.000 tỷ đồng so với một năm trước, còn 21.577 tỷ.

Trong đó, nợ vay giảm hơn 7.000 tỷ đồng. Cụ thể, vay ngắn hạn giảm từ 6.950 tỷ còn 3.752 tỷ và vay dài hạn giảm từ 14.804 tỷ còn 10.946 tỷ.

Một trong những thay đổi lớn trong cơ cấu nợ của HAGL là khoản nợ trái phiếu trị giá hơn 2.200 tỷ đồng do HAGL Agrico phát hành vào năm 2018 cho Thaco đã chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông sau một năm.

Sau sự kiện này, tỷ lệ sở hữu của HAGL tại HAGL Agrico giảm từ 61,3% xuống 49,2%. Tại thời điểm 31/12/2019, tỷ lệ sở hữu của HAGL tại HAGL Agrico giảm còn 47,4%. Tuy nhiên, HAGL Agrico vẫn là công ty con của HAGL và được hợp nhất kết quả kinh doanh vào báo cáo tài chính của tập đoàn.

Bên cạnh đó, nhờ mua lại trước hạn nhiều khoản trái phiếu của hai trái chủ là ngân hàng VPBank và NCB trong năm 2019, khoản nợ trái phiếu trong nước trên bảng cân đối của HAGL đã giảm hơn 3.800 tỷ đồng sau một năm. Hiện số nợ trái phiếu của tập đoàn bầu Đức là 7.164 tỷ đồng.

Ngoài ra, tổng giá trị các khoản vay dài hạn của HAGL cũng giảm từ 6.143 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2018 xuống còn 4.632 tỷ đồng vào cuối 2019.

Trong thời gian gần đây, công ty tiến hành một loạt các thương vụ thoái vốn như: Công ty con HAGL Agrico đã chuyển nhượng 100% vốn Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương cho CTCP Sản xuất và Phân phối Nông nghiệp Thadi.

Trong tháng 8 và 9, HAG cũng nhượng toàn bộ 99,875% vốn điều lệ của Công ty TNHH Đông Pênh và 100% vốn điều lệ của Cao su Trung Nguyên cho Thadi, 47,93% vốn Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh cho Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh. Theo như kế hoạch, một số dự án thủy điện trong thời gian tới cũng được Hoàng Anh Gia Lai thoái vốn.

Mới đây, Công ty đã thông qua Nghị quyết về việc chuyển nhượng 248,5 triệu cổ phần tại Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, tương đương 99,4% vốn điều lệ. Mục đích nhằm đẩy mạnh công tác tái cấu trúc Tập đoàn theo hướng mạnh dạn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực không hiệu quả và tăng cường tập trung vào nông nghiệp. Trước đó Công ty đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH V&H Corporation (Lào) liên quan đến Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai, phần vốn chuyển nhượng chiếm 80% vốn tại V&H Corporation.

Như vậy, HAGL đã hoàn toàn rút khỏi mảng thủy điện, tiếp nối động thái trước đó rút hoàn toàn khỏi mảng bất động sản, chăn nuôi bò…

Tổng tài sản tính đến ngày 31/12/2019 còn 38.599 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu kỳ. Nợ phải trả cũng giảm mạnh từ mức 31.300 tỷ về 21.577 tỷ đồng, trong đó nợ vay hiện còn hơn 14.698 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tổng nợ đến nay vẫn chiếm gần 56% tổng tài sản HAGL, trong đó nợ ngắn hạn tiếp tục vượt tài sản ngắn hạn…

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Khối nợ của Hoàng Anh Gia Lai thay đổi ra sao sau khi bắt tay Thaco? tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713596078 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713596078 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10