Chuyển đổi số sẽ không có điểm đến, mà cần hoàn thiện với sự đồng bộ của chính các chủ doanh nghiệp.
>>Doanh nghiệp cần động lực để chuyển đổi số
Khi đi vào thực thi nếu gặp những vấn đề nảy sinh thì đó là cơ hội để cho các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện và tiếp tục rà soát chính sách, như Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, chuyển đổi số là một chủ đề rất được quan tâm, ngày từ tháng 6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 789 liên quan đến chuyển đổi số quốc gia. Và nông nghiệp được chọn là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng cần nhấn mạnh vai trò của người nông dân, doanh nghiệp để họ không chỉ là người sản xuất, mà còn phải trở thành những thương nhân của chính sản phẩm do mình tạo ra.
Thực tế, đại dịch Covid-19 đã chứng kiến sự đổi thay và biến đổi từ hành vi tiêu dùng đến tư duy kinh tế của tất cả các thực thể, trong đó có các chủ doanh nghiệp. Đây cũng là bối cảnh thuận lợi để tiến hành chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, nếu không có sự đồng hành, hướng dẫn, liên kết của tất cả các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, thì sẽ rất khó cho mỗi chủ doanh nghiệp muốn được tự đứng “trên đôi chân của mình” trong quá trình chuyển đổi số.
Vẫn theo ông Nguyễn Quốc Toản, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ, mà phải thay đổi trong tư duy, chiến lược, mô hình kinh doanh và hoàn thiện thể chế.
“Nếu chỉ dừng ở công nghệ thì chúng ta chỉ dừng ở công nghệ thông tin. Còn chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông nghiệp thì điều cần nhất là tư duy tiếp cập. Tư duy tiếp cận ở đây không chỉ là với mỗi chủ doanh nghiệp, mà thực tế đã hiện hữu trong những áp lực về thị trường”, ông Toản nói.
Mặc dù năm 2021, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp vẫn đạt 48,6 tỷ USD, đây là con số cao nhất trong lịch sử.
Nếu nhìn lại năm 2016, xuất khẩu nông nghiệp mới đạt 32 tỷ USD, trong khi 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt 28 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 Thủ tướng giao là 50 tỷ USD.
“Con số kim ngạch phản ánh nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, nhưng làm sao để con số này theo thời gian phải là những con số bền vững. Phải đến từ những thực thể nhỏ, từ hợp tác xã, người nông dân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Toản bày tỏ.
Việc chuyển đổi số đang làm ngày hôm nay là cung cấp kiến thức, kỹ năng và tư duy chuyển đổi để giúp tăng trưởng về kim ngạch, giá trị của các doanh nghiệp ngày càng bền vững hơn.
Ông Toản nhấn mạnh, chúng tôi kiên định mục tiêu, làm sao để cộng đồng doanh nghiệp nhận thấy trong bối cảnh càng khó khăn thì càng nắm bắt và giảm thiểu được tối đa những chi phí, gia tăng biên độ lợi nhuận, thích ứng linh hoạt trong mọi bối cảnh.
Chúng ta gặp rất nhiều thách thức cả trong nước và quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Với 3 biến động lớn, như thị trường, biến đổi khí hậu và khả năng tự xoay sở của chúng ta. Nếu không có “kháng sinh” cho nền kinh tế và mỗi doanh nghiệp về khả năng quản trị thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các chi phí cho nông nghiệp hiện nay rất lớn, gồm nguyên vật liệu đầu vào, logistics, vận chuyển, nguồn nhân lực và các chi phí cơ hội cho các doanh nghiệp.
Vẫn theo ông Toản, hiện nay trên cả nước có khoảng 14.000 doanh nghiệp nông nghiệp, khoảng 17.000 hợp tác xã. Các thực thể này rất cần có sự liên kết với nhau, đó là liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào… đến chế biến, phân phối, bán lẻ đến bàn ăn của người tiêu dùng.
Như vậy, chuỗi này cần phải có “mạch máu”, không những về mặt tài chính mà cả công nghệ. Đối với công nghệ, phải làm sao để mỗi chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận được ngay từ khâu canh tác. Tức là, ngay từ khâu canh tác đã phải suy nghĩ đến thị trường, truy xuất nguồn gốc, áp dụng mã vạch, tiêu chuẩn chất lượng… Đây chính là công cụ hỗ trợ.
Vậy, sau khi tiếp cận thì doanh nghiệp sẽ triển khai như thế nào? Điều này rất cần các cơ quan quản lý nhà nước vừa thông tin trên các website, vừa bằng những cuốn Sổ tay, như “Sổ tay chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp, Sổ tay chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và Sổ tay tiếp cận tài chính”.
Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn, thậm chí “cầm tay chỉ việc” cho các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã. Khi “cầm tay chỉ việc” sẽ trở thành kỹ năng.
Được biết, thời gian tới còn tải lên các app cho những điện thoại thông minh. Thực tế, tại khu vực nông thôn hiện nay có tới 63% người nông dân sử dụng điện thoại thông minh.
Đây có thể coi như một “trợ lý ảo” giúp cho người nông dân và đội ngũ khuyến nông cơ sở về mặt thông tin, canh tác, thị trường, thời tiết, thiên tai, bão lũ… để khi ra đồng hay bước vào khu vực sản xuất thì sẽ tự tin với hành trang thông tin hàng ngày.
“Chúng ta phải nỗ lực và quyết tâm làm, có thể thời gian có dài nhưng sẽ không có điểm đến”, ông Toản bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
01:46, 27/07/2022
00:30, 27/07/2022
17:11, 26/07/2022