Khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân

NGUYỄN VIỆT thực hiện 26/04/2024 03:03

Cần đẩy mạnh khơi thông lại đầu tư tư nhân, bởi đây là lĩnh vực có tính lan tỏa cao nhất, tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

>>Kích cầu đầu tư tư nhân: Giảm rủi ro, chi phí là yêu cầu cấp bách

DĐDN đã có cuộc trao đổi với PGS, TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) xung quanh vấn đề này.

- Theo ông, vì sao đầu tư tư nhân ở Việt Nam lại sụt giảm mạnh trong thời gian qua?

Việc sụt giảm đầu tư tư nhân liên quan đến một số nguyên nhân. Trong đó, những cơ hội sản xuất kinh doanh trong những năm gần đây ngày càng ít đi. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3/2024 do S&P Global công bố giảm xuống 49,9 điểm sau khi đạt 50,4 điểm trong tháng 2.

Theo báo cáo của S&P Global, sau khi cải thiện nhẹ trong 2 tháng đầu năm nay, các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất Việt Nam hầu như không thay đổi trong tháng 3. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm, khiến giá bán hàng giảm.

Kết quả này đã báo hiệu sự kết thúc của thời kỳ cải thiện điều kiện kinh doanh kéo dài hai tháng đầu năm 2024. Điều đó cho thấy kỳ vọng về cơ hội sản xuất bị kém đi, dẫn đến việc đầu tư tư nhân sụt giảm.

Ở Việt Nam, đầu tư tư nhân phụ thuộc rất nhiều vào thị trường bất động sản. Trong giai đoạn vừa qua, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, dẫn đến đầu tư tư nhân bị ảnh hưởng.

Một nguyên nhân khác khiến đầu tư tư nhân bị sụt giảm, đó là tình hình chung của nền kinh tế thế giới. Khi cầu xuất khẩu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng như FDI cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến đầu tư tư nhân sụt giảm.

Mặc dù Chính phủ đã và đang rất quyết liệt hỗ trợ đầu tư tư nhân, nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa xử lý được. Tuy nhiên, theo tôi, những khó khăn trên chỉ là những thách thức tạm thời. Trong năm 2024 và 2025, đầu tư tư nhân sẽ khả dĩ hơn, cơ hội rõ ràng hơn.

>>Lực kéo đầu tư tư nhân

- Ông vừa nói còn một số vấn đề chưa xử lý được cho đầu tư tư nhân, đó là những vấn đề gì?

Việt Nam mới chỉ hỗ trợ giảm thuế VAT; giãn, hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm tiền thuê đất... Luật chưa cho phép các doanh nghiệp tư nhân chuyển lỗ về trước, mà chỉ cho chuyển lỗ về sau. Tức là, năm nay nếu doanh nghiệp khó khăn thì có thể chuyển lỗ về các năm tiếp theo.

Tại một số nước, họ cho phép kết chuyển lỗ thuế thu nhập doanh nghiệp ngược về trước. Đây là một cơ chế cho phép doanh nghiệp sử dụng lỗ thuế phát sinh trong một năm tài chính để điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp của các năm tài chính trước hoặc sau đó. Điều này có nghĩa, lỗ thuế của năm hiện tại được sử dụng để giảm thuế thu nhập của các năm trước đó và doanh nghiệp sẽ được hoàn lại số tiền thuế đã trả trong những năm đó.

Như vậy, doanh nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ khi gặp khó khăn vì doanh nghiệp đã nộp thuế trong quá khứ. Nhưng ở Việt Nam, luật không cho phép áp dụng quy tắc này. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn và nhìn thấy rủi ro cao thì sẽ không đầu tư.

Một thách thức khác với đầu tư tư nhân là mối quan hệ “lỏng lẻo” giữa đầu tư tư nhân trong nước với đầu tư FDI, sự lan toả giữa hai khu vực này tương đối thấp. Do đó, chúng ta không tận dụng được cơ hội khi FDI vào Việt Nam. Điều này dẫn đến việc đầu tư tư nhân trong nước bị phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản. Khi thị trường này gặp khó khăn, sẽ tác động mạnh đến các thị trường khác.

 Khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính thời gian tới.

Khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính thời gian tới.

- Ông có đề xuất, kiến nghị gì để thúc đẩy tăng trưởng khu vực đầu tư tư nhân trong thời gian tới?

Chúng ta cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho khu vực tư nhân, như tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm thực chất những điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển, hạn chế các tác động bất lợi đến doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, cần coi khu vực tư nhân là quan trọng nhất, để thiết kế chính sách tập trung vào lĩnh vực này. Trong đó, bao gồm hỗ trợ giảm các loại thuế, phí cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Đặc biệt, cần khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua tiếp tục hạ lãi suất cho vay, từ đó giảm chi phí vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán, kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản.

Tuy nhiên, chính sách kích cầu đầu tư tư nhân cũng gặp một số rào cản, như tỷ lệ tín dụng và M2/GDP cao, lạm phát cơ bản giảm chậm dẫn tới ít không gian để giảm thêm lãi suất huy động. Bên cạnh đó còn gặp giới hạn về lãi suất thực dương, bất ổn tỷ giá.

Hiện nay, chính sách kích thích bằng biện pháp tiền tệ ít hiệu quả đối với đầu tư của khu vực doanh nghiệp khi doanh nghiệp vẫn còn bi quan về triển vọng nền kinh tế và sức cầu tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp còn thấp. Vì vậy, trong giai đoạn này, cần ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa.

Về dài hạn, không nên quá tập trung vào đầu tư công mà cần có giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính mới là điều quan trọng nhất.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Kích cầu đầu tư tư nhân: Giảm rủi ro, chi phí là yêu cầu cấp bách

    05:00, 25/04/2024

  • Lực kéo đầu tư tư nhân

    01:30, 23/01/2024

  • Chuyên gia WB cảnh báo đầu tư tư nhân “chững lại”

    12:21, 11/01/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO