Nhà đầu tư địa ốc đang có xu hướng dịch chuyển từ khu vực trung tâm thành phố sang bất động sản vùng ven - nơi quỹ đất còn dư địa và hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh.
Xu hướng này không chỉ phản ánh nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản (BĐS) mà còn chịu tác động của các yếu tố khách quan như chính sách quy hoạch, hạ tầng giao thông và sự thay đổi trong nhu cầu của người mua.
Thứ nhất, giá BĐS trung tâm tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM ngày càng cao, đạt đến mức kỷ lục, làm việc đầu tư trở nên khó khăn hơn khi chi phí vốn tăng cao trong khi biên lợi nhuận giảm dần hoặc khó đảm bảo khi các dự án khu vực trung tâm thường gặp các vấn đề về pháp lý, thời gian triển khai kéo dài. Điều này buộc các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính không mạnh phải tìm kiếm những thị trường tiềm năng ở vùng ven.
Thứ hai, Chính phủ và các địa phương đang đẩy mạnh quy hoạch phát triển đô thị vệ tinh, mở rộng không gian đô thị để giảm tải áp lực dân số và hạ tầng tại trung tâm, giúp các quận/huyện ven trung tâm và tỉnh, thành kề bên 2 đô thị đặc biệt trở thành điểm đến hấp dẫn cho cả nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp.
Thứ ba, việc đầu tư vào hạ tầng giao thông, bao gồm các tuyến đường cao tốc, vành đai hay hệ thống giao thông công cộng như metro, rút ngắn thời gian kết nối các khu vực vệ tinh với trung tâm thành phố, không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cho BĐS mà còn thu hút lượng lớn nhu cầu BĐS.
Thứ tư, việc các dự án đại đô thị “all in one” được được đầu tư tại các khu vực vùng ven, không chỉ thúc đẩy hạ tầng và thương mại phát triển mạnh mẽ, mà còn kéo theo giá trị BĐS khu vực xung quanh tăng lên, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở tại các khu vực ngoài trung tâm sẽ tiếp tục tăng, các chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển đô thị vùng ven cũng tạo động lực cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Đính, nhà đầu tư lựa chọn khu vực vùng ven cũng cần nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng, do có thể gặp các vấn đề pháp lý liên quan đến quy hoạch, quyền sử dụng đất và thủ tục pháp lý.
Đồng thời, dù tiềm năng lớn, nhưng không phải khu vực nào cũng có đủ sức hút để đảm bảo khả năng tiêu thụ sản phẩm bất động sản. Chưa kể, một số khu vực vẫn còn hạn chế về tiện ích công cộng, gây khó khăn trong việc thu hút cư dân và nhà đầu tư.
Trước đó, các chuyên gia của Batdongsan.com.vn cũng lưu ý, phân khúc đất nền vùng ven tuy có tiềm năng giá nhưng không có nghĩa là nhà đầu tư mua đất nền ở đâu cũng thắng mà còn tùy từng khu vực, từng thời điểm. Đặc biệt, nếu tham gia vào sân chơi "lướt sóng" đất nền, nhà đầu tư cần phải chuẩn bị tâm lý "ăn chắc mặc bền", có sẵn dòng tiền nhàn rỗi dài hạn. Trường hợp có nguồn thu ổn định thì nhà đầu tư cũng chỉ nên đi vay tối đa 30% giá trị tài sản.
Đại diện đơn vị này cũng dự báo, từ quý 2/2025 trở đi, đất nền mới bắt đầu vào xu hướng chính của phục hồi. Còn các đợt sóng hiện nay chỉ mang tính chất cục bộ tại một số khu vực.
Giới chuyên gia nhận định chung, những quy định mới của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cũng sẽ siết chặt quản lý hoạt động phân lô bán nền, giúp hạn chế các cơn sốt đất nền như trong các giai đoạn trước đây. Thị trường bất động sản nói chung sẽ phát triển minh bạch và bền vững trong tầm nhìn dài hạn.