UBND tỉnh và các Sở ngành Quảng Trị đã rốt ráo vào cuộc đánh giá lại tình hình thực tế về lĩnh vực kinh tế này cũng như xem xét tính pháp lý của các văn bản đã ban hành.
>>
Trước khó khăn pháp lý của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất dăm gỗ tại Quảng Trị, sau các phản ánh của DĐDN, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh và các Sở ngành đã rốt ráo vào cuộc đánh giá lại tình hình thực tế về lĩnh vực kinh tế này cũng như xem xét tính pháp lý của các văn bản đã ban hành.
Tiếp tục đi tìm lời giải cho sản xuất và xuất khẩu gỗ dăm tại tỉnh Quảng Trị, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã gặp ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Ông Quang cho rằng, mọi việc phải được giải quyết trên tinh thần tổng quát: đúng đường lối, chủ trương; không gây thêm khó khăn phiền hà cho doanh nghiệp; cần khẳng định rằng, trồng rừng lấy gỗ lớn là chủ trương chung của Chính phủ, giúp phủ xanh đồi trọc, chống biến đổi khí hậu; ngăn chặn thiên tai, về lâu dài sẽ đảm bảo kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cần có nghiên cứu đánh giá tình hình một cách cụ thể, khoa học phù hợp với bối cảnh địa phương. Tổng diện tích rừng trồng hiện tại là bao nhiêu, những nơi nào cần thiết quy hoạch trồng rừng lấy gỗ, những nơi nào được phép trồng rừng lấy dăm.
Ông Quang nêu quan điểm: Điều tiên quyết là phục vụ người dân và doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo đúng chủ trương chung. Ví dụ, việc trồng rừng lấy gỗ mất 8 -10 năm, trong khoảng thời gian này người dân chi phí ra sao, làm sao bảo đảm an toàn trong mùa thiên tai, hỏa hoạn? Trong khi đó rừng lấy dăm có thể giải quyết công ăn việc làm nhanh chóng. UBND tỉnh và các Sở ngành nên điều hành theo hướng này.
Hơn nữa, việc khống chế không cấp phép đầu tư mới với doanh nghiệp gỗ dăm cũng nên cân nhắc thiệt hơn. Ông Quang nêu ra vấn đề: Căn cứ diện tích rừng trồng, hoạt động sản xuất dăm gỗ, công suất thực tế là chừng nào, nhu cầu thị trường. Trên cơ sở đó xác định cần bao nhiêu nhà máy dăm là phù hợp, quyết sách đúng đắn không gây phiền hà cho doanh nghiệp, phung phí nguồn lực.
Ngày 16/11 Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản gửi Sở Tư pháp về việc rà soát lại các văn bản hành chính trong lĩnh vực chế biến dăm gỗ. Trên cơ sở các nội dung tại các buổi làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp; tham mưu UBND tỉnh phương hướng xử lý.
Bà Lê Thị Thương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, phụ trách lĩnh vực này cho biết, với vị trí là cơ quan tham mưu trực tiếp, Sở đã tiếp nhận và phần nào hiểu thấu những khó khăn của doanh nghiệp gỗ dăm. Đang hoàn thiện báo cáo tham mưu trình UBND để chốt lại vấn đề.
Trước hết, cần thẩm định xem những văn bản đã ban hành có phù hợp với Luật đầu tư, và những văn bản dưới luật hay không. Về việc này đã phối hợp với Sở Tư pháp để thẩm định tính pháp lý.
Cụ thể đối với 15 dự án không cần đáp ứng điều kiện cấp chủ trương đầu tư do quy mô dưới 15 tỷ đồng. Theo bà Thương, cần xem xét thời điểm từng dự án hoạt động, chiếu theo Luật Đầu tư ở từng thời điểm, do Luật này có sửa đổi bổ sung vào các năm 2005, 2014, 2016 và 2020.
Đây là nhiệm vụ của nhiều ngành liên quan như đất đai, Xây dựng, Môi trường, Công thương, Nông nghiệp; đồng thời UBND các huyện làm việc với nhà đầu tư để đánh giá chính xác từng dự án,…qua đó mới có thể áp dụng điều chỉnh đúng với Luật Đầu tư.
Về việc tiếp tục cấp phép hay dừng đối với doanh nghiệp gỗ dăm, bà Lê Thị Thương cho hay, các Sở chuyên ngành Công Thương và Nông nghiệp sẽ nghiên cứu cụ thể tình hình thị trường, khối lượng sản phẩm để định hướng doanh nghiệp nên tham gia chế biến sâu dăm gỗ hay xuất bán sản phẩm thô.
Cuối cùng, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư chốt lại: Việc tháo gỡ pháp lý cho doanh nghiệp gỗ dăm được thực hiện trên cơ sở “án tại hồ sơ”, đúng pháp luật, chủ trương. Nếu vội vàng, duy ý chí sẽ gây hại cho nhà đầu tư và Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm