Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạnh tranh toàn cầu gia tăng, việc thúc đẩy kinh doanh bền vững không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn đối với doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hơn 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thiếu nguồn lực để chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng xanh và bền vững. Nhận thức rõ thách thức này, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 09/2025/TT-BTC, mở ra cơ chế tài chính linh hoạt nhằm “khơi thông” nguồn lực cho khu vực tư nhân. Chính sách này không chỉ là “cú hích” từ Nhà nước mà còn là tín hiệu khẳng định cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình phát triển bền vững.
Theo đó, Thông tư 09/2025 có hiệu lực từ ngày 20/4/2025, tập trung vào năm nhóm hoạt động trọng tâm: xây dựng tài liệu chuyên môn, kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng và nhà đầu tư, tổ chức diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, và xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn. Đáng chú ý, cơ chế tài trợ được thiết kế linh hoạt, dựa trên định mức cao nhất của Nghị định 80/2021/NĐ-CP và quy trình phân bổ kinh phí minh bạch theo Thông tư 52/2023/TT-BTC.
Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách này “đánh trúng” nhu cầu cốt lõi của DNNVV khi mà sự thiếu hụt kiến thức và khả năng tiếp cận vốn đang là những rào cản lớn nhất. Do đó, việc xây dựng mạng lưới chuyên gia và kết nối tài chính sẽ giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình một cách bài bản.
Tuy nhiên, việc triển khai Thông tư 09/2025 có thể vẫn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Phía các doanh nghiệp cho rằng, cần đơn giản hóa quy trình và tăng cường đào tạo cán bộ địa phương để chính sách đi vào thực chất.
Mặt khác, các chuyên gia kinh tế cảnh báo về nguy cơ “lạm dụng” ngân sách nếu không giám sát chặt chẽ. Cần công khai danh sách doanh nghiệp nhận hỗ trợ và đánh giá định kỳ để đảm bảo kinh phí được sử dụng đúng mục đích. Đồng thời, việc tích hợp tiêu chí ESG vào quy trình thẩm định, biến đây thành động lực để doanh nghiệp nâng cao chuẩn mực.
Ông Phạm Hoài Trung, Trưởng ban Vận động Net To Zero 2025, khẳng định: “Áp dụng tiêu chuẩn ESG mang lại cho doanh nghiệp khả năng tiếp cận đa dạng nguồn lực bền vững, từ nhà đầu tư đến chuỗi cung ứng xanh. Đây chính là chìa khóa để doanh nghiệp mở rộng thị phần và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập”.
Trên thực tế, thành công của Thông tư 09/2025 phụ thuộc vào sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Ví dụ điển hình từ Đan Mạch, quốc gia dẫn đầu về kinh tế tuần hoàn cho thấy, khi chính phủ đóng vai trò “bà đỡ” thông qua ưu đãi thuế và kết nối viện trợ quốc tế, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng mô hình bền vững đã tăng 35% sau 5 năm. Tại Việt Nam, sự xuất hiện của các quỹ đầu tư như Dragon Capital hay VinaCapital cũng mở ra cơ hội kết hợp nguồn lực công - tư.
Thông tư 09/2025/TT-BTC được kỳ vọng là “luồng gió mới” thổi bùng hy vọng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng sức sống của nó phụ thuộc vào cách hiện thực hóa trên thực địa. Chính sách chỉ thành công khi doanh nghiệp dám thay đổi tư duy và Chính phủ kiên trì đồng hành.